Kinh tế

Nông nghiệp

Tổ hợp tác vận hành nước tự chảy Hà Tam: Hoạt động hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ cuối năm 2014, tổ hợp tác vận hành nước tự chảy của xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) được thành lập và đi vào hoạt động. Nhân dân đóng góp tiền để phục vụ công tác quản lý, duy tu công trình. Nhờ đó, công trình cấp nước của xã cũng được quản lý hiệu quả, bà con yên tâm vì nước sinh hoạt luôn đủ đầy.

Hơn 120 hộ dân của làng Hway đã được sử dụng nước sạch. Ảnh: N.H

Trong vòng 1 năm trở lại đây, gia đình ông Đinh Ding rất vui mừng vì không còn phải vất vả đi chở từng can nước, bởi đã có hệ thống nước sạch tự chảy dẫn nước về tận làng. Được biết, trước đây, gia đình ông cũng đã sử dụng nước từ hệ thống nước tự chảy, nhưng do hệ thống này không có người quản lý, thường xuyên bị hư hỏng nên nước lúc có lúc không; mùa mưa thì nước bẩn, mùa nắng thì không có nước. Ông Đinh Ding khoe, từ khi tổ hợp tác vận hành nước tự chảy của xã được thành lập, bà con trong làng phấn khởi lắm, vì không phải lo thiếu nước sinh hoạt nữa.

Công trình nước tự chảy của xã Hà Tam được đầu tư xây dựng từ năm 2007 với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Do chưa làm tốt công tác quản lý, cũng như một số hạng mục bị xuống cấp nên sau 2 năm hoạt động phải tạm ngừng. Đến cuối năm 2013, xã Hà Tam được đầu tư 500 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình nước sạch-vệ sinh môi trường của tỉnh, để nâng cấp sửa chữa công trình nước sạch. Toàn bộ chi phí lắp đặt đồng hồ, kéo nước vào từng nhà dân được Nhà nước hỗ trợ. Hệ thống nước tự chảy xã Hà Tam phục vụ nhu cầu sử dụng của hơn 120 hộ dân của làng Hway, Trường Tiểu học Trần Quang Khải, Trường Mẫu giáo Bình Minh và UBND xã Hà Tam. Để công trình này đem lại hiệu quả, phục vụ sinh hoạt của người dân, UBND xã Hà Tam đã thành lập 1 tổ hợp tác vận hành nước tự chảy. Tổ do ông Bùi Văn Hùng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã làm tổ trưởng, Trưởng làng Hway làm tổ phó, và các đồng chí trong Ban Công tác Mặt trận làm thành viên. Cứ mỗi  tuần, tổ cử 1 người đi kiểm tra đường ống nước, bể chứa nước đầu nguồn, kịp thời sửa chữa, khắc phục khi có sự cố xảy ra. Còn các hộ sử dụng nước, mỗi hộ đóng 5.000 đồng/tháng để duy trì hoạt động của tổ hợp tác này. Người dân cũng đồng tình về việc đóng tiền để các thành viên trong tổ hợp tác quản lý hệ thống nước tự chảy, bởi ai cũng nhận thức rằng, việc làm này sẽ đảm bảo hiệu quả lâu dài của công trình.

Tổ trưởng tổ hợp tác vận hành nước tự chảy-ông Bùi Văn Hùng, cho biết: “Chương trình nước sạch này làm từ năm 2007, sau khi nó bị hư thì bị gián đoạn mấy năm. Đến năm 2014, theo yêu cầu của làng là bắc thẳng về làng luôn. Vận hành sửa chữa thì có tổ đi kiểm tra, chỗ nào hư hỏng thì sẽ xin kinh phí của làng. Đồng bào góp tiền để sửa chữa, đồng thời phục vụ cho tổ hoạt động”.

Để các công trình cấp nước sinh hoạt mang lại hiệu quả dài lâu, việc thành lập các tổ hợp tác quản lý hệ thống nước tự chảy và việc thu tiền sử dụng nước của các hộ để phục vụ công tác quản lý, duy tu công trình là giải pháp hợp lý. Việc nộp tiền sử dụng nước sinh hoạt đã giúp người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm.

Thực tế thời gian qua có thể thấy, thay vì để các công trình cấp nước công cộng, các công trình nước tự chảy rơi vào cảnh cha chung không ai khóc, rồi rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng, lãng phí thì việc thành lập 1 tổ hợp tác để quản lý, vận hành hệ thống nước tự chảy như xã Hà Tam là một giải pháp phù hợp.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm