Phóng sự - Ký sự

Tim McGrath - Người bạn đặc biệt của mảnh đất Chín Rồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Khi tôi mất, hãy hỏa thiêu rồi chia tro thành 3 phần. Một phần cho tôi xin gửi lại trong dòng sông Cửu Long. Một phần cho tôi được nằm lại bên vợ yêu. Còn lại hãy cho tôi về đất mẹ Australia”.

Đến tận những giờ phút cuối cùng nằm trên giường bệnh, tiến sỹ Timothy Edward McGrath - Phó Giám đốc dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long” vẫn đau đáu niềm thương nhớ khôn nguôi với Việt Nam nói chung và mảnh đất Chín Rồng nói riêng như thế. 25 năm làm việc tại Việt Nam đã biến McGrath thành một người bạn đặc biệt của vùng đồng bằng Nam Bộ xa xôi.


 

Tiến sĩ Timothy Edward McGrath - người bạn đặc biệt của Đồng Bằng Sông Cửu Long. (ẢNH: Gia đình cung cấp)
Tiến sĩ Timothy Edward McGrath - người bạn đặc biệt của Đồng Bằng Sông Cửu Long. (Ảnh: Gia đình cung cấp)


Có một ông Tây “Nam Bộ”

Tiến sĩ McGrath tên đầy đủ là Timothy Edward McGrath. Sinh ra và lớn lên tại Australia, nhưng Tim - như cách những người thân thiết vẫn thường gọi - lại dành gần như cả cuộc đời để sống và làm việc tại Việt Nam.

Năm 1993, để phục vụ cho đề tài nghiên cứu liên quan đến chính sách nông nghiệp, Tim đã lần đầu tới Việt Nam, bắt đầu cho mối duyên lành đến hơn 30 năm của mình. Chỉ 4 năm sau, ông quyết định tạm biệt Australia để gắn bó lâu dài với đất nước của nón lá và biển Đông. Tại đây, Tim vừa học tiếng Việt, vừa nghiên cứu và tham gia vào một loạt chương trình của các tổ chức phi chính phủ nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt cho khu vực nông thôn. Từ những dự án về xóa đói giảm nghèo, đến nước sạch, vệ sinh, chống ngập, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý và xử lý rác thải… đâu đâu, người ta cũng thấy ông Tây ấy có mặt.


 

Tim (ngoài cùng bên trái) khi còn bé. (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Tim (ngoài cùng bên trái) khi còn bé. (Ảnh: Gia đình cung cấp)



In dấu chân trên khắp các nẻo quê nghèo, nhưng như một định mệnh, dấu ấn lớn nhất của Tim lại chính là miền đất Chín Rồng với dự án “Phân tích hiện trạng đói nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long” do AusAID tài trợ - một dự án mà sau thời gian dài nghiên cứu đã để lại trong Tim một tình yêu đặc biệt với con người và mảnh đất nơi đây.

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ là tổ chức sau cùng đã tạo điều kiện cho anh cơ hội được cống hiến và thực hiện ước mơ của mình.

Ông Trần Huy Chương - Chuyên gia cao cấp của GIZ nhớ lại: Vào những năm 2002-2003, Tim là một trong những người nước ngoài đầu tiên trực tiếp tiến hành khảo sát toàn bộ 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.


 

Năm 2020, Tiến sĩ Timothy Edward McGrath đã được Bộ Xây dựng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng.
Năm 2020, Tiến sĩ Timothy Edward McGrath đã được Bộ Xây dựng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng.



Vào thời điểm ấy, người dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… đã phải “mắt chữ O, mồm chữ A” khi thấy một ông Tây cao lớn nhưng nói tiếng Việt như gió sẵn sàng xắn quần lưng lửng, đi thuyền lá lội vào từng nhà giữa mùa nước nổi. Gương mặt lấm lem của lũ trẻ đen nhẻm trên những khúc sông Nam Bộ, dáng liêu xiêu của những bà má Hậu Giang, bữa cơm tuềnh toàng chỉ có rau và cá nhỏ khiến Tim trăn trở rất nhiều. Mảnh đất trù phú này dường như vẫn đang ngủ vùi trên một mỏ vàng. Người dân đang thiếu hụt cả kiến thức lẫn kỹ năng để tự cải thiện cuộc sống chính mình.

 

Bạn bè và đồng nghiệp thậm chí đã gọi Tim là “ông Tây Nam Bộ”
Bạn bè và đồng nghiệp thậm chí đã gọi Tim là “ông Tây Nam Bộ”



Bạn bè và đồng nghiệp thậm chí đã gọi Tim là “ông Tây Nam Bộ”. Nam Bộ đến mức Tim không ngại ngần sà vào một quán ven đường, ăn tô bún mắm bò hóc Trà Vinh hay mua chục bánh tét thay cơm trưa trên những chuyến đi rong ruổi triền miên của mình. Nam Bộ trong cả cách xưng hô "mày, tao" như anh em đầy thương mến với những người thân yêu xứ miệt vườn. Tim không bao giờ quên những người mình gặp dù đó là người bán hàng trái cây, tôm, gạo. Ông có thể mặc complete chỉnh tề trong các cuộc họp cấp cao, cũng có thể đi chân trần trên các khu vực lầy lội để ủng hộ cho chiến dịch trồng rừng ngập mặn.

“Thời điểm đó, chưa một ông Tây nào sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với người nông dân, dạy họ cách bảo quản trái cây như thế nào để có thể nâng cao giá trị khi lưu thông ra thị trường. Cũng hiếm có chuyên gia nào sẵn lòng đội mưa xuống đẩy khi xe chết máy giữa cao tốc. Tim cũng quan tâm đến cả những vấn đề rất nhỏ khác như bệnh đau mắt đỏ hay tình trạng trẻ em chết đuối mùa lũ… Các kết quả nghiên cứu toàn diện từ chuyện nước sạch cho người nghèo, hệ thống đường kết nối giao thông đến cả thực trạng lấy chồng Đài Loan… được ông đưa ra khiến các nhà tài trợ khác bắt đầu quan tâm hơn đến đồng bằng sông Cửu Long. Ông như người tiên phong, mở ra một cánh cửa mới cho vùng đất này”, ông Chương nhớ lại.

Hơn 20 năm gắn bó với đất Chín Rồng, Tiến sĩ Timothy Edward McGrath đã trực tiếp tham gia vào nhiều dự án trong nỗ lực đổi thay vùng đồng bằng trù phú bên sông Mekong, từ hoạt động chống ngập đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai, liên kết vùng…


 

Tim (ngoài cùng bên phải) trong chương trình tổng kết một dự án xóa đói giảm nghèo cho đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức năm 2003.
Tim (ngoài cùng bên phải) trong chương trình tổng kết một dự án xóa đói giảm nghèo cho đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức năm 2003.



Theo ông Chương, một trong những giá trị quý giá nhất mà McGrath đã gây dựng được là sự kết nối. Các bạn nước ngoài khác có thể đến rồi đi nên không hiểu hết được về con người và vùng đất Nam Bộ. Tim không nói quá nhiều lý thuyết mà trực tiếp cầm tay chỉ việc. Ông thậm chí còn thuê riêng một chuyên gia hỗ trợ Ủy ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cách thức lập đề án để tiếp cận nguồn vốn nước ngoài sao cho hiệu quả; đồng thời khuyến khích lãnh đạo các tỉnh làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Australia, trực tiếp làm phiên dịch viên.

Đánh giá về hoạt động Tiến sĩ Timothy Edward McGrath, đại diện Bộ Xây dựng cho biết: “Các hoạt động đều hướng đến và mang lại lợi ích cho người dân. Tính riêng, Chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, cho đến năm 2020, 6 nghìn người dân ở 3 thành phố Rạch Giá, Cà Mau và Long Xuyên được hưởng lợi từ 3 công trình thuộc Hệ thống thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững (SUDs) thí điểm, giúp giảm thiểu ngập úng, tăng cường vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan nơi công cộng.

 

"Ông Tây Nam Bộ" đã dành gần như cả cuộc đời để nỗ lực góp phần thay đổi mảnh đất Chín Rồng. Trong ảnh, Tiến sĩ Timothy Edward McGrath nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp cấp thoát nước Việt Nam.
"Ông Tây Nam Bộ" đã dành gần như cả cuộc đời để nỗ lực góp phần thay đổi mảnh đất Chín Rồng. Trong ảnh, Tiến sĩ Timothy Edward McGrath nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp cấp thoát nước Việt Nam.


Bên cạnh đó, 752 nghìn người dân các đô thị Rạch Giá, Long Xuyên và Cà Mau được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ thoát nước và chống ngập nhờ quy hoạch thoát nước và lộ trình giá dịch vụ thoát nước tại địa phương; 5,55 triệu người dân 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cà Mau được hưởng lợi từ việc tăng cường năng lực chuẩn bị ứng phó với thiên tai, chuỗi thông tin về cảnh báo sớm, kế hoạch di dời khi có thiên tai.

Ngoài ra, 7,2 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long được hưởng lợi từ việc tăng cường năng lực cảnh báo lũ sớm. Người dân Việt Nam nói chung được hưởng lợi từ chính sách về phòng chống thiên tai và sử dụng viện trợ nước ngoài dành cho thiên tai”.

Một hành trình chưa kết thúc

Khi chúng tôi viết những dòng này, Tim đã bước vào hành trình cuối cùng của một cuộc đời tận hiến. Tháng 3/2021, sau chuyến đi cùng đoàn công tác liên kết vùng của chương trình MCRP/GIZ tại 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, Tim đã mắc Covid-19.

“Trong chuyến đi ấy, anh vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Anh còn tâm sự với chúng tôi rằng, sau chuyến đi này anh sẽ về quê hương thăm mẹ, vì nay mẹ anh đã già và đau yếu. Anh bảo rằng lần này về anh sẽ kê giường vào phòng mẹ, để ngủ với mẹ, nâng đỡ mẹ lúc mẹ còn sống, vì rằng anh đã xa bà quá lâu”, ông Trần Huy Chương nhớ lại.

Suốt quãng thời gian mắc bệnh, Tim vẫn lao vào công việc. Màn hình máy tính phòng ông hiếm khi tối đèn. Thế nhưng, một loạt triệu chứng bất ổn hậu Covid-19 khiến ông cảm thấy sức khỏe có vấn đề. Phải đến khi đi khám tổng quát, ông mới biết mình đã bị ung thư di căn giai đoạn cuối. Sức khỏe của Tim cũng nhanh chóng suy sụp và rơi vào tình trạng rất nguy kịch.



 

"Ông Tây" Tim mang trong mình chất Nam Bộ đến mức không ngại ngần sà vào một quán ven đường, ăn tô bún mắm bò hóc Trà Vinh hay mua chục bánh tét thay cơm trưa trên những chuyến đi rong ruổi triền miên của mình.
"Ông Tây" Tim mang trong mình chất Nam Bộ đến mức không ngại ngần sà vào một quán ven đường, ăn tô bún mắm bò hóc Trà Vinh hay mua chục bánh tét thay cơm trưa trên những chuyến đi rong ruổi triền miên của mình.



Nghe tin dữ, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Tim đã bật khóc. Từ Australia, Đức… đến miệt Nam Bộ xa xôi, mọi người tìm cách bay về Hà Nội, chỉ để ngồi cạnh giường bệnh, nắm thật chặt tay ông.

“Cả một đời tận hiến cho Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, anh đã không ngừng làm việc. Chỉ tới khi căn bệnh quái ác ập đến, Tim mới tạm dừng”, ông Trần Huy Chương nghèn nghẹn kể.

Thế nhưng chắc chắn, hành trình mà Tim đã bắt đầu sẽ không bao giờ kết thúc. Nó sẽ được đi tiếp bởi chính những người ở lại.

Chị Trần Thanh Thúy - cán bộ Dự án cao cấp, đồng nghiệp của Tim tại GZ nhớ lại: “Tim không bao giờ để lỡ những cuộc họp quan trọng. Duy nhất một lần lỡ chính là ngày anh phát hiện bệnh và cần làm thêm các xét nghiệm. Khi đó, dường như anh ấy nghĩ ngay đến gia đình và những cộng sự thân cận trước khi nghĩ đến bản thân mình. Anh không thông báo với nhóm của mình theo kiểu bi lụy của một người bị bệnh nặng cần điều trị, mà nói đến tương lai của nhóm khi anh không thường xuyên bên cạnh, bàn về những sắp xếp, thay đổi cần thiết để không quá xáo trộn, những kế hoạch và dự định đang dang dở cần tiếp nối, đề cao giá trị của tinh thần đoàn kết, sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh, an ủi mọi người hãy lạc quan”.


