Báo xuân

Thưởng trà và sống chậm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Yêu thích nghệ thuật trà đạo và triết lý Phật giáo, anh Võ Thanh Hưng đã quyết tâm xây dựng một không gian thưởng thức trà đúng chất xưa. Nét xưa ấy thể hiện ngay từ cái tên Hồn Gỗ của quán cho đến cách mà anh ngồi đối ẩm cùng những người trót mê đắm hậu vị ngọt mát của các loại trà Việt.

Luận về trà và cách thưởng trà của người Việt, các bậc tiền nhân cho rằng, uống trà là một nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì khó có một công thức cụ thể nên mỗi nơi đều có một cách thưởng trà với nét văn hóa rất riêng.

Nhân sinh qua ly trà thơm

Trong không gian trà quán Hồn Gỗ (337 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku), anh Võ Thanh Hưng (SN 1994) gây ấn tượng với người đối diện bằng phong thái nhẹ nhàng, bình thản. Từng cử chỉ, bước đi và ngay cả cách nói chuyện của anh lúc nào cũng từ tốn, chậm rãi. Tính cách ấy hình thành bởi anh từng có 2 năm ở trong cửa Phật. Cũng trong khoảng thời gian ấy, anh Hưng làm quen và đam mê nghệ thuật thưởng trà. “Ở chùa Quan Âm, hàng ngày, tôi giúp việc cho Thượng tọa Thích Từ Vân, khi ấy là trụ trì chùa. Thượng tọa rất thích thưởng trà. Cũng chính thầy giúp tôi học hỏi và hiểu thêm về nghệ thuật cũng như triết lý nhân sinh qua ly trà. Biết tôi thích phong cách trà đạo nên anh Trần Đức Vinh-chủ trà quán Hồn Gỗ đã tạo một không gian riêng để mình được thỏa niềm đam mê”-anh Hưng tâm sự.

Dù còn trẻ nhưng anh Võ Thanh Hưng rất am hiểu về trà đạo. Ảnh: P.L



Vừa dứt câu, anh Hưng từ tốn xin phép vào trong lấy dụng cụ pha trà như để nối dài thêm câu chuyện. Chừng 5 phút sau, anh quay ra, trên tay bưng một chiếc khay với một bộ trà đầy đủ gồm ấm, chén tống, chén quân và không quên cầm theo chiếc bình cắm một cành trúc đã chuyển màu vàng nhạt. Anh Hưng cũng khoác thêm một chiếc áo màu lam truyền thống của Nhật Bản mà anh thường mặc mỗi khi có người đến thưởng trà. Chiếc ấm đựng nước đã đun sôi đặt trên chiếc bếp nhỏ có cây nến giữ nhiệt. Anh chậm rãi lấy một nhúm nhỏ trà Tà Xùa cho vào chiếc ấm Tử Sa (một dụng cụ pha trà cao cấp). “Nhiệt độ lý tưởng cho loại trà này thường từ 95 đến 98 độ C. Người biết thưởng thức trà thì chỉ cần chạm tay vào vỏ ấm sẽ cảm nhận được nước đủ độ hay chưa”-anh Hưng tiếp câu chuyện.

Vừa trao đổi với khách vừa rót nước vào ấm trà, xong Hưng im lặng đứng nhìn. “Đây là cách mà người am tường thưởng trà đang dùng hơi thở để căn thời gian cho trà hay còn gọi là thiền trà. Khi đó trà và hơi thở gắn liền làm một. Người tinh ý sẽ cảm nhận được tâm tình của người pha trà bởi chén trà sẽ có hương vị khác nhau phụ thuộc vào sự bình lặng của tâm hồn. Không chỉ vậy, khi gạt hết mọi suy nghĩ, chỉ chú tâm vào hơi thở chính là lúc hướng về căn nguyên của sự sống”-anh Hưng chia sẻ thêm. Sau chừng 7 nhịp thở, anh rót trà ra chiếc chén tống bằng thủy tinh. Khi rót, anh đưa ấm trà lên cao, cách miệng chén tống chừng 20 cm để hương vị trà lan tỏa thật đều. Việc rót trà ra chén tống cũng để kiểm soát mức độ hãm trà. Sau cùng, anh rót đều ra những chiếc chén quân và mời khách. Nước trà màu xanh non đẹp mắt sóng sánh trong chiếc chén Thiên Mục (mắt trời) với những đường vân óng ánh càng làm tăng thêm cảm vị. Nhấp ngụm trà anh Hưng vừa pha, vị chát nhẹ của trà lướt nhanh qua miệng. Vài nhịp thở sau, vị ngọt thanh nhẹ dậy lên nơi cuối vòm họng làm thành dư vị khó tả. Đó chính là sự thú vị của trà Tà Xùa-một loại trà cổ nổi tiếng của vùng núi cao Tây Bắc.

