Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thông qua 21 nghị quyết và 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, sáng 11-12, kỳ họp thứ 11-HĐND tỉnh khóa X đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra. Trong phiên bế mạc, các đại biểu tiếp tục thảo luận, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều nội dung quan trọng; thông qua 21 nghị quyết và 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.


Các ngành: Nông nghiệp và PTNT, Thống kê, Tài chính, Công an đã giải trình các vấn đề mà đại biểu còn vướng mắc trong phiên thảo luận tại tổ vào ngày làm việc thứ hai của kỳ họp.
 

Bài phát biểu bế mạc của đồng chí Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X

Quang cảnh phiên bế mạc. Ảnh: Hồng Thi

Giải trình vấn đề các xã đã được công nhận nông thôn mới nhưng vẫn còn nợ tiêu chí, đơn cử như xã Biển Hồ (TP. Pleiku), đại biểu Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Xã Biển Hồ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014 sau khi đã được các cơ quan, đơn vị chuyên môn thẩm tra, phúc tra. Tại thời điểm công nhận, ở tiêu chí số 16 về văn hóa-xã hội, xã còn thiếu 3 thôn chưa đạt danh hiệu thôn văn hóa 5 năm trở lên, tuy nhiên đến giữa năm 2015, tiêu chí này đã đạt theo quy định.

Đại biểu Anh còn giải trình thêm một số ý kiến, kiến nghị của đại biểu liên quan đến tái canh cây cà phê; vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; xây dựng cánh đồng mẫu lớn và tình trạng chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu.

 


Ngoài ra, liên quan đến vấn đề nợ đọng thuế, đại biểu Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính cho biết, con số nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh hiện nay là 736 tỷ đồng, từ đây đến hết năm 2016 phải phấn đấu thu được 512 tỷ đồng (thời gian gia hạn đến 31-12-2016). “Muốn giải quyết triệt để vấn đề này, các Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện cần triển khai thực hiện tốt các giải pháp xử lý nợ đọng thuế. Trước hết là sự vào cuộc của ngành thuế, sau đó là chính quyền địa phương trong việc giám sát, kiểm tra và xử lý; đồng thời Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cần phải tham gia vào vấn đề này trong việc quản lý việc đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp còn nợ thuế”- ông Dũng nói.

Riêng câu hỏi “Tại sao xây dựng mức thu ngân sách năm 2016 thấp?”, đại biểu Dũng phân tích: Năm 2016 là năm cuối của thời kỳ ổn định, giai đoạn 2011-2015, nếu xây dựng số quá cao sẽ ảnh hưởng đến cả thời kỳ sau. Trước đó việc xây dựng quá cao vào năm 2011 đã dẫn đến không điều chỉnh được vào năm 2015, bởi lẽ nguồn thu của tỉnh chưa thật sự ổn định, phần lớn đều có xu thế giảm. Do đó, tổng thu ngân sách đưa ra phấn đấu năm 2016 là 3.415 tỷ đồng là đảm bảo mức trung ương giao, còn phấn đấu tăng thu như thế nào chủ yếu thuộc về các huyện, thị xã.

Trả lời chất vấn của ông Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về vấn đề “rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ tiếp tục bị xâm hại nguyên nhân do đâu và trách nhiệm do ai?”, đại biểu Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay: Lâm sản khai thác phục vụ cho 2 mục đích là thương mại và gia dụng. Đối với mục đích thương mại, các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt và đã đem lại hiệu quả tích cực. Riêng mục đích gia dụng, nhất là trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Vì thế, đại biểu Nhĩ đề nghị tỉnh cần có chính sách hợp lý vừa bảo vệ rừng nhưng vừa đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân. Về trách nhiệm để mất rừng, đại biểu Nhĩ cho rằng, trước hết là ở chủ rừng, các Ban Quản lý rừng và công ty lâm nghiệp, tiếp theo là chính quyền địa phương các cấp rồi đến đơn vị và các ngành tham mưu… “Vấn đề bảo vệ rừng không phải là trách nhiệm của riêng ai mà cần sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị”- ông Nhĩ khẳng định.

 

Đại biểu Nguyễn Nhĩ trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: Hồng Thi

Cũng trong phiên bế mạc, đại biểu Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBDN tỉnh đã làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2016 như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tác động của các luật mới đến công tác quản lý, điều hành ở một số lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng kinh tế; tăng thu ngân sách; vốn đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch khu dân cư, cụm công nghiệp, khu sản xuất; cải cách hành chính; đảm bảo trật tự xã hội và kiềm chế tai nạn giao thông; đầu tư trang-thiết bị y tế…
 

Biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp. Ảnh: Hồng Thi

Kỳ họp đã biểu quyết thông qua 21 nghị quyết về các tờ trình, về miễn nhiệm và bầu bổ sung một số chức danh lãnh đạo trong Thường trực HĐND, UBND tỉnh và nghị quyết đại hội; thông qua 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2016.
 

Ông Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Minh Triều

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Năm 2016 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 5-2016. HĐND tỉnh kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và các cấp, các ngành phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, đoàn kết nỗ lực phấn đấu, bằng mọi biện pháp tích cực huy động tối đa các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng có được, thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội”.

Đồng thời, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu sau kỳ họp này, các cơ quan, sở, ban ngành, đoàn thể, các vị đại biểu HĐND tỉnh cần triển khai một số công việc như: khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh vừa thông qua, phấn đấu ngay trong những ngày đầu, tháng đầu để hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2016, tạo đà cho những năm tiếp theo; sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, đồng thời thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, giám sát, đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, để sự kiện chính trị trọng đại này thực sự là ngày hội lớn của toàn dân…

Hồng Thi-Minh Triều

Một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016:
1.   Các chỉ tiêu kinh tế:
-    Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 7,5%
+ Ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 5,95%
+ Ngành công nghiệp-xây dựng tăng 9%
+  Ngành dịch vụ tăng 8%
+ Thuế sản phẩm tăng 6,1%
-    Cơ cấu kinh tế:
+ Ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản: 39,39%
+ Ngành công nghiệp-xây dựng: 27,59%
+ Ngành dịch vụ: 33,02%
-    Số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 9 xã
-    Kim ngạch xuất khẩu: 400 triệu USD, tăng 24%
-    Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 3.415 tỷ đồng, tăng 11,97%
-    Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 17.050 tỷ đồng, tăng 9,16%
-    GRDP bình quân đầu người: 38,2 triệu đồng/người
-    Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ: 44.200 tỷ đồng, tăng 16,32%
2.    Các chỉ tiêu văn hóa-xã hội:
-    Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,25%
-    Số lao động được tạo việc làm mới: 24.500 người
-    Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 43%
-    Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,25% (mức giảm tỷ lệ nghèo 1,42%)
-    Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo: 86%
-    Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 22%
-    Số giường bệnh/vạn dân: 24,4
-    Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ: 83,3%
-    Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2016-2020: 35,6%
-    Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế: 76,7%
3.   Các chỉ tiêu môi trường:
-    Tỷ lệ che phủ của rừng (kể cả cây cao su): 46,2%
-    Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 89%
-    Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch: 99%
-    Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 93%

Có thể bạn quan tâm