Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng công tác dân vận và khẳng định: Sức mạnh của cách mạng ở nơi dân. Đảng phải dựa vào dân để làm cách mạng. Đây là điều cốt yếu hàng ngày của Đảng và công tác dân vận của Đảng được xác định là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng

Ngày 10-12-1945, Đảng bộ tỉnh Gia Lai ra đời, tiếp theo là tổ chức Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc cũng được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, công tác dân vận được đẩy mạnh, đã vận động, tổ chức nhân dân tham gia củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến. Thực dân Pháp tái chiếm Gia Lai, Mặt trận Việt Minh dưới tên gọi “Hội đánh Tây” đã phát huy vai trò và uy tín của mình, đoàn kết tập hợp các tầng lớp nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Ông Võ Thanh Hùng. Ảnh: Đức Thụy
Ông Võ Thanh Hùng. Ảnh: Đức Thụy

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các cán bộ cách mạng ở lại tiếp tục bám cơ sở, vận động quần chúng tiếp tục đấu tranh, giúp nhân dân giữ vững niềm tin vào Đảng, vào cách mạng. Đến năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận, cán bộ cách mạng đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, đấu tranh, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, xây dựng căn cứ địa rộng lớn, góp phần đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, giải phóng tỉnh nhà và góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Sau năm 1975, công tác dân vận đã động viên nhân dân tham gia khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, làm thất bại âm mưu phá hoại, chia rẽ của bọn phản động FULRO và các thế lực thù địch.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác dân vận đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nội dung và hình thức, hướng về cơ sở, hướng vào các phong trào hành động cách mạng thực hiện nhiệm vụ trung tâm của Đảng bộ là xây dựng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đảng bộ tỉnh đưa ra chủ trương chỉ đạo công tác vận động quần chúng là lấy “địa bàn làng làm đơn vị bám dân”. Với phương châm “Tỉnh nắm xã, huyện nắm làng, xã nắm hộ dân” để xây dựng cơ sở, lực lượng truy quét FULRO.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận đã có nhiều đổi mới, được triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều hình thức, lực lượng phù hợp, hướng đến nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, kịp thời điều chỉnh, bổ sung chủ trương, chính sách, thấu hiểu và giải quyết thấu tình, đạt lý những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đã có nhiều hình thức hoạt động vận động nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp hưởng ứng, thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hàng trăm mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là “Dân vận khéo” trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân được chăm lo, bảo vệ.

Công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Thông qua công tác dân vận, nhân dân trong tỉnh ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, nhất là về kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Lực lượng vũ trang huyện Ia Pa giúp người dân xã Pờ Tó làm lúa nước. Ảnh: Anh Huy
Lực lượng vũ trang huyện Ia Pa giúp người dân xã Pờ Tó làm lúa nước. Ảnh: Anh Huy


Với những thành tích đạt được trong công tác dân vận, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Giải phóng hạng nhì cho phong trào binh địch vận Gia Lai (năm 1968), Huân chương Giải phóng hạng ba cho ngành binh địch vận tỉnh Gia Lai (năm 1969, 1972), Huân chương Lao động hạng ba (năm 2003) và Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2010) cho Ban Dân vận Tỉnh ủy.


Cùng với đó, tổ chức bộ máy hệ thống dân vận các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hệ thống dân vận các cấp đã có nhiều cố gắng, tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp ủy triển khai có hiệu quả công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp, điểm nóng, kịp thời dự báo những tình huống phức tạp có thể xảy ra trong bối cảnh các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, thực hiện chủ đề “Năm Dân vận khéo”, “Năm Dân vận chính quyền” trong toàn tỉnh, theo phương châm của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận đảm bảo kịp thời hơn. Công tác thẩm định, thẩm tra và thực hiện một số nhiệm vụ do Thường trực cấp ủy giao đạt kết quả tốt.

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp dân vận

 

Ông Đinh Đơt (thứ 2 từ phải sang; già làng Kret Krot, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) tuyên truyền người dân trong làng giữ gìn an ninh trật tự, không nghe theo lời kẻ xấu. Ảnh: Đức Thụy
Ông Đinh Đơt (thứ 2 từ phải sang; già làng Kret Krot, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) tuyên truyền người dân trong làng giữ gìn an ninh trật tự, không nghe theo lời kẻ xấu. Ảnh: Đức Thụy

Thực tiễn lịch sử của Đảng ta 90 năm qua cho thấy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng đều là những cán bộ giỏi làm công tác dân vận, đều trải qua thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng mà trưởng thành. Qua các thời kỳ, đội ngũ cán bộ, đảng viên chuyên trách công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội đã thực sự là một nhân tố quan trọng trong công tác dân vận của Đảng.

Kỷ niệm 90 năm truyền thống công tác dân vận của Đảng vào thời điểm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI thành công tốt đẹp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tình hình trên đặt ra cho công tác dân vận những nhiệm vụ mới. Trước mắt, cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới; tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; tư tưởng của Bác Hồ về “Dân vận khéo”, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động thực hiện công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị.

Công tác dân vận phải tiếp tục đổi mới cả về nội dung, phương pháp, hướng mạnh về cơ sở, bám địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; kịp thời tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Không ngừng củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” để thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

VÕ THANH HÙNG
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Có thể bạn quan tâm