(GLO)- Chiều 18-9, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tọa đàm "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới" theo hình thức trực tuyến ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đồng chí: Phan Xuân Thủy-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đoàn Văn Báu-Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) chủ trì buổi tọa đàm.
Dự tọa đàm tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Trần Đình Hiệp-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các báo cáo viên Tỉnh ủy; đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã nghe báo cáo nhanh tình hình triển khai nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Báo cáo số 244-BC/BTGTW ngày 12-9-2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X. Đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố đã trình bày 14 tham luận, bàn các giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở các cấp trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Đình Hiệp-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày tham luận tại buổi tọa đàm trực tuyến. Ảnh: Phan Lài |
Đại diện điểm cầu Gia Lai, đồng chí Trần Đình Hiệp-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày tham luận “Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng, tổ dân phố góp phần đưa thông tin về cơ sở-kinh nghiệm của tỉnh Gia Lai”. Theo đó, 17/17 huyện, thị, thành ủy đã thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở với 2.767 đồng chí tham gia. Đây là những cá nhân đảm bảo các yếu tố về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trong đó ưu tiên bố trí những người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng thôn, cán bộ, giáo viên đã về hưu, cựu chiến binh, những người có năng lực, kinh nghiệm và tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động ở địa phương.
Lực lượng báo cáo viên đã phát huy vai trò, cùng với hệ thống chính trị ở thôn, làng, tổ dân phố chuyển tải kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân; chủ trương “thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tà đạo "Hà Mòn”; phòng-chống nạn "tín dụng đen"… góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân, tích cực xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện để đội ngũ tuyên truyền miệng tại cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Phan Xuân Thủy-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất đóng góp của đại diện các tỉnh, thành phố. Đồng chí Phan Xuân Thủy cho biết: Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để có hướng dẫn cụ thể về chế độ thù lao cho đội ngũ báo cáo viên làm công tác tuyên truyền miệng, quan tâm động viên lực lượng tuyên truyền viên cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, sự quan tâm của Thường trực cấp ủy là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên. Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy cần tham mưu cho Thường trực cấp ủy quan tâm, chỉ đạo, xây dựng đội ngũ báo cáo viên đảm bảo chất lượng, có cơ chế, chính sách phù hợp, cung cấp thông tin, tài liệu thiết thực phục vụ công tác tuyên truyền miệng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới.
PHAN LÀI