 

Ảnh Tiến sĩ Timothy Edward McGrath chụp cùng gia đình năm 2019.
Ảnh Tiến sĩ Timothy Edward McGrath chụp cùng gia đình năm 2019.



Chị Lê Hoài Dương, vợ của “ông Tây Nam Bộ” Tim McGrath xúc động nói: “Những ngày Tim bị bệnh nặng, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của tất cả mọi người dành cho anh. Với tất cả mọi người, Tim không chỉ là một đồng nghiệp mà còn là một người bạn, người anh trai chân thành nhất. Đó là thứ di sản lớn sẽ ở lại với chúng tôi mãi mãi”.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới tấm ảnh bìa Facebook cá nhân mà ông vẫn thủy chung để suốt 7 năm qua. Đó là hình ảnh một nhánh của dòng sông Chín Rồng đỏ ngầu phù sa. Một vài chiếc ghe máy đang lững lờ đậu dưới nắng vàng. Đến những giờ phút cuối, ông vẫn cứ đau đáu không nguôi nỗi nhớ dành cho mảnh đất thân thương ấy.


 

Hành trình của Tim đã đi sẽ được tiếp nối bởi những người bạn, những đồng nghiệp ở lại...
Hành trình của Tim đã đi sẽ được tiếp nối bởi những người bạn, những đồng nghiệp ở lại...


“Khi tôi mất, hãy hỏa thiêu rồi chia tro thành 3 phần. Một phần cho tôi xin gửi lại trong dòng sông Cửu Long. Một phần cho tôi được nằm lại bên vợ yêu. Còn lại hãy cho tôi về đất mẹ Australia”.

Tôi chợt nghĩ: Cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là mình có mặt bao lâu trên cuộc đời, mà chính là mình đã cống hiến và mang lại được những điều tốt đẹp gì cho con người và cuộc đời rộng lớn này.

Chúng tôi, những người ở lại, sẽ viết tiếp câu chuyện và hành trình mang tên Tim McGrath.


 

Một đời tận hiến cho quê hương thứ hai

    Tiến sĩ Timothy Edward McGrath đã dành gần như toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp để làm việc, cống hiến cho các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

    Năm 2020, ông đã được Bộ Xây dựng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng. Trước đó, vào năm 2017, Tiến sĩ Timothy Edward McGrath cũng được trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Cấp thoát nước Việt Nam.

    Đánh giá về vị chuyên gia “một đời tận hiến” cho quê hương thứ hai Việt Nam, ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: “Tiến sĩ Timothy Edward McGrath là một người rất tận tâm, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm. Không chỉ là một chuyên gia, Tim còn là một người bạn rất hiểu về thiên tai cũng như những biện pháp phòng ngừa bền vững”.

    Ông Lâm Văn Bi – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau nhận xét: "Tiến sĩ Timothy Edward McGrath là người tiên phong trong việc mang Chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai về cho tỉnh Cà Mau. Anh Tim là một người tận tụy, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, anh luôn quan tâm vấn đề sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân đô thị và vùng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của thiên tai. Đối với những kết quả đạt được từ Chương trình đã giúp cải thiện chất lượng đô thị thành phố Cà Mau nói riêng và các đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung; những chính sách về quản lý thoát nước đô thị trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình đã giúp chính quyền các đô thị có được thêm công cụ quản lý có hiệu quả. Chúng tôi rất trân trọng đối với những đóng góp của anh Tim cho tỉnh Cà Mau trong thời gian qua".

    Ông Lê Quốc Anh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đánh giá: “Chúng tôi trân trọng ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của Tiến sĩ Timothy Edward McGrath đối với tỉnh Kiên Giang, đặc biệt trong lĩnh vực thoát nước và chống ngập úng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong suốt thời gian công tác, anh Tim luôn là người tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, chia sẻ và am hiểu điều kiện địa phương và con người, luôn nỗ lực đồng hành với chúng tôi để nâng cao điều kiện sống cho người dân nơi đây”.

    Là một người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án do Tiến sĩ Timothy Edward McGrath thực hiện, chị Phạm Thị Thiên (Cần Thơ) cho hay: “Sau khi các dự án của GZ được hoàn thành, người dân Cần Thơ đã được hưởng một môi trường xanh, sạch. Cuộc sống ngày càng cải thiện hơn vì nước thải đô thị đã được xử lý”.


Theo SƠN BÁCH  (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm