(GLO)- Sáng 23-4, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (HNQT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường HNQT chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về HNQT-chủ trì hội nghị.
Tham dự tại đầu cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Kpă Thuyên, Nguyễn Đức Hoàng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi |
Thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (khóa XI) và định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XII của Đảng đề ra, từ 2014-2019, công tác HNQT đã được triển khai toàn diện, hiệu quả; trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên các lĩnh vực khác. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng và nâng cấp mạng lưới các đối tác chiến lược, toàn diện của mình; qua đó tạo môi trường thuận lợi, hiệu quả cho phát triển, nâng cao vị thế và năng lực an ninh-quốc phòng của đất nước. Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng tại các diễn đàn khu vực như: Mê Kông, ASEAN, ASEM, APEC và tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế gồm Liên hợp quốc, IPU, G20, WEF…Về kinh tế, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Hiện ta đang thúc đẩy tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA với châu Âu trong năm 2019; tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ngoài ra, HNQT trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, bảo hiểm xã hội, thông tin-truyền thông, y tế… cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Tại Gia Lai, thời gian qua tỉnh đã chủ động kết nối với một số Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán các nước tại Việt Nam như: Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc, New Zealand… nhằm thiết lập mối quan hệ mới; qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh. Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh tại Campuchia và Lào với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD đều đã triển khai thực hiện, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của nước bạn, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung. Cùng với đó, tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; hợp tác với các tỉnh bạn để phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các tuyến điểm du lịch của tỉnh với các tỉnh lân cận. Từ 2014 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng tương đối ổn định, trung bình hơn 300 triệu USD/năm; chiếm tỷ trọng cao vẫn là các mặt hàng nông sản truyền thống như cà phê, cao su, tiêu, mì lát…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện 3 phương châm khi HNQT là: nâng tầm; toàn diện và sâu rộng; đổi mới, sáng tạo và hiệu quả. Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống khi hội nhập quốc tế; chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào tình hình kinh tế đa phương. Cần lưu tâm đến những tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến an ninh chính trị của đất nước để có những đối sách phù hợp; kiên quyết giữ vững an ninh chính trị, lãnh thổ quốc gia, tạo môi trường an toàn cho nhà đầu tư, khách du lịch và người dân. Riêng văn hóa-xã hội và các lĩnh vực khác cần đảm bảo hội nhập mà không hòa tan, phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc; xem đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ là vấn đề then chốt. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các dự án dài hạn, kiến nghị lộ trình phù hợp trong bước đi hội nhập, cạnh tranh có hiệu quả; trong đó đặc biệt chú ý tăng cường thông tin hỗ trợ cho địa phương, doanh nghiệp…
HỒNG THI