Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thông điệp yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bạo lực gia đình là hành vi đáng lên án vì gây tổn thương, kìm hãm sự phát triển con người. Làm gì để đẩy lùi nạn bạo hành? Chủ đề này được các tác giả gợi mở thông qua bài viết, sáng tác tranh tham gia cuộc thi “Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng”. Đề cao tình yêu thương trong gia đình là cách đẩy lùi bạo lực được nhiều tác giả đề cập dưới góc nhìn nhân văn.

Trong số 43 bức tranh của 41 tác giả tham gia cuộc thi về gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình, đa số lấy chủ đề về tình yêu thương. Đó là niềm hân hoan của những đứa trẻ đón bố đi làm về, bố con trên thềm nhà tận hưởng niềm hạnh phúc giản dị. Hay các thành viên bên nhau cùng đọc sách, những đứa trẻ tràn trề hạnh phúc trong vòng tay bố mẹ.

Nhiều tác phẩm có chủ đề mùa hè bên gia đình, các thành viên cùng nhau dạo chơi công viên, chơi trò thả diều hoặc cùng tắm trong dòng nước mát bên dưới ngọn thác quê hương. Cũng có khi, niềm hạnh phúc đơn giản là sum họp dưới hiên nhà sàn cùng trao nhau nụ cười lấp lánh niềm vui.

Chị Trần Thị Thủy (Trường Mầm non Sao Mai, thị trấn Kông Chro) đạt giải khuyến khích với tác phẩm “Gia đình là số 1”. Chị chia sẻ: “Tình yêu thương là cách đẩy lùi bạo lực gia đình hiệu quả hơn bất cứ phương cách nào, bởi không ai bạo hành người mà mình thương yêu. Thông điệp ấy được thể hiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng đều chạm đến tình cảm thiêng liêng ấy của mỗi người”.

Không gian trưng bày, giới thiệu các tác phẩm vẽ về chủ đề phòng-chống bạo lực gia đình thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Ảnh: Minh Châu

Làm thế nào để giữ lửa yêu thương, để bạo lực gia đình không làm nhức nhối lương tri con người khi nỗi đau mà vấn nạn này gây ra vẫn còn đó? Câu hỏi đầy trách nhiệm đó được tác giả Nguyễn Văn Chung (đường Tạ Quang Bửu, TP. Pleiku) thể hiện trong “Góc khuất”-tác phẩm xuất sắc giành giải nhất cuộc thi vẽ về chủ đề phòng-chống bạo lực gia đình. Đó là hình ảnh những đứa trẻ bị nhốt, bịt miệng, bị trói chặt tay chân hay ôm mặt bất lực trước những đòn roi… được thể hiện bằng chất liệu khắc gỗ với 2 gam màu đen-trắng. Tác phẩm đánh động vào lương tri con người rằng chúng ta ở đâu khi để những đứa trẻ phải gánh chịu những trận đòn roi, tra tấn như vậy.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, anh sáng tác tác phẩm vào tháng 5-2023 khi bên trong luôn vang lên câu hỏi “Thái độ, trách nhiệm của chúng ta ra sao trước vấn nạn nhức nhối này”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ thêm: “Góc khuất” cũng là trách nhiệm và lương tâm của một người nghệ sĩ với mong muốn nạn bạo lực gia đình, nhất là bạo hành trẻ em phải được ngăn chặn kịp thời. Dùng đòn roi để trừng phạt không phải là dạy dỗ mà chỉ để lại những vết thương trên thân thể lẫn trong tâm hồn các em. Hay việc mắng nhiếc, dọa dẫm cũng là hình thức bạo hành khiến cho các em cảm thấy sợ hãi, ám ảnh trong tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Những vết thương về tinh thần tuy không nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay nhưng ám ảnh con người rất lâu. Bạo hành trong gia đình gây ra mối bất hòa và ảnh hưởng lớn tới sự bền vững của gia đình và xã hội. Còn bạo hành ngoài xã hội thì ảnh hưởng tới tâm lý, nhận thức, ứng xử của con người. Vì vậy, bạo hành dưới bất kỳ hình thức nào cũng là hành vi xấu xa, cần lên án”.

Tác phẩm "Gia đình hạnh phúc" của tác giả Châu Thị Ái Vân (huyện Mang Yang) đạt giải nhì cuộc thi.

Trong khi đó, các bài viết về chủ đề phòng-chống bạo lực gia đình chiếm số lượng áp đảo so với thể loại vẽ với gần 500 bài. Các bài viết là những câu chuyện người thật, việc thật với những hoạt động tiêu biểu trong công tác gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình. Xuất sắc giành giải nhất cuộc thi với bài viết được đầu tư khá công phu, chị Nguyễn Thị Nga (Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Pleiku) chia sẻ: Bản thân chị có con nhỏ, đồng thời là cán bộ Hội Phụ nữ nên hiểu tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình trong hình thành văn hóa và chuẩn mực đạo đức của mỗi thành viên. Xã hội càng phát triển, văn minh thì càng đề cao hạnh phúc. Và hạnh phúc chỉ có được khi không có bạo lực, bạo hành trẻ em. Đây cũng là vấn đề chị đặt ra với nhiều trăn trở và sự gợi mở trong bài viết tham gia cuộc thi.

Khi tham gia cuộc thi, chị Nga đã vận dụng những kết quả thuyết phục từ các phong trào như: xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; xây dựng gia đình hạnh phúc; ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh… với mong muốn góp thêm tiếng nói giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.

“Cuộc thi góp phần thu hút sự quan tâm của đông đảo hội viên phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung về vấn nạn bạo lực gia đình cần phải đẩy lùi, ngăn chặn để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Qua cuộc thi, tôi thu lượm được nhiều câu chuyện hay, những cách làm mới để tiếp tục triển khai vào hoạt động của Hội”-chị Nga chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm