Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thuyền sách - thư viện di động đặc biệt ở Indonesia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà báo Muhammad Ridwan Alimuddin quyết định kết hợp hai đam mê của anh là thuyền và sách trong cùng một dự án là thành lập thư viện di động trên chiếc thuyền truyền thống của người Indonesia.
 

Chiếc thuyền nổi tiếng của Alimuddin được gọi là Perahu Pustaka hoặc là Thuyền sách (Book Boat), chở khoảng 4000 quyển sách trên thuyền - Ảnh: BBC
Chiếc thuyền nổi tiếng của Alimuddin được gọi là Perahu Pustaka hoặc là Thuyền sách (Book Boat), chở khoảng 4000 quyển sách trên thuyền - Ảnh: BBC


Theo kết quả một nghiên cứu mới đây với 61 quốc gia, Indonesia là nước có tỉ lệ người biết chữ đứng thứ 2 từ dưới lên, chỉ hơn Botswana. Có lẽ đó cũng là lý do thôi thúc để năm 2015, nhà báo Muhammad Ridwan Alimuddin quyết định làm "thuyền sách".

Theo BBC, Mục đích của anh rất đơn giản, mang những cuốn sách truyện nhiều màu sắc, vui vẻ tới các làng chài xa xôi hẻo lánh và những quần đảo nhỏ ở vùng mà phần lớn người dân không biết chữ và chưa bao giờ coi sự đọc là niềm vui.

Anh Muhammad Ridwan Alimuddin nói: "Ngay sau khi chiếc thuyền được đóng xong, tôi gửi email tới sếp xin nghỉ việc".

 

 

"Khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ mỉm cười và lật giở một cuốn sách, mọi phiền muộn của bạn đều bay biến"

Alimuddin

Chiếc thuyền sách chỉ là một phần trong niềm đam mê đọc sách của anh Alimuddin. Tại nhà anh ở làng Pambusuang thuộc vùng ven biển tỉnh Tây Sulawesi còn có một thư viện lớn nữa với hàng ngàn cuốn sách, thu hút đông đảo học sinh cấp ba, đại học cũng như những đứa trẻ trong làng tới đọc.

Anh cũng dùng xe máy, xe xích lô chở sách tới cho mọi người xung quanh đọc và có một chiếc mô tô bốn bánh để mang sách tới những ngôi làng hẻo lánh miền núi ở xa hơn.


Nhưng chiếc thuyền sách là dự án anh Alimuddin tâm đắc nhất, bởi nó là sự kết hợp cùng lúc cả hai niềm đam mê lớn nhất của anh là biển và sách.

Kể từ năm 2015 đến nay, Alimuddin đã chèo thuyền qua lại giữa các tỉnh Nam, Trung và Tây Sulawesi, mang những thùng sách và truyện tranh tới cho các em nhỏ tại những cộng đồng hẻo lánh với tần suất các chuyến đi tùy vào khoản ngân sách anh có được. Đôi khi anh đưa cả con trai theo cùng.

 

Chiếc thuyền của Alimuddin cập bến cùng những cuốn sách đầy sắc màu luôn là nguồn phấn khích với các trẻ em - Ảnh: BBC
Chiếc thuyền của Alimuddin cập bến cùng những cuốn sách đầy sắc màu luôn là nguồn phấn khích với các trẻ em - Ảnh: BBC


Hoạt động của Thuyền sách được duy trì hoàn toàn bằng các khoản tiền tài trợ, một số từ các doanh nghiệp, số khác từ bạn bè và số nữa từ những người biết tới công việc của anh qua mạng xã hội Facebook.

Với hơn 17.000 hòn đảo nằm rải rác khắp nơi thuộc cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, công tác giáo dục ở Indonesia gặp phải rất nhiều trở ngại. Mặc dù có nhiều trường tiểu học, ngay cả ở những đảo nhỏ và các làng mạc hẻo lánh, nhưng cơ sở vật chất rất hạn chế, giáo viên cũng khan hiếm.

 

 Những đứa trẻ say sưa bên cuốn truyện tranh mà anh Alimuddin mang tới - Ảnh: BBC
Những đứa trẻ say sưa bên cuốn truyện tranh mà anh Alimuddin mang tới - Ảnh: BBC


Với dự án Thuyền sách, Alimuddin không mong gì hơn là tạo cho các em nhỏ một niềm vui và khơi dậy khát vọng vươn lên trong điều kiện sống còn quá nhiều khó khăn. "Khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ mỉm cười và lật giở một cuốn sách, mọi phiền muộn của bạn đều bay biến" - Alimuddin mỉm cười chia sẻ.
 

Thuyền sách của Alimuddin cung cấp sách đủ thể loại cho mọi lứa tuổi - Ảnh: BBC
Thuyền sách của Alimuddin cung cấp sách đủ thể loại cho mọi lứa tuổi - Ảnh: BBC
Lập bảo tàng về biển, viết 10 cuốn sách về văn hóa biển

Dù chưa từng tốt nghiệp đại học, nhưng Alimuddin đã viết 10 cuốn sách về văn hóa biển và cũng từng chèo một chiếc thuyền từ Sulawesi tới Okinawa của Nhật.

Anh lập ra hẳn một bảo tàng về biển, một bộ sưu tập với các mô hình và mẫu thuyền cổ. Từ các hành trình trên biển, anh nghiên cứu và sáng tạo nên các bộ phim tài liệu về việc đánh bắt cá và cuộc sống trên biển của người bản địa Mandar để phát trên Youtube.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm