Phóng sự - Ký sự

Theo chân tổ phản ứng nhanh đến tận nhà F0 ở TP. Hồ Chí Minh-Bài 1: Oxy - Dân cần là có

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với nỗ lực hết sức không để F0 tại nhà chuyển bệnh nặng, được tiếp cận thuốc và thiết bị y tế kịp thời, các tổ phản ứng nhanh xã, phường tại 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã thực sự là cánh tay nối dài từ trạm y tế lưu động đến từng nhà dân.
LTS: Tổ phản ứng nhanh không chỉ hướng dẫn các bệnh nhân F0 tự chăm sóc, điều trị tại nhà mà còn là lực lượng hỗ trợ kịp thời các ca bệnh trong những thời điểm nguy cấp, giúp giảm tải cho tuyến trên. Miệt mài không kể ngày đêm, họ thật sự là những người gần bệnh nhân nhất, hiểu bệnh nhân nhất, và cũng vất vả nhất. Phóng viên báo Dân Việt đã theo chân tổ phản ứng nhanh ghi lại hành trình mỗi ngày của những con người thầm lặng ấy trong loạt 3 bài "Theo chân tổ phản ứng nhanh đến tận nhà F0 ở TP.HCM".
Đối với các bệnh nhân F0 dù điều trị tại bệnh viện hay tại nhà, oxy luôn là yếu tố sống còn. Thấu hiểu điều đó nên tại các trạm y tế lưu động của mỗi phường, xã đều cố gắng bố trí tối đa bình oxy có thể, nhất là các bình cơ động để có thể mang đến tận nhà người dân.

Kiểm tra bình oxy trước khi mang đến nhà dân tại quận 11. Ảnh: B.D
Kiểm tra bình oxy trước khi mang đến nhà dân tại quận 11. Ảnh: B.D
Có mặt sau 5-10 phút gọi điện
Liên tục chỉnh máy sạc oxy từ bình lớn sang bình nhỏ, kiểm tra van, đầu vòi, anh Nguyễn Cẩm Thông, tổ phản ứng nhanh UBND quận 11 vừa nghe điện thoại đường dây nóng của người dân. "Gia đình F0 trên đường Hàn Hải Nguyên, phường 10 có người khó thở, cần bình gấp", anh điều phối luôn một nhân viên đang chờ nhận bình oxy.
Ngay lập tức, bình oxy được chuyển lên xe ô tô lao ra đường. 7 phút sau, bình oxy đã đến trước cửa nhà dân. Giao bình cho con trai bệnh nhân đang đợi sẵn, anh nhân viên kết nối video call qua zalo với người nhà người bệnh, hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng oxy cho bệnh nhân đang nằm cách ly trên lầu.
Gạt mồ hôi, anh chia sẻ: "Người bệnh cần nhất là oxy nên chúng tôi cố gắng chuyển bình đến tận nơi càng nhanh càng tốt. Thường chỉ khoảng 5 phút sau khi nhận cuộc gọi khẩn của người dân là bình oxy được chuyển đến, những nhà nằm sâu trong hẻm thì mất khoảng 10 phút".
Ngay khi bình oxy được chuyển đi, tổ phản ứng nhanh phường 10 cũng được kích hoạt. 2 bác sĩ được chi viện từ Học viện Quân y có mặt chỉ sau vài phút, mang theo túi thuốc cho F0 nhanh chóng khử khuẩn để vào trực tiếp kiểm tra sức khỏe người bệnh.
Bà Phan Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND phường 10 quận 11 đi cùng tổ phản ứng nhanh cho biết: "Gia đình này mới phát hiện có một F0 qua test nhanh cộng đồng ngày hôm trước. Ngay lập tức, chúng tôi hướng dẫn cách ly tại nhà vì gia đình có nhiều tầng riêng biệt, đủ điều kiện cách ly tại chỗ, đồng thời đến kiểm tra sức khỏe, phát túi thuốc F0 và hướng dẫn điều trị, theo dõi tại nhà theo đúng quy định của Sở Y tế".

Tổ phản ứng nhanh phường 10, quận 11. Ảnh: B.D
Tổ phản ứng nhanh phường 10, quận 11. Ảnh: B.D
Cấp cứu ngay tại nhà F0
Điện thoại đường dây nóng của bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm y tế phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM reo liên tục, ngay cả khi bác sĩ đang hỗ trợ tư vấn, khám sàng lọc tại điểm tiêm vaccine. Vừa xử lý thông tin từ F0, sắp xếp công việc, điều phối nhân viên đi hỗ trợ F0, bác sĩ Kông vừa cho biết, y tế phường đảm nhiệm rất nhiều công việc. Rất may có 2 tổ phản ứng nhanh cùng sự hỗ trợ của các tình nguyện viên là sinh viên nên đã giải quyết được rất nhiều việc khẩn cấp.
"Đêm qua, chúng tôi vừa cấp cứu một trường hợp F0 khó thở, chuyển nặng. Người này đã có triệu chứng ho, sốt trước đó, nhưng do trong nhà đã tự chuẩn bị bình oxy nên khá chủ quan. Không ngờ nửa đêm hết oxy, khó thở nặng, họ gọi đến đường dây nóng của y tế phường. Chỉ kịp gọi một thành viên tổ phản ứng nhanh đến hỗ trợ, tôi phải chạy đi lấy bình oxy chở đến nhà bệnh nhân. 
Lúc này, chỉ số oxy máu (SpO2) của bệnh nhân chỉ còn 79, sốt 39 độ. Sau nửa tiếng sơ cứu cho bệnh nhân, các chỉ số dần ổn định, đội liên hệ với tuyến trên để chuyển bệnh và phải chuyển bằng xe taxi đưa F0 đi bệnh viện chứ không chờ xe cấp cứu", bác sĩ Kông tâm sự và cho biết thêm, trong phường mỗi ngày có từ 3-5 F0 được đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ Kông đang cấp cứu tại nhà F0. Ảnh: BSCC
Bác sĩ Kông đang cấp cứu tại nhà F0. Ảnh: BSCC
Tại nhà F0 ngụ đường số 5, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức, anh Huỳnh Ngọc Anh, nhân viên chống dịch tại Trạm y tế lưu động phường Linh Trung và anh Nguyễn Tuấn Anh, tình nguyện viên vận chuyển F0, hối hả gói một ít đồ cá nhân, gối mền cùng sổ khám bệnh cho bệnh nhân N.T.M, 63 tuổi, để nhanh chóng đưa bà vào bệnh viện.
Gia đình bà M. có 3 F0 vừa được phát hiện trong đợt test nhanh tại phường nhưng người nhà trở nặng và đã được nhập viện cấp cứu nên còn mỗi bà nằm ở nhà. Sau khi nhận thông tin bệnh nhân bị khó thở, bác sĩ trạm y tế lưu động xuống khám và ngay sau đó là xe chuyển bệnh nhanh chóng có mặt. Bệnh nhân bị liệt, lại suy yếu, không đi lại được nên 2 nhân viên trạm phải bế bệnh nhân len lỏi từ cuối dãy trọ gần 40m ra tận hẻm để cho lên ô tô.
Theo bác sĩ Trương Nguyễn Đoan Hạnh, Phó trưởng trạm y tế phường Linh Trung, phụ trách Trạm y tế lưu động đặt tại Trung tâm cách ly phường Linh Trung, trạm bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 23/8. Do TP.Thủ Đức có 32 cơ sở thu dung, số F0 điều trị tại nhà rất ít nên chủ trương của TP.Thủ Đức là lập các trạm y tế lưu động trong những khu thu dung này.
Trên địa bàn phường Linh Trung hiện nay có 17 F0 tại nhà nên trạm lưu động vừa hỗ trợ F0 tại nhà, vừa chăm sóc luôn cho F0 trong khu cách ly tạm thời. Ngoài lực lượng được phân bổ theo quy định, trạm y tế lưu động hiện còn có sự hỗ trợ của 1 bác sĩ và 2 học viên Học viện quân y vừa được chi viện, kịp thời hỗ trợ cho các F0.
Bác sĩ Hạnh cho biết: "Có thể có những diễn biến rất bất ngờ, có thể trước đó họ không có bệnh nền gì nhưng suy hô hấp rất nhanh, chiếm khoảng 10%. Những ca đó trạm y tế lưu động xử lý tại chỗ cho thở oxy, cho đánh giá dấu hiệu sinh tồn rồi làm hồ sơ chuyển viện nhanh".
(Còn nữa)
Theo Bạch Dương (Dân Việt)
https://danviet.vn/theo-chan-to-phan-ung-nhanh-den-tan-nha-f0-o-tphcm-2021083014082174.htm

Có thể bạn quan tâm