Hôm qua, đội tuyển U23 Việt Nam đã có trận đấu đầu tiên tại giải U23 châu Á, nơi mà cách đây 2 năm đã tạo nên một khởi đầu hoàn toàn mới cho bóng đá Việt Nam trên cuộc hành trình chinh phục những đỉnh cao bóng đá châu Á.
Trong vòng 2 năm, sau kỳ tích á quân tại Thường Châu (Trung Quốc), các đội tuyển Việt Nam với sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã vươn đến những đỉnh cao có thể có được của một nền bóng đá kém phát triển. Tốp 8 châu Á, vô địch AFF Cup và SEA Games, bán kết Asiad… là các kết quả nằm ngoài dự liệu. Thế nên, phía sau hạnh phúc chiến thắng, ai cũng băn khoăn, rằng đó đã giới hạn cuối cùng hay chưa và liệu bóng đá Việt Nam có giữ được sự tiến bộ của mình được không, trong bao lâu?
Có một khoảng thời gian rất dài, thành công chỉ được xác định trong khuôn khổ rất hẹp. Ví dụ như vô địch AFF Cup, huy chương vàng SEA Games hay thậm chí là… thắng được Thái Lan một vài trận đấu. Cũng vì tự khoanh vùng mơ ước nên việc đầu tư hay các công việc cũng bị chia nhỏ, kiểu như năm lẻ dồn sức cho các đội đá SEA Games, năm chẵn thì nghiêng hẳn về đội tuyển. Chiến lược, tầm nhìn cỡ nào thì mức đầu tư và khối lượng công việc cũng chỉ đến mức đó.
Nhưng trên thực tế, với một nền bóng đá kém phát triển, mục đích quan trọng nhất không phải là kết quả mà là thu hẹp khoảng cách với những nền bóng đá mạnh hơn. Những gì mà thầy trò HLV Park Hang-seo đã làm kể từ kỳ tích Thường Châu cho thấy, việc thu hẹp khoảng cách với tốp đầu châu Á nằm trong khả năng, tầm nhìn 2030 lọt vào tốp 10 châu Á theo chiến lược phát triển mà Chính phủ đã phê duyệt là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc thu hẹp khoảng cách lại không giống như tham gia một giải đấu. Nó đòi hỏi một quá trình và không có sự hỗ trợ của may mắn như thi đấu trong 90 phút trên sân và yêu cầu sự kiên trì và nỗ lực liên tục. Trên hành trình đó, niềm vui chiến thắng sẽ ngày càng ít đi, các bài học thất bại cần được tích lũy nhiều hơn.
Nhưng quan trọng hơn hết là tính kế thừa. Để U23 hay đội tuyển quốc gia giữ được vị thế, được các đối thủ tôn trọng một cách lâu dài thì không thể chỉ mỗi mình thầy trò HLV Park Hang-seo nỗ lực. Họ cần được bổ sung nguồn nhân lực chất lượng hơn trong tương lai, kể cả trình độ chơi bóng lẫn yếu tố thể chất. Cần lưu ý rằng, để HLV Park Hang-seo có đội ngũ thi đấu thành công 2 năm qua, thì bóng đá Việt Nam phải mất đến 20 năm kể từ ngày chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp. Nghĩa là trước khi chúng ta thu hẹp được khoảng cách ở cấp độ đội tuyển, thì chính ở phần nền tảng phải thay đổi trước. Đội bóng của HLV Park Hang-seo càng tiến nhanh, càng ổn định thì guồng máy phía sau nó lại càng phải được vận động nhanh hơn nữa.
Việc thu hẹp khoảng cách ở cấp độ CLB, ở khâu đào tạo, xuất khẩu cầu thủ hay thậm chí chỉ là yếu tố dinh dưỡng, điều kiện vật chất của bóng đá Việt Nam hiện còn quá xa so với Thái Lan, đừng nói đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay nơi mà đa số tuyển thủ quốc gia đều là triệu phú đô la đá bóng tại châu Âu. Thực tế là mỗi năm, luôn có vài đội ở V-League không đủ tiêu chuẩn cơ bản do AFC đặt ra, bao gồm cả những đội như Hà Nội hay HA.GL. Thành tích trên đấu trường châu Á ở cấp CLB cũng khá khiêm tốn. Số trận thi đấu, số vốn đầu tư và cả số lượng cầu thủ được đào tạo chính quy ở Việt Nam hiện nay chỉ nằm ở mức cơ bản. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bóng đá thuần túy hiện có doanh thu bằng 0. Nói cách khác, có một độ lệch pha vô cùng lớn giữa đẳng cấp, vị trí FIFA của đội tuyển Việt Nam với giá trị thực tế của cả nền bóng đá trong làng cầu khu vực và châu lục.
Thu hẹp khoảng cách một cách thực chất hơn, căn cơ hơn là đòi hỏi bức thiết dành cho các nhà quản lý. Nếu nguồn đào tạo ngày càng giảm, cầu thủ chỉ loanh quanh thi đấu trong nước, ít cọ xát quốc tế, thì sẽ đến một lúc không có nhân lực chất lượng để bổ sung cho đội U23 và đội tuyển quốc gia.
Theo YẾN PHƯƠNG (SGGPO)