Phóng sự - Ký sự

Thông Bahnar Brocade: Hồi sinh thổ cẩm Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bằng niềm đam mê mãnh liệt với nét đẹp thổ cẩm của người Bahnar, anh Huỳnh Nguyên Thông (TP. Kon Tum) đã đi khắp các buôn làng Tây Nguyên, đồng hành cùng những nghệ nhân để vực dậy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và trao cho nó một “cuộc đời“ mới.
Thổi “hồn” cho thổ cẩm
Giữa sự phát triển như vũ bão của các chất liệu thời trang hiện đại, anh Huỳnh Nguyên Thông đã đến với truyền thống, kiên trì trồng bông, xe sợi, nhuộm màu, dệt vải thủ công. Khó ai tin chàng trai 34 tuổi từng là designer “cứng cựa” của Dcar Limousine Việt Nam lại đồng hành cùng thổ cẩm tròn… 13 năm. Anh Thông tâm sự: “Trong tâm trí tôi, thổ cẩm không chỉ là trang phục mà còn là một loại tài sản thật sự có giá trị”.
Hình ảnh khung dệt dần bị lãng quên, bà con tại các buôn làng khoác lên mình những bộ thổ cẩm may từ vải dệt công nghiệp vô hồn cứ thôi thúc anh phải làm gì đó. Và anh chọn cách khôi phục quy trình dệt vải thủ công truyền thống, từ đó, sáng tạo những sản phẩm mới. Anh ứng dụng chúng trên áo dài, giày dép, khăn quàng cổ, túi xách, khăn trải bàn, rèm cửa đến trang trí nội thất ô tô, khách sạn. Dần dần, anh gầy dựng nên thương hiệu Thông Bahnar Brocade.
Anh Huỳnh Nguyên Thông hướng dẫn mẫu hoa văn cho nghệ nhân trước khi dệt. Ảnh: Phương Linh
Anh Huỳnh Nguyên Thông hướng dẫn mẫu hoa văn cho nghệ nhân trước khi dệt. Ảnh: Phương Linh
Anh Huỳnh Nguyên Thông:“Chúng tôi cần cho thổ cẩm một đời sống mới để đáp ứng nhu cầu hiện đại. Nhưng trước hết, “xương sống” tạo nên thổ cẩm vẫn phải giữ lại tuyệt đối trân trọng chính là kỹ thuật dệt tay và nhuộm thủ công”.
Anh xách ba lô đi đến buôn làng người Bahnar ở khắp các tỉnh Tây Nguyên để tìm hiểu về nghề dệt truyền thống của người Bahnar. Ngoài tìm hiểu kiến thức trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và học cách dệt vải, anh còn gầy dựng được 5 nhóm dệt ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có 2 nhóm tại Gia Lai gồm các thợ dệt ở xã Glar (huyện Đak Đoa) và làng Pơ Nang (xã Tú An, thị xã An Khê).
Chị Hồ Thị Viên-thành viên nhóm dệt làng Pơ Nang-bộc bạch: “Làm việc với anh Thông, chúng tôi không chỉ được làm quen với nhiều mẫu hoa văn mới mà còn được sống lại không khí dệt của ngày xưa. Những tấm thổ cẩm của chúng tôi có giá trị hơn khi được ứng dụng một cách đa dạng, phong phú”.
Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, anh Thông đã chế tác thành công khung dệt Inkle-khung dệt cải tiến theo nguyên gốc của người Bắc Âu. Khung dài chừng 80 cm, làm bằng gỗ, nặng khoảng 2 kg. Từ cách sắp xếp sợi vải trên khung dệt truyền thống của người Bahnar, anh Thông tìm cách phân tầng trên khung dệt Inkle sao cho thật hợp lý. Công việc tưởng đơn giản nhưng phải mất… 7 năm để hoàn thành.
Anh chia sẻ: “Khung dệt truyền thống thường khá lỉnh kỉnh. Trong quá trình dệt, người thợ khá vất vả để giữ căng tấm vải. Khung dệt Inkle đã giải quyết hoàn toàn những hạn chế ấy. Việc giữ căng sợi đã có hệ thống thanh đỡ làm giúp. Khi dệt hết một lượt vải, người thợ chỉ cần lảy một cái chốt, kéo chỉnh lại sợi rồi tiếp tục làm. Lúc mệt có thể để nguyên tấm vải trên khung đem cất, hôm sau bưng ra làm tiếp mà không cần mắc lại khung”.
Kể chuyện trên thổ cẩm
Hoa văn là điểm mấu chốt làm nên sự đặc biệt của tấm thổ cẩm. Sự phối trộn giữa các đường nét, màu sắc làm nên những câu chuyện khác nhau. Anh Thông đặc biệt yêu thích việc sưu tầm các mẫu hoa văn cũng như ý nghĩa ẩn sâu trong đó.
Anh nói: “Bên cạnh việc phục dựng các mẫu hoa văn cổ bằng cách sưu tầm từ tư liệu, trên các tấm thổ cẩm lâu đời, chúng tôi cũng ứng dụng kỹ thuật sắp chỉ độc đáo, cách phối màu mới để làm cho tấm vải trở nên sống động hơn. Mọi người có thể cảm nhận được sự chuyển động của hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm”.
Hoa văn là điểm nhấn đặc biệt trên mỗi sản phẩm của Thông Bahnar Brocade. Ảnh: Phương Linh
Hoa văn là điểm nhấn đặc biệt trên mỗi sản phẩm của Thông Bahnar Brocade. Ảnh: Phương Linh
Cách đây 1 năm, anh Thông đã hoàn thành tấm dệt có tên “Bức tranh thiên nhiên Bahnar” do khách hàng đặt tặng Đức Giáo Hoàng Francis nhân Hội nghị trẻ em toàn cầu-I Can Children Global Summit 2019. Trên tấm dệt có kích thước một khung tranh 30x30 cm, các nghệ nhân bằng đôi tay tài hoa đã tái hiện lại khung cảnh đời sống và văn hóa của dân tộc Tây Nguyên một cách đặc sắc, dễ hiểu. Ở đó có nhà rông, cây nêu, cảnh chèo thuyền đánh bắt, chăn nuôi, trồng trọt, giã gạo…
Hiện tại, anh cùng bà Yin (làng Kon Ktu, xã Đak Rơ Va, TP. Kon Tum) thực hiện 3 tấm thổ cẩm kể truyện cổ Bahnar. Anh nghe bà kể lại câu chuyện cổ của Bahnar, đồng thời anh sưu tầm thêm các câu chuyện sử thi và truyện cổ Tây Nguyên để kể lại cho già Yin nghe. Bằng trí tưởng tượng của mình và khả năng sắp xếp tài tình, già Yin sẽ “kể” lại câu chuyện bằng hình ảnh lên tấm vải.
Khung dệt Inkle nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng. Ảnh: Phương Linh
Khung dệt Inkle nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng. Ảnh: Phương Linh
Công việc của Thông Bahnar Brocade hiện được vận hành theo chuỗi. Các nhóm dệt sẽ làm theo mẫu đặt hàng của anh Thông, sau đó vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để được tạo mẫu, sáng tạo, ứng dụng lên các sản phẩm khác nhau. Anh Thông luôn chú trọng xây dựng đội ngũ nghệ nhân trẻ nối nghề. Trong khoảng 30 người tại các nhóm dệt, đã có khoảng 10 nghệ nhân trẻ tuổi lành nghề và giàu đam mê với thổ cẩm truyền thống. Anh thường xuyên tổ chức các buổi trưng bày, giới thiệu, trao đổi để mọi người có thêm không gian trải nghiệm với thổ cẩm thủ công.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai-cũng dành sự yêu mến với niềm đam mê của anh Thông: “Nghề dệt đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Thông đã làm rất tốt việc kết nối, khiến cho sản phẩm địa phương trở thành hàng hóa. Những sản phẩm không chỉ đơn giản là phục vụ cho việc trang phục thường ngày mà biến thành những tấm ga trải giường trong các khách sạn, tấm trải bàn trang trí, hoa văn trên những túi xách, sandal, guốc mộc rất tinh tế. Thông đã có riêng thị trường của mình để giúp cộng đồng người Bahnar đang gắn bó với việc dệt, giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. Đó là điều cần nhất trong thời điểm hiện nay”.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm