Thời sự - Bình luận

Thượng tôn pháp luật vì tính mạng con người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, đến giữa tháng 6-2019, Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Với nhiều điểm mới, tiến bộ, đạo luật này được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao, có nhiều điều để các quốc gia khác tham khảo trong nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ tính mạng con người trước những hiểm họa có nguyên nhân từ rượu, bia mà phần nhiều trong số đó là tai nạn giao thông.
Thượng tôn pháp luật không phải ở mức phạt nặng hay nhẹ, mà là ở tính nghiêm túc của những người thực thi. (ảnh internet)
Thượng tôn pháp luật không phải ở mức phạt nặng hay nhẹ, mà là ở tính nghiêm túc của những người thực thi. (ảnh internet)
Có lẽ chưa bao giờ, chuyện bia rượu lại được xã hội quan tâm như những ngày này. Chẳng phải vì lo kinh tế khó khăn, năm hết Tết đến thiếu tiền mua rượu; cũng chẳng phải lo rượu ngoại đắt tiền, hay rượu nội, rượu thủ công, rượu giả… lên bàn nhậu mà là những phép tính mang con số hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu đồng cho một cuộc nhậu, nếu sau khi tiệc tan, những người vừa nâng ly lại điều khiển phương tiện ra đường.
Uống rượu bia là thói quen của đại đa số người Việt Nam. Từ uống để tiêu khiển, uống cho bữa tiệc thêm phần vui vẻ, giờ đây, uống rượu bia đã thành phong trào. Theo một nghiên cứu mới công bố của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990-2017, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ này tăng gần 90%.
Trong số người uống rượu bia thì tỷ lệ nam giới tăng cao nhất. Nếu như năm 2010, theo thống kê, 70% nam giới và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày thì đến năm 2015, tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu bia trong lứa tuổi thanh-thiếu niên ngày càng nhiều. Tỷ lệ uống rượu bia ở mức có hại, tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên/lần uống lên tới 44%.
Nói thế để thấy vì sao khi quy định cấm lái xe sau lúc uống rượu bia được thực thi, bên cạnh sự đồng tình ủng hộ của đa số người dân thì vẫn còn nhiều lái xe, nhất là những lái xe trẻ tuổi phản ứng tiêu cực như vậy. Người ta phản ứng vì quy định này đã chạm phải một kiểu sinh hoạt tùy tiện vốn dĩ đã thành thói quen của họ. Hơn thế nữa, trong khi ở một số quốc gia châu Âu, có nơi vẫn quy định cho ngưỡng nồng độ cồn dao động từ 0,2 đến 0,5 mg/lít khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông thì luật của ta quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Với một đất nước có số lượng xe máy lên tới 33 triệu chiếc như Việt Nam, việc quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở bằng 0 là một quy định hết sức mạnh mẽ. Bởi theo thống kê, có 70-90% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển xe máy đã uống rượu bia gây ra. Trong đó, tỷ lệ nam giới gây ra là 80-90%. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe ô tô gây ra cũng bắt nguồn từ nguyên nhân bia rượu.
Vì vậy, không vì những phản ứng tiêu cực của một số người mà làm cho quy định tiến bộ này bị giảm hiệu lực. Trái lại, luật cần phải được thực thi một cách nghiêm túc. Thượng tôn pháp luật không phải ở mức phạt nặng hay nhẹ, mà là ở tính nghiêm túc của những người thực thi. Tính nghiêm túc ấy phải được thể hiện ở cả lực lượng Cảnh sát Giao thông làm nhiệm vụ lẫn người lái xe vi phạm và sự đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, từ sự đồng lòng trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến vận động thực hiện của tất cả các cơ quan, đoàn thể xã hội… 
Không ai muốn phải chứng kiến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cướp đi tính mạng của nhiều người như trong thời gian qua mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ người lái xe sau khi đã uống rượu bia. Những vụ tai nạn như thế này đều để lại hậu quả nặng nề, dai dẳng bởi nhiều gia đình mất đi trụ cột kinh tế, con mồ côi cha mẹ và cha mẹ mất đi chỗ nương cậy tuổi già…
Pháp luật thường có độ trễ nhất định so với cuộc sống. Nhưng cái đúng, cái nhân văn, tiến bộ bao giờ cũng được lòng dân ủng hộ. Chỉ thị cấm đốt pháo, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy khi mới ban hành cũng vấp phải sự phản ứng của nhiều người, nhưng giờ thì ai cũng thấy đúng và tự giác chấp hành. Thượng tôn pháp luật trong trường hợp này là để bảo vệ mạng sống của mọi người và của chính mình. Vì thế, không có lý do gì để những người lái xe ngụy biện cho thói quen uống rượu bia của mình, thậm chí là tìm mọi cách chống đối lực lượng thực thi pháp luật.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm