Hàng loạt các tỉnh thành khu vực miền Trung đồng loạt chọn Du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm gần đây. Tuy vậy, phần lớn các sản phẩm du lịch đều xưa cũ, giống nhau, không mới lạ, thiếu hấp dẫn và kết cục là khách ít quay trở lại. Nhiều nơi, cơ quan quản lý nhà nước "sốt ruột", liên tục tìm các giải pháp để làm mới sản phẩm, nhưng có lẽ, cách tốt nhất vẫn là xu hướng "làm thật", làm có trách nhiệm với cộng đồng, với thiên nhiên, mới mong có kết quả bền vững...
Xu hướng về với thiên nhiên
Nếu không có điều kiện để lên tận Hà Giang, chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa Tam Giác Mạch bất tận trên núi rừng Tây Bắc, bây giờ bạn có thể ghé ngay làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Đồng Mô sát TP Hà Nội để check- in với loài hoa vốn chỉ mọc trên những sườn núi đá này.
Ruộng Cúc họa mi tại Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Vinh |
Hay tại Đà Nẵng, hàng vạn thanh thiếu niên, phái đẹp không cần phải bay ra Hà Nội mới có thể làm dáng bên những cánh đồng hoa cúc Họa Mi, mà tại cánh đồng Hòa Vang cũng giúp những người yêu hoa thỏa mãn bên những ruộng cúc trắng không khác gì phương Bắc. Hay loài Dã Quỳ vốn chỉ mọc hoang dã trên vùng đất đỏ bạc ngàn nắng gió Tây Nguyên, thì bây giờ du khách có thể thỏa thích với những vạt rừng, cụm hoa Dã Quỳ vàng rực trên các ngã đường Trường Sơn, khu vực Hướng Hóa, Quảng Trị, hay Ba Vì, Hà Nội...
Trước đây, rất nhiều nhiều cánh đồng hoa vốn chỉ là đặc sản, là "độc quyền" ở một số địa phương, bây giờ đã được trồng nhân rộng để phục vụ cho việc thu hút khách du lịch.
Cánh đồng hoa Tam giác mạch ở Đồng Mô, Hà Nội. Ảnh D.Tr |
Đi theo những mùa hoa, theo những cánh đồng hoa bỗng thành trào lưu du lịch của nhiều người, tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Du khách không chỉ thưởng hoa, check in với cảnh đẹp, mà còn trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của các dân tộc thiểu số, các cộng đồng dân cư miền núi. Bởi vậy, mà mỗi độ hoa Mùn vàng rực trên các rẫy cà phê, hay hoa Dã Quỳ bung nở thì ở ngọn núi Chư Đăng Ya, thì Gia Lai bỗng có cơ hội đón khách không khác gì Festival hoa ở Đà Lạt. Hay mới đây, hoa Anh đào tràn ngập phố núi Măng Đen, Kon Tum đã lôi cuốn nhiều du khách đến, thay vì chỉ lựa chọn Đà Lạt như trước.
Dã Quỳ bung nở ở ngọn núi Chư Đăng Ya |
Tất nhiên, một loài hoa ở mỗi nơi đều có sự đặc sắc khác nhau bởi nó gắn liền với thiên nhiên, với văn hóa và cộng đồng người dân ở đó. Đây là mấu chốt để chính quyền và nhân dân các địa phương nắm bắt cơ hội, tạo ra điểm nhấn của riêng mình để lôi kéo du khách. Điều quan trọng là cách làm du lịch hiện nay ở các địa phương đã không còn sơ sài, hình thức kiểu trình diễn, tái hiện. Chính cuộc sống bình dị, êm đềm ở các vùng quê và những những giá trị văn hóa được giới thiệu một cách chân thật đã chinh phục khách lạ.
Làm mới những giá trị... cũ
Tại một hội thảo “Du lịch cộng đồng và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa” diễn ra giữa năm 2019, Giáo sư Chung Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam khẳng định, nền văn hóa lâu đời với sự đa dạng của nhiều cộng đồng dân cư trải dài trên ba miền đất nước là một lợi thế rất lớn trong phát triển du lịch ở tương lai. Đại diện Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định: “Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải gắn với phát triển du lịch mới là hướng đi bền vững, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hoa Anh đào ở Măng Đen. Ảnh: Hà Nguyễn |
Điều này thì đã rõ, từ lâu, tuy nhiên, nhiều nơi đã rình rang tổ chức lễ hội, phô trương các sản phẩm văn hóa vật thể lẫn văn hóa dân gian, phi vật thể đến du khách... theo hình thức trình diễn. Cách làm thiếu hơi thở cuộc sống, có phần "sân khấu hóa" đã không "sống" được lâu dài. Bằng chứng là du khách ít quay trở lại các lễ hội kiểu vậy.
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng khi bây giờ những người làm du lịch Việt ngày càng ý thức được gốc rễ của sự bền vững, đó là phát triển trên nền tảng dân tộc, bảo tồn và nâng tầm văn hóa truyền thống, vốn là nguồn tài nguyên vô tận và đầy tiềm năng. Nhưng, phải làm sao để du lịch văn hóa không chỉ là những lễ hội, những sản phẩm “điểm danh” khiến người xem đến một lần rồi không trở lại? Phải làm sao mỗi sản phẩm du lịch văn hóa trở thành thỏi nam châm hút khách đến các miền đất, tôn vinh và lan tỏa những giá trị truyền thống của dân tộc tới bạn bè quốc tế? Bài toàn đó, chưa có nhiều điểm đến làm được.
Vấn đề nóng này cũng vừa đặt ra tại hội thảo về làm mới các sản phẩm du lịch tại Quảng Nam trong những ngày cuối năm 2019. Các di sản văn hóa thế giới như khu đền tháp Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An vốn là những phế tích điêu tàn từ những năm đầu thập niên 90. Nhưng liên tiếp 2 thập niên qua, các di sản này được đánh thức, trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng trong nước và cả thế giới. Nhưng vì chậm đổi mới sản phẩm, chưa thay đổi cách khai thác nên đã có biểu hiện du khách nhàm chán, không quay lại. Mặt khác, mặt trái của việc tăng số lượng người tham quan cũng dần bộc lộ tiêu cực, đe dọa tính bền vững trong công tác bảo tồn.
Anh đào tại Tây Nguyên đẹp như... ở Tây Bắc. Ảnh: Hà Nguyễn |
Nhưng chính cuộc sống sinh động, sự lan tỏa nhanh trên mạng xã hội là cứu cánh giúp các nhà quản lý, các Cty du lịch nắm bắt kịp thời xu hướng thụ hưởng, trải nghiệm du lịch của du khách. Chính nhu cầu của khách đã gợi mở cho nhà quản lý những hoạch định mới.
Bởi vậy nhiều nơi đã chú trọng phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền, gắn liền với thiên nhiên, tính nhân văn, thuần hậu trong từng điểm đến, từng sản phẩm du lịch, và đang thật sự hấp dẫn du khách. Ví như việc phát động, cổ súy cho phong trào xây dựng "Hội An nhân tình thuần hậu" của chính quyền đô thị cổ đang được hưởng ứng, lan tỏa rất nhanh, đến nhiều địa phương khác. Từ sự thật thà trong buôn bán, chân tình trong ứng xử, có trách nhiệm với môi trường... thậm chí quy định chi tiết đến cái dạ thưa, vòng tay cúi chào khách ở các điểm đến đang được phát huy mạnh mẽ trong giới du khách trẻ tuổi. Đây chính là niềm hy vọng, như những bông hoa đẹp đang ngày càng lan rộng khắp mọi miền đất nước, suốt bốn mùa.
Theo An Thượng (LĐO)