(GLO)- Trong 2 ngày 24 và 25-2, các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chuyến thị sát tại các địa phương để chỉ đạo triển khai công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn. Cùng đi có các đồng chí: Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Phủ xanh đất trống, đồi trọc
Mặc dù là ngày chủ nhật nhưng Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đi thị sát tại các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Pah. Ngày hôm sau, đoàn công tác tiếp tục đến thị sát tại huyện Mang Yang, Đak Pơ, Ia Pa và thị xã Ayun Pa để kiểm tra công tác quản lý rừng tại các địa phương này, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng.
Lãnh đạo tỉnh thị sát kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Chư Prông. Ảnh: M.T |
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: “Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để trồng rừng gắn với đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Đây là một trong những thế mạnh của tỉnh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.
|
Tại các nơi đến kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; triển khai đồng bộ các biện pháp tuần tra, kiểm soát địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại rừng, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái phép để làm rẫy. Các đơn vị chủ rừng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục một số tồn tại, yếu kém để triển khai tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng diện tích rừng và đất lâm nghiệp sát thực với thực tế ở mỗi địa phương. Trong đó, cần bóc tách, phân loại cụ thể các loại đất ở từng khu vực để có cơ sở tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 1123 ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh về việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Đối với những diện tích đã quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng chưa có rừng và rừng nghèo kiệt, các địa phương cần khẩn trương trồng rừng sản xuất để tránh lãng phí tài nguyên đất.
Sau khi khảo sát và nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng, những khu vực đất rừng nghèo kiệt không có giá trị về mặt lâm nghiệp thì các sở, ngành, địa phương cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh miền Trung-những nơi đã triển khai rất hiệu quả công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Do vậy, địa phương cần huy động người dân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng, không để lãng phí những khu vực đất đồi núi rộng lớn với diện tích hàng ngàn héc ta. Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT khảo sát thực địa, phối hợp với các Ban quản lý rừng và các cấp chính quyền địa phương quy hoạch khu vực trồng rừng sản xuất ở những nơi đất rừng nghèo kiệt. Đặc biệt, cần đẩy nhanh các thủ tục nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp trồng rừng trước mùa mưa.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ rừng cần quyết liệt hơn trong công tác thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép để giao lại cho người dân chuyển sang trồng rừng. Đặc biệt, chính quyền cấp xã không được làm ngơ để người dân tiếp tục lấn chiếm trái phép diện tích đất lâm nghiệp để canh tác. “Đối với những trường hợp cá biệt thì áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật để thu hồi đất lâm nghiệp thuộc diện quản lý của Nhà nước để trồng rừng. Tranh thủ các nguồn vốn, huy động các nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp và địa phương trong việc mở rộng diện tích rừng trồng ở những khu vực đồi núi trọc, những diện tích đất lâm nghiệp còn bỏ trống nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc”-Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo.
Tích cực vận động người dân trồng rừng
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã và đang tích cực triển khai công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng. Tại huyện Ia Grai, qua rà soát, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm, sử dụng trên địa bàn là hơn 4.000 ha. Dự kiến trong giai đoạn 2017-2019, UBND huyện sẽ thu hồi 809,5 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm và đang canh tác nông nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã thu hồi được hơn 268 ha, đạt 100% kế hoạch năm 2017 và 2018.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai thị sát tình hình tại khu vực rừng thông dọc quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn huyện Mang Yang. Ảnh: M.T |
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Hữu Quế-Bí thư Huyện ủy Ia Grai-cho rằng: Hiện nay, việc vận động người dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại xã Ia Bă còn gặp một số khó khăn. Các ngành chức năng của huyện đang tiếp tục triển khai tuyên truyền, vận động. “Sắp tới, địa phương sẽ tổ chức cho người dân sang tỉnh Kon Tum, khu vực thị xã An Khê để tham quan và học tập kinh nghiệm trồng rừng. Người dân có cái nhìn thực tế về hiệu quả của các mô hình này mới tự giác chuyển đổi. Bây giờ chỉ nói mà không có dẫn chứng thực tế thì họ không tin”-ông Quế nêu giải pháp.
Tại buổi làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh cần khẩn trương tổ chức bán đấu giá số gỗ mà các ngành chức năng đã bắt giữ trong các vụ khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Thị sát tại khu vực rừng thông dọc quốc lộ 19 qua địa bàn huyện Mang Yang, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu UBND huyện Mang Yang, đơn vị chủ rừng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp làm nhà tạm, xây dựng một số công trình trái phép trên đất lâm nghiệp và đất rừng tại khu vực này. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-cho biết, năm 2018, trên địa bàn đã trồng được hơn 76 ha rừng. Hiện nay, trong đề án quy hoạch của thị xã về việc giao đất giao rừng có 2 vùng dự án thu hút đầu tư cho việc trồng rừng. Trong đó, một dự án trồng rừng lên đến 500 ha ở xã Chư Băh và 200 ha ở xã Ia Rbol. “Hiện đang có 1 doanh nghiệp đăng ký với tỉnh tham gia dự án trồng rừng ở khu vực diện tích 500 ha. Chính quyền thị xã đã thống nhất với việc triển khai dự án, đề nghị các ngành liên quan sớm hoàn tất thủ tục để doanh nghiệp triển khai thực hiện”-ông Lộc đề nghị.
Theo ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 2 năm (2017-2018), toàn tỉnh đã trồng được 12.930 ha rừng, trong đó phần lớn diện tích có nguồn gốc từ đất rừng bị lấn chiếm đã thu hồi. Trong năm 2019, tỉnh tiếp tục trồng mới hơn 5.000 ha rừng. Ông Nhĩ cho biết thêm, chuyến khảo sát lần này thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với công tác phát triển rừng trên địa bàn. Qua chuyến đi thực địa cho thấy cần phục hồi diện tích rừng ở những khu vực đồi núi trọc nhằm cải thiện môi trường và tạo sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng.
“Sắp tới đây, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả đối với kế hoạch thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Đặc biệt, đưa đồi núi trọc, diện tích đất bị xói mòn vào trồng rừng theo quy hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Tích cực vận động người dân tham gia trồng rừng, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thu hút và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, tỉnh sẽ ưu đãi trong việc cho thuê đất, không thu tiền sử dụng đất”-ông Nhĩ khẳng định.
Để làm được điều này, ông Nhĩ cho rằng: Các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, khảo sát diện tích hiện còn trống. “Đối với diện tích người dân phát rừng trái phép đang sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương phải vận động chuyển diện tích này sang sản xuất theo mục tiêu lâm nghiệp. Không những người dân được giao lại đất mà còn được nhận chính sách hỗ trợ đối với việc tham gia trồng rừng”-ông Nhĩ đề nghị.
Minh Nguyễn