Nhẹ nhàng, anh Hưng cũng đưa tay bưng lấy một ly trà cho mình theo phong cách “tam long giá ngọc”, tức ba ngón tay chụm lại để nâng ly trà. Theo ý kiến riêng của Hưng thì chỉ cần nhìn cách cầm ly trà, cách nhấp trà cũng đã có thể đoán được tính cách, suy ra được tâm tình của người thưởng trà.

Thưởng trà, sống chậm

Với nghệ thuật thưởng trà thì “nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. Nước phải lấy từ mạch ngầm, nhiều khoáng chất thì khi pha, trà mới giữ được hương vị. Trà để pha cũng phải tuyển chọn công phu và buộc người pha phải hiểu đặc tính của từng loại thì mới cho ra được ấm trà ngon. Tách trà có đạt được hương vị chuẩn còn phụ thuộc vào kỹ thuật và bộ ấm chén. Còn nói về cách thưởng trà, các bậc tiền nhân người Việt thưởng trà theo phong cách độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người) và quần ẩm (nhiều người).

Khách thưởng trà tại trà quán Hồn Gỗ. Ảnh: P.L



Trong không gian của các loại gỗ được tạc thành tác phẩm nghệ thuật, việc thưởng trà cũng trở nên thi vị hơn. Anh Hưng sắp xếp một vài không gian để khách có thể lựa chọn khi thưởng trà. Đó đều là những nơi có cửa sổ nhìn ra khoảng vườn xanh mát. Khách ngồi xếp bằng quanh chiếc bàn gỗ, xung quanh bao bọc bởi kệ sách, kệ ấm tách trà, nghe mùi hương tỏa ra từ một nụ trầm, xem anh Hưng chậm rãi pha trà và cùng thưởng thức, trò chuyện. Trong không gian bình lặng ấy, con người bỗng chốc cũng chậm rãi, từ tốn, bất kỳ hành động hay lời nói đều như nhẹ nhàng lại, thời gian cũng như dần chậm lại. Và nhờ đó mà hương vị của trà cũng được cảm nhận sâu sắc hơn.

Trước khi cố định không gian cho khách thưởng trà tại Hồn Gỗ, anh Hưng từng tham gia và giới thiệu nghệ thuật trà đạo này tại các cuộc triển lãm, hội sách diễn ra trên địa bàn TP. Pleiku. Giữa không gian tấp nập, nhộn nhịp, anh Hưng có riêng một góc nhỏ để bày biện các loại trà ngon do anh tự tay tìm nguyên liệu và chế biến. Chàng trai trẻ mặc áo dài đỏ, đội khăn đóng, ngồi lặng yên với bình trà nóng nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người. Từ đó, anh Hưng được biết đến nhiều hơn. Anh có lúc cũng tính bỏ cuộc bởi quá khó để đưa trà đạo đến với mọi người. Thế rồi, anh Hưng gặp anh Trần Đức Vinh, cũng là một người rất am hiểu, say mê triết lý Phật giáo và thích trà đạo. Anh Vinh liền nói Hưng về làm cùng, phục vụ cho khách thưởng trà trong không gian quán. Anh Vinh cho hay: “Tôi là một người rất sôi nổi, Hưng lại là một người rất trầm tính, nhưng cả hai đều thích triết lý Phật giáo và mê trà. Hồn Gỗ vốn là không gian mình xây dựng để dành cho nghệ thuật. Vì thế, thưởng trà giữa không gian này càng phù hợp hơn”. Chàng trai trẻ lần nữa tìm lại được đam mê của mình.

“Khi thưởng trà, tôi muốn hướng mọi người đến sự thanh khiết, nhẹ nhàng, tìm sự thanh tịnh trong tâm hồn. Giữa cuộc sống ồn ã đô thị, sống chậm lại một chút trong khoảng lặng, nhìn lại mình để từ đó có thêm năng lượng tích cực cho cuộc sống là rất cần thiết. Tôi cũng mong các bạn trẻ tiếp xúc nhiều hơn với trà đạo để có thể tĩnh lặng, thư thái mà quên đi những xấu xa, ích kỷ, nhỏ nhen”-anh Hưng tâm sự.

Một lý do không kém phần quan trọng khiến Hưng muốn theo đuổi nghệ thuật trà đạo là vì Việt Nam có những vùng đất được coi là cái nôi của cây chè. Sản phẩm trà của Việt Nam như Shan Tuyết, Tà Xùa… không hề thua kém trà Nhật Bản hay Trung Quốc. Đáng nói hơn, văn hóa thưởng trà của Việt Nam đang dần bị mất đi khi các quán bar, cà phê hiện đại bủa vây. Và như lời anh Hưng nói thì: “Trà đạo của Nhật Bản hướng đến sự tối giản, của Trung Hoa thì lại rất cầu kỳ, hoa mỹ. Riêng văn hóa thưởng trà của Việt Nam là hướng đến hòa-kính-thanh-tịnh. Thưởng trà là để tìm thấy sự thanh tịnh, sâu lắng, gạt bỏ đi những căng thẳng trong cuộc sống xô bồ, náo nhiệt”.

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm