Phóng sự - Ký sự

Thuốc bảo vệ thực vật "rải thảm" vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bây giờ, hiện hữu dưới bạt ngàn màu xanh các loại hoa màu, sắn, ngô, chuối… ở các huyện miền núi, là lớp cỏ bị cháy úa, vàng khét. Mùa này sang mùa khác, để cây trồng vươn lên đơm hoa nảy mầm, người dân đua nhau mua thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu sử dụng một cách vô tội vạ.

Chợt giật mình, bởi hàng nghìn ha ruộng nương ở trên cao được thảm một lớp chất độc, còn “hứng” phía dưới là nguồn nước. Mà nguồn nước này, đồng bào ăn ở đây, tắm cũng ở đây. Vậy chất độc đi đâu?

Tưới chất độc ở trên, lấy nước uống ở dưới

 

Người đàn ông mang bình bơm vừa phun xong thuốc diệt cỏ ở rẫy phía trên con suối. Còn gia đình anh Nguyên tắm rửa, múc nước đục ngàu ở con suối về sử dụng.

Đi hết 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa, rồi ngược xuôi các xã người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô theo đường Hồ Chí Minh tại huyện Đak Rông của tỉnh Quảng Trị, ở nương rẫy nào cũng nhan nhản bao bì, chai hộp có nhãn mác của thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu... Hình như, họ không hề để ý, hoặc không biết đến hậu quả của việc ô nhiễm, tồn dư khi lạm dụng các loại thuốc chứa chất độc này.

Tháng 9, những rẫy sắn bạt ngàn ở 7 xã vùng Lìa bắt đầu được người dân thu hoạch. Củ sắn vừa được nhổ, chất lên xe vận chuyển đi nhà máy thì những thân sắn được chặt thành đốt, chất đống ở rẫy để trồng lại vụ mới hoặc đợi dăm bữa thuận lợi sẽ xuống đất.

Gặp ông Đêng (SN 1953, trú tại thôn Ta Nua, xã Thanh, huyện Hướng Hóa) ở sát bên hông ngôi nhà sàn khi ông soạn thuốc, bình bơm để chuẩn bị lên rẫy. Chai nước màu xanh, nắp đỏ mà ông bỏ vào gùi là thuốc trừ cỏ, đây là “bảo bối” xuất hiện mấy năm gần đây mà vào đầu vụ, giữa vụ người làm nông nghiệp nào cũng sử dụng.

Rẫy sắn của ông Đêng không xa nhà lắm, gần ngay dòng suối nhỏ, nên việc bơm thuốc không mấy khó khăn. Đổ gần đầy nước vào bình bơm, ông Đêng cho 1 nắp thuốc vào, rồi phun vào đám cỏ đang mơn mởn. Hết bình này, ông lại đổ nước suối, thêm nắp thuốc rồi tiếp tục công việc phun thuốc lên khắp rẫy sắn. Mỗi vụ, người đàn ông này bơm thuốc 2 lần để diệt cỏ lúc mới trồng và lúc cây sắn cao hơn đầu gối người lớn.

“Tôi mua 1 két gồm 20 chai thuốc ni, tính ra 1 chai giá 60 nghìn đồng. Bơm 1 lượt là cỏ chết hết nhưng sắn vẫn lên xanh tốt, rất tiện” - ông Đêng nói.

Không xa rẫy của ông Đêng, anh Nguyên (SN 1995, trú tại thôn Ta Nua) cũng chuẩn bị trừ cỏ ở nương lúa và rẫy sắn. Không sử dụng chai thuốc như ông Đêng, anh Nguyên mua loại thuốc gói với giá 10 nghìn đồng/gói rồi hòa vào bình bơm có sẵn nước. Loại thuốc gói này chất lượng hơn, chỉ cần rải qua một lượt là cây cỏ nào cũng rũ xuống, héo rồi vàng úa, chết khô.

Biết cây cỏ ngậm phải thuốc là bị hủy hoại vì loại thuốc này rất độc, nhưng quá trình phun thuốc, cả ông Đeng và anh Nguyên không có lấy một đồ bảo hộ. Chỉ với bộ áo quần rằn ri, chiếc mũ phớt và đôi dép, không bao tay, họ mang bình bơm chứa thuốc diệt cỏ lên vai, đi phăm phăm từ đầu đến cuối nương rẫy, rải cả thảm thuốc lên cây cỏ để những mầm cây sắn, cây lúa được vươn lên. Xong đâu đấy, họ ghé lại con suối để súc rửa bình bơm, mà chẳng ai mảy may lo nghĩ gì.

Chưa đến nửa tháng, khi quay lại thôn Ta Nua sau cơn mưa tầm tã, rẫy của ông Đêng, anh Nguyên sạch không một cọng cỏ. Gặp anh Nguyên cùng vợ và đứa con nhỏ ở đoạn suối chảy qua con đường dẫn vào nơi bà con canh tác. Dù nước đục ngàu vì mới mưa lớn, nhưng anh Nguyên vẫn làm một can nước đầy để chở về nấu nướng, còn vợ anh đang tắm cho đứa con nhỏ chưa đến 2 tuổi.

Hỏi anh không sợ khi dùng nước bẩn và ngay cạnh các nương rẫy mới bơm xong thuốc trừ cỏ à? Vợ chồng anh Nguyên chỉ cười cười. “Không dùng nước này thì dùng nước chi bây giờ” - anh Nguyên, dửng dung.

