Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Tiện lợi khám, chữa bệnh từ xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khám, chữa bệnh từ xa-telemedicine-được hiểu là cách một bác sĩ có thể tiếp cận vấn đề y khoa của một bệnh nhân từ xa thông qua hệ thống máy móc nghe nhìn, hệ thống khai thác triệu chứng của bệnh nhân để từ đó giúp giải quyết vấn đề của bệnh nhân
Câu chuyện sự phục hồi kỳ diệu của phi công người Anh mới đây là điển hình cho sự hiệu quả của khám, chữa bệnh từ xa, không còn khoảng cách vùng miền Bắc-Nam, giữa tuyến trên và tuyến dưới.
Xích lại gần nhau
Khám, chữa bệnh từ xa là một mô hình mới, khác với cách tiếp cận bệnh nhân mà các trường y khoa đã dạy cho các bác sĩ phải nhìn, sờ, gõ nghe, đo trực tiếp trên bệnh nhân.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đã triển khai loại hình khám, chữa bệnh từ xa trên nền tảng ứng dụng True Conf. Theo ông Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, với mô hình này, bệnh nhân chỉ ngồi ở nhà, sẽ có nhân viên y tế đến tận nhà, qua phần mềm nhân viên y tế sẽ kết nối với bác sĩ để bác sĩ ở trạm y tế chẩn đoán, kê toa thuốc cho bệnh nhân. Trường hợp cần hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ ở trạm y tế phường sẽ kết nối với bác sĩ chuyên khoa qua phần mềm để cùng hội chẩn cho bệnh nhân.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết Trung tâm Y tế quận và Bệnh viện quận Gò Vấp thỏa thuận cho phép bác sĩ của trạm kết nối với bác sĩ của bệnh viện qua ứng dụng khi cần trao đổi kinh nghiệm về một trường hợp bệnh nhân cụ thể mà trước đây đã được bác sĩ bệnh viện trực tiếp điều trị; hỗ trợ khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu nặng cần nhập viện cấp cứu ngay.
Ngoài ra, qua ứng dụng, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp còn tạo thêm một kênh hội chẩn từ xa giữa các bác sĩ làm công tác chăm sóc ban đầu của trạm y tế với bác sĩ của Phòng khám Đa khoa thuộc Trung tâm Y tế quận, nhất là hội chẩn hình ảnh siêu âm và X-quang.
"Điều đáng ghi nhận chỉ với nền tảng của ứng dụng True Conf., Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đã lấp dần các khoảng trống khá phổ biến hiện nay trong công tác chăm sóc ban đầu cho người dân tại các trạm y tế. Đó là khoảng trống giữa nhu cầu chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi và nguồn nhân lực vốn còn hạn chế của các trạm y tế, nhất là bác sĩ; khoảng trống về hội chẩn (chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau) giữa các bác sĩ làm công tác khám, chữa bệnh ban đầu; khoảng trống về bảo đảm tính liên tục trong điều trị tại bệnh viện và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng; khoảng trống giữa các bác sĩ chuyên khoa và các bác sĩ chăm sóc ban đầu.
"Tới đây, để công tác khám, chữa bệnh từ xa phát huy hiệu quả hơn nữa, Sở Y tế sẽ đề xuất Bộ Y tế ban hành danh mục các vấn đề và các bệnh lý phổ biến được khám từ xa, bổ sung loại hình này vào danh mục được BHYT thanh toán" - PGS-TS Tăng Chí Thượng đánh giá.
Khám, chữa bệnh từ xa tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, TP HCM
Khám, chữa bệnh từ xa tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
Tăng năng lực tuyến dưới, lan tỏa chuyên môn tuyến trên
Nhiều người lấy làm lạ khi Trạm Y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú ngày càng có nhiều người bệnh đến khám. Bác sĩ Lâm Phước Trí, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Quý, chia sẻ có được sự đổi thay này là nhờ trạm nhận được sự kết nối và hỗ trợ chuyên môn thông qua mô hình "Khám, chữa bệnh từ xa" từ các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành của các bệnh viện TP theo sự phân công của Sở Y tế, như: Trưng Vương, Nhi Đồng Thành phố và các bệnh viện chuyên khoa khác. Hoạt động này ngày càng tạo thêm niềm tin cho người dân an tâm đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm.
Bộ Y tế cũng vừa xây dựng, triển khai đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Bộ Y tế đã chỉ định 24 bệnh viện tuyến trên đầu ngành trong cả nước tham gia nhằm hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Trong giai đoạn 2020-2021, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm…
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025 được xây dựng mới đây với mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh viện, nâng cao sự hài lòng của người dân. Dự kiến, chương trình đầu tư cho các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.
"Với thông điệp "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa", đề án nhằm tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên chất lượng cao hơn; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn tới mọi người dân trên khắp các vùng miền đất nước. Như dịch bệnh Covid-19, nhờ các bệnh viện xích lại gần nhau, các chuyên gia đầu ngành cùng chung sức, không có khoảng cách vùng miền Bắc - Nam… đã hội chẩn, tư vấn, đưa ra những kinh nghiệm, bí quyết điều trị từ xa có tính quyết định đã cứu được tính mạng phi công người Anh mà sự sống tính từng giây, từng phút" - PGS Khuê thông tin thêm.
Theo Bộ Y tế, khám, chữa bệnh từ xa hướng tới mục tiêu tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết, góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn giữa tuyến trung ương và địa phương; tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm