(GLO)- Chiều 24-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức-Hành động-Nguồn lực”.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tư pháp, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí địa phương và lãnh đạo UBND TP. Pleiku.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Mộc Trà |
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm qua, công tác truyền thông chính sách được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng với phương châm: truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội; kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, công tác truyền thông chính sách tiếp tục được chú trọng và đổi mới. Các hoạt động học tập nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tổ chức rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả tổ chức cơ sở Đảng trên toàn quốc. Công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội được chú trọng. Chính phủ cũng đặt công tác truyền thông chính sách ở vị trí trung tâm trong công tác chỉ đạo điều hành. Hệ thống báo chí, truyền thông chính thống ở Trung ương và địa phương đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, hướng đến mục tiêu “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”.
Tuy nhiên, kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu tập trung ở các cơ quan Trung ương. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp. Công tác truyền thông chính sách đôi lúc còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả, nội dung chưa phong phú. Báo chí truyền thống gặp không ít khó khăn về nguồn lực đảm bảo hoạt động và thực hiện chuyển đổi số…
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà |
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí đã tham luận về truyền thông chính sách theo chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, vị trí, việc làm, định mức biên chế, công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách; truyền thông chính sách lấy người dân là trọng tâm của phát triển; bố trí kinh phí cho tổ chức hoạt động của truyền thông chính sách; vai trò, trách nhiệm và định hướng truyền thông chính sách trong lĩnh vực tiền tệ-ngân hàng; thực trạng, giải pháp về công tác truyền thông chính sách trong lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; vai trò, sứ mệnh của công tác báo chí trong truyền thông chính sách; kinh nghiệm truyền thông chính sách của một số địa phương... Ngoài ra, đại biểu còn tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Truyền thông chính sách là trách nhiệm chính trị của các cơ quan hành chính nhà nước, thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương. Mục tiêu của truyền thông chính sách là củng cố niềm tin của người dân đối với Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; đảm bảo mọi chính sách phải đến được với Nhân dân theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân dám sát và dân thụ hưởng”.
Trong bối cảnh hiện nay, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần thúc đẩy chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách. Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác truyền thông, gắn truyền thông chính sách với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái; lắng nghe ý kiến về chính sách, tôn trọng sự khác biệt, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông; khuyến khích đổi mới, sáng tạo về nội dung, cách thức tuyên truyền; đồng thời, đầu tư thỏa đáng, phù hợp và hiệu quả về con người, phương tiện, trang-thiết bị phục vụ cho truyền thông chính sách…
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện Chỉ thị liên quan đến công tác truyền thông chính sách để ban hành và triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
MỘC TRÀ