Thời sự - Bình luận

Thực hành dân chủ cần phát huy hiệu quả trong thực tiễn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mới đây, tại kỳ họp thứ 3 khóa XV, Quốc hội đã bàn thảo, góp ý cho Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”. Ðây được coi như một bước tiến mới, góp phần đẩy mạnh hiệu quả và chi tiết hóa Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 8/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

 Buổi tiếp công dân định kỳ giải quyết khiếu nại, tố cáo của lãnh đạo tỉnh Kon Tum. (Ảnh NGUYỄN HIỆP)
Buổi tiếp công dân định kỳ giải quyết khiếu nại, tố cáo của lãnh đạo tỉnh Kon Tum. (Ảnh NGUYỄN HIỆP)



Có thể nói, sau 24 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã đem lại nhiều kết quả không thể phủ nhận, quyền làm chủ của nhân dân trong cả nước được phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên, những năm qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở nước ta vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Trước hết, có thể nhận thấy, nhận thức về dân chủ và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn chưa đầy đủ, đôi khi có sự sai lệch. Một bộ phận người dân còn nhận thức mơ hồ, phiến diện về dân chủ, thậm chí có ý kiến còn hết sức nhầm lẫn, lệch lạc khi cho rằng dân chủ của chế độ tư bản là đỉnh cao, là khuôn mẫu phải noi theo.

Một bộ phận khác do chưa hiểu được mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật, kỷ cương, dẫn tới coi thường pháp luật, có tư tưởng “dân chủ quá trớn”, coi dân chủ là có quyền tự do nói và làm bất cứ điều gì, từ đó đưa ra những yêu sách, đòi hỏi phi lý. Một số quan điểm coi dân chủ như là phương tiện để đạt tới sự tập trung, đồng nhất khoa học với chính trị, không coi trọng quan điểm cá nhân; nhưng lại có bộ phận tách rời dân chủ với tập trung, tách rời quan điểm cá nhân với việc giữ gìn kỷ luật và sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, trong cộng đồng... Ðiều này gây ảnh hưởng đến việc thực thi dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong nhiều lĩnh vực.

Sự hiểu biết, nắm bắt nội dung các văn bản, chính sách pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (Quy chế dân chủ ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan khác...) của một bộ phận người dân ở không ít địa phương còn yếu. Theo một nghiên cứu, có tới 27,5% người dân được hỏi cho biết họ chỉ nắm bắt được một số nội dung mà nhân dân được bàn, quyết định, tham gia ý kiến hoặc được giám sát; 13,54% chỉ nắm được một số ít nội dung mà nhân dân được bàn, quyết định trực tiếp; 3,38% hầu như không nắm được nội dung của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở(1).

Ngay cả một số cán bộ, công chức cũng có sự thiếu hiểu biết pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, hoặc chưa gương mẫu chấp hành những quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo một điều tra, có tới 23,1% số cán bộ, công chức được hỏi cho biết họ chỉ biết sơ qua về quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị mình(2).

Một số văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong những vấn đề quan trọng của đất nước... thì vẫn còn thiếu, hoặc chưa lan tỏa rộng rãi đến mọi người dân. Chẳng hạn, Luật Giám sát và phản biện xã hội chưa được ban hành kịp thời, mà mới chỉ là Quy chế;

Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi... Các nghị định, pháp lệnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số địa phương được thực hiện chưa tốt.

Bên cạnh đó, việc thực thi dân chủ ở cơ sở trong thực tế cũng còn nhiều bất cập. Tại các cơ quan công quyền, một số cán bộ, đảng viên do không nhận thức đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ và còn tình trạng thiếu dân chủ trong Ðảng đã hình thành phong cách lãnh đạo, quản lý chuyên quyền, độc đoán, lạm quyền, bao biện, gia trưởng... làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Tình trạng tham ô, tham nhũng - sự vi phạm dân chủ khi của cải của nhân dân, của tập thể đã bị một số cá nhân có chức quyền chiếm đoạt-đến nay vẫn có nguy cơ gia tăng với nhiều mức độ khác nhau.

Việc phát huy vai trò của nhân dân khi tham gia giám sát, góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền, hoặc bàn và quyết định các vấn đề của địa phương ở một số nơi còn hạn chế... Việc thực hiện dân chủ trong nhiều cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng dân chủ không gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu còn chưa nghiêm, chưa có sự quy định rõ ràng, đôi khi còn chồng chéo dẫn đến tình trạng “được thì tranh công, thua thì đổ lỗi”...

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nhất là ý kiến của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học khi xây dựng một số văn bản pháp luật, đề án, dự án quan trọng còn chưa thực sự hiệu quả, làm cho chất lượng văn bản pháp luật chưa cao, thậm chí có những dự án, quy định gây bức xúc dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người ra quyết định.

Tình trạng phát huy dân chủ ở một số địa phương chưa tốt cũng góp phần khiến một bộ phận nhân dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài lên các cơ quan chức năng, thậm chí khiếu kiện vượt cấp vì không đủ tin tưởng vào cơ quan công quyền ở địa phương. Thời gian xử lý đơn, thư còn chậm; một số người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến đối thoại, lắng nghe ý kiến, giải quyết khiếu nại, phản ánh của người dân. Số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân còn cao, nhưng tỷ lệ đơn, thư được giải quyết, hoặc giải quyết một cách thỏa đáng còn khiêm tốn.

Từ những hạn chế nêu trên, cần thấy rằng, để việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào thực chất, phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ và pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nắm vững Quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy chế dân chủ gắn với từng cơ quan, đơn vị, xã, phường cụ thể. Có hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về các quyền tự do dân chủ, về pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, thì người dân mới có thể thực hiện quyền làm chủ thực sự cũng như thực thi, sử dụng các quyền dân chủ và đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ của mình; mới biết và đủ trình độ để kiểm tra, giám sát và tham gia đóng góp ý kiến vào các công việc hệ trọng của địa phương, của đất nước.

Ðồng thời, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những cơ chế, thiết chế bảo đảm dân chủ trong đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước. Tăng cường việc xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực thi dân chủ trong Ðảng và trong toàn xã hội. Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần phải được cụ thể hóa bằng luật thì mới có thể kiểm soát quyền lực và mở đường cho dân chủ phát triển. Nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai rộng rãi các luật liên quan đến thực thi dân chủ, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện và giải quyết các vấn đề liên quan đến dân chủ, dân chủ ở cơ sở.

Một giải pháp quan trọng khác có ý nghĩa quyết định việc thực hiện có hiệu quả dân chủ ở cơ sở hiện nay là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở thực sự có trình độ, năng lực, trong sạch về đạo đức, lối sống, đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hành dân chủ và thực hiện Quy chế dân chủ ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Bởi, đây là những người trực tiếp xây dựng, triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tới quần chúng nhân dân.

Do đó, phải kiên quyết xử lý những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Ðảng, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và chế độ.

Ðể công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở đạt hiệu quả thiết thực thì việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là vô cùng cần thiết. Công tác này nếu được tiến hành thường xuyên, khách quan, công tâm, không né tránh, bao che, đổ lỗi, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những bức xúc trong dư luận... sẽ góp phần ngăn chặn những hạn chế, bất cập trong thực hiện quy chế dân chủ của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Mặt khác, cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân để tăng cường và nâng cao quyền giám sát của người dân. Có cơ chế, nội dung, hình thức giám sát cũng như cơ chế phản hồi, phản ánh... một cách rõ ràng mới có thể nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, cập nhật thông tin về chính sách, luật pháp, giúp người dân phát huy tốt quyền dân chủ và thực hiện hiệu quả dân chủ ở cơ sở. Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm tốt về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp cho việc thực hành dân chủ ngày càng thấm sâu vào mọi hoạt động của đời sống xã hội; kịp thời ngăn chặn các hiện tượng vi phạm dân chủ...

Thực tế đã cho thấy, sau hơn 35 năm đổi mới, việc thực hiện dân chủ cơ sở ở nước ta tuy còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhưng đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Việc phát huy dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân ngày càng thực thi có hiệu quả trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Chắc chắn với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân cả nước, tập trung giải quyết một cách đồng bộ, triệt để các giải pháp trên, nhất định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ ngày càng hiệu quả thiết thực và thực chất trong thực tiễn,

(1) Nguyễn Tiến Thành, Hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.109.

(2) Trần Thị Thơ, Thực trạng về thực hiện dân chủ cơ sở ở cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của nước ta hiện nay (Qua số liệu điều tra xã hội học), Trang thông tin điện tử của Viện Khoa học tổ chức nhà nước-Bộ nội vụ, http://isos.gov.vn, ngày 20/3/2020.


https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/thuc-hanh-dan-chu-can-phat-huy-hieu-qua-trong-thuc-tien-703899/

Tiến sĩ NGÔ THỊ NỤ
(Dẫn nguồn NDĐT)

Có thể bạn quan tâm