Ở 7 xã vùng Lìa này, hay các xã dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tại huyện Đak Rông, đi đến đâu cũng gặp cảnh cây cỏ chết khô vì thuốc diệt cỏ. Ở các rẫy sắn, rẫy chuối, nương lúa hay bất kỳ loại cây trái, hoa màu nào được đồng bào trồng, đất đai ở đó đều tắm thuốc diệt cỏ…

Không chết ngay, mà chết từ từ

 

Chai thuốc diệt cỏ nhan nhản ở các nương rẫy của người đồng bào Vân Kiều.

Trước kia, người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị canh tác các loại cây trồng không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ gì. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được bán tràn lan, giá rẻ nhưng hiệu quả thấy rõ, nên người dân đua nhau mua về dùng.

Đến ngã ba xã Tân Long (huyện Hướng Hóa), hỏi mua các loại thuốc BVTV tại đây rất dễ dàng. Mua lẻ vài chai, vài gói hoặc mua cả lô, cả két thuốc diệt cỏ khai quang đều được người bán đáp ứng, nhưng khi dò hỏi về việc cấp phép bán thuốc BVTV, thì chủ cửa hàng lại tỏ ra dè dặt.

Bà Nguyễn Hồng Phương - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị - thừa nhận, hiện người dân ở các huyện miền núi, đặc biệt là vùng người đồng bào thiểu số sinh sống sử dụng tràn lan các loại thuốc diệt cỏ. Không chỉ lạm dụng thuốc, mà việc thu gom bao bì thuốc BVTV của bà con cũng chưa được quan tâm dẫn đến thực trạng bao bì tồn tại ở nương rẫy, sông suối, khả năng ô nhiễm nguồn nước rất cao.

Theo bà Phương, việc lạm dụng các loại thuốc này sẽ gây tác động tiềm tàng cho người sử dụng lẫn người sinh sống cạnh đó. Việc bị ảnh hưởng không diễn ra ngày một ngày hai, mà tồn dư các loại thuốc BVTV sẽ tích lũy rồi gây bệnh.

Hiện chưa có báo cáo nào nói về tình trạng người dân bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV, nhưng thực tế, ở vùng Lìa của huyện Hướng Hóa đã ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ bị sinh non. Và những người sinh non cho biết rằng, quá trình mang thai đã tiếp xúc, sinh sống ở vùng đất sử dụng thuốc diệt cỏ.

Bên cạnh đó, ở Trạm Y tế xã Thanh (huyện Hướng Hóa) thời gian gần đây, một số bệnh nhân đến truyền nước vì bị choáng. Qua thăm khám, nhân viên y tế không phát hiện ra bệnh, hỏi thì bệnh nhân cho biết bị choáng sau khi bơm thuốc diệt cỏ, quá trình bơm thuốc, bệnh nhân không sử dụng đồ bảo hộ gì…

Đặt câu hỏi việc cơ quan chức năng đã làm gì trước tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, bà Phương cho hay, đơn vị đã tổ chức khá nhiều lớp tập huấn về cách sử dụng thuốc BVTV ở tuyến vùng Lìa, và các lớp tập huấn thu hút người dân tham gia. Thực tế đang tồn tại, ở Quảng Trị có đến 190 cơ sở bán các loại thuốc này, nhưng chỉ 90 cơ sở được cấp phép.

Việc kiểm tra, xử phạt những cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trái quy định cũng rất khó khăn, bởi chỉ kiểm tra đột xuất mới phát hiện được, còn nếu phối hợp với địa phương thì không rõ vì sao người kinh doanh biết trước, nên giấu hết hàng.

“Khi phát hiện sai phạm, căn cứ quy định phạt từ 3 đến 4 triệu đồng, nhưng những người buôn bán trái phép họ vẫn lén lút, vì địa phương chưa quan tâm phối hợp. Còn bà con tham gia tập huấn thì hào hứng vậy, nhưng không mấy hiệu quả” - bà Phương, nói.

Cũng theo bà Phương, hiện người dân dùng nhiều nhất là loại thuốc diệt cỏ khai quang, sử dụng cho sắn, chuối, lúa có tồn tại hoạt chất 2.4D và Paraquat có khả năng gây bệnh nguy hiểm cho động vật và con người. Nguy hiểm là vậy, nhưng làm cách nào để hạn chế việc “rải thảm” chất độc xuống đất như bây giờ vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Với cách rải cả thảm chất độc xuống đất ở ngay nguồn nước như bây giờ, chẳng bao lâu nữa, tồn dư chất độc từ các loại thuốc BVTV tích lũy ở đất, ở nước sẽ đủ để gây bệnh. Số liệu lúc đó đủ để làm báo cáo, đủ để nhìn nhận về tác hại kinh hoàng từ chất độc của thuốc diệt cỏ. Nhưng, lúc ấy thì còn gì nữa!

Ngày 8-2-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có QĐ số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Quyết định kèm theo danh sách thuốc BVTV chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm, được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm từ ngày quyết định có hiệu lực. Bên cạnh đó, ngừng toàn bộ các thủ tục đưa vào danh mục đối với các hồ sơ đăng ký thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Lâm Hưng Thơ/laodong

Có thể bạn quan tâm