Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tố Hữu và nguồn thơ cách mạng: Từ lý tưởng đến rung cảm thật sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Anh Ngọc có dịp ngồi viết về nhà thơ với những tác phẩm thấm đượm tình yêu cho những lý tưởng cao đẹp về một cuộc sống công bằng, tốt đẹp hơn.

 Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hành Bộ tem đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hành Bộ tem đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)


Trong nền thơ Việt Nam thế kỷ 20, bên cạnh sự phát triển rực rỡ của phong trào Thơ mới với những nguồn thơ lãng mạn đi sâu vào cái “tôi” cá nhân, thi đàn còn lưu lại một dấu ấn sâu sắc của một nguồn thơ khác, ấy là thế giới thơ hiện thực cách mạng của Tố Hữu. Là một nhà thơ sớm giác ngộ cách mạng, ở ông là những rung cảm thật sự khi được tiếp xúc, giác ngộ và thấm nhuần những lý tưởng của Đảng Cộng sản.

Cũng là một nhà thơ trưởng thành trong chiến đấu, nhà thơ Anh Ngọc đã tiếp xúc với thơ của Tố Hữu từ lâu, ông cảm nhận rõ ở người thi sỹ này một thái độ luôn hướng tới cuộc sống cần lao của nhân dân, hướng tới chân, thiện, mỹ, hướng tới lý tưởng cao đẹp của cuộc cách mạng vô sản.

Tên thật của Tố Hữu là Nguyễn Kim Thành, ông sinh ra tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngay từ khi còn đi học, khoảng 15, 16 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Kim Thành đã được tiếp xúc với hệ tư tưởng Karl Marx, hệ tư tưởng mà các nhà cách mạng Việt Nam đi theo. Những người đã dẫn dắt, giác ngộ cho Tố Hữu là những người Đảng viên thế hệ đầu tiên như Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu.

Trong những năm hoạt động cách mạng của mình kể từ khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương năm 1938, Tố Hữu từng bị bắt giam ở nhiều nhà tù.

Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế. Sau đó ông liên tục giữ những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước như Phó Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đến năm 1980, 1981, ông trở thành Ủy viên chính thức của Bộ Chính trị, sau đó là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Phó Thủ tướng).

Bắt đầu thời kỳ hoạt động thơ văn từ sớm của độ thanh niên, Tố Hữu xuất hiện khi phong trào thơ mới đang ở thời kỳ cao trào với những tên tuổi như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính... Trong đó, những chủ đề xoay quanh rung cảm của cái tôi cá nhân , về tình yêu đôi lứa, sự chiêm nghiệm về vui buồn của nhân thế, về sự sống và cái chết...

Trong khi đó, Tố Hữu cũng khởi đầu với tâm tư, suy nghĩ của một cá nhân nhà thơ, nhưng đó là những suy nghĩ của một người đã giác ngộ tư tưởng của Đảng, biết hướng suy tư cảm xúc của mình vào cuộc sống lao khổ của nhân dân, tự mình đứng vào hàng ngũ những người chiến đấu vì lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng con người của Đảng.  

 

Nhà thơ Anh Ngọc. (Ảnh: Báo Thể thao và Văn hóa)
Nhà thơ Anh Ngọc. (Ảnh: Báo Thể thao và Văn hóa)



Cũng vì thế mà ông Anh Ngọc nói đùa rằng: “Họ sống cùng thời, cùng là nhà văn, nhà thơ nhưng khác nhau như nước và lửa”.

Để phân tích rõ hơn quan điểm này, ông đã chọn hai bài “Từ ấy” và “Bầm ơi” để bình. Tố Hữu có hai tập thơ nổi bật là “Từ ấy” tập hợp các bài thơ từ năm 1945 trở về trước và tập thơ “Việt Bắc” viết trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Cả hai đều nêu bật tư tưởng tình yêu của ông với đất nước, với lý tưởng của Đảng.

Những từ ngữ mang xúc cảm mãnh liệt trong hai câu thơ đầy ấn tượng, nói về sự giác ngộ tư tưởng của Tố Hữu bấy giờ: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim” khiến bất kỳ lứa học sinh nào từng học thơ ông trong sách giáo khoa đều ghi nhớ và  thường xuyên trích dẫn  khi gặp những tình huống hợp tình hợp cảnh.

Nói về chữ “ấy,” nhà thơ Anh Ngọc diễn giải đó là một từ rất chung, có thể chỉ bất cứ điều gì nhưng thật ra lại rất cụ thể và rõ ràng. Tố Hữu mặc nhiên đặt cho nó một nội dung, nội hàm lớn: chữ ‘ấy’ đánh dấu mốc của một thời đại mới trong tư tưởng người Việt Nam, thời đại của Đảng vô sản.

Bài thơ đúng với triết lý ‘Từ chân trời một người đến với chân trời mọi người,’ từ cái tôi tới cái chung khi cách mạng mở ra một trang sử được so sánh như mặt trời chói lòa, vừa soi sáng, vừa sưởi ấm trái tim, tâm hồn và trí óc của chúng ta.

Tố Hữu tự gắn mình với những người cùng khổ, ông chủ động “buộc” tâm hồn mình với những người bị áp bức, những người nô lệ, ông hầu như thoát ra khỏi bản thể để hòa mình thành một phần của tập thể.

“Đây là một bản tuyên ngôn bằng thơ của một nhà thi sỹ được cách mạng rọi sáng,” nhà thơ Anh Ngọc nhận xét. “Điều đó trong thơ bấy giờ hiếm lắm. Chỉ có những nhà các mạng đi làm thơ như Trường Chinh, Lê Đức Thọ... mới viết những đề tài như thế, mà cũng rất ít. Còn Tố Hữu trước hết là một nhà thơ đúng nghĩa, nhưng là một nhà thơ đi làm cách mạng”. Những cảm xúc, rung động trong thơ ông đầy chân thành, không một chút khiên cưỡng nào.

Tình cảm ấy của Tố Hữu thật quá đỗi giản dị và thuyết phục, ông Anh Ngọc nói thêm. “Trong một bối cảnh xã hội như lúc ấy, đấy là một sự lựa chọn quá cao đẹp. Phải nói là chừng nào trên trái đất này còn những bất công ngang trái thì một sự lựa chọn như thế mãi mãi là cao cả”.

Nhưng đến đây mới là câu chuyện lý thuyết, lý tưởng ban đầu. Ở “Bầm ơi,” Tố Hữu đến với con người cụ thể, chính là những bà mẹ Việt Bắc. Bài thơ viết về anh bộ đội bày tỏ tình yêu với mẹ mình, nhưng là lời của người con đi theo cách mạng, yêu mẹ bằng tình yêu của một chiến sĩ cách mạng.

Trong lời nhắn nhủ với người mẹ, Tố Hữu viết bốn câu thơ “Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí/Bầm quý con, bầm quý anh em./Bầm ơi, liền khúc ruột mềm/Có con có mẹ, còn thêm đồng bào” đã đặt tình cảm mẹ con riêng của hai con người với tình cảm lớn là những người mẹ và những đứa con của nhân dân. Như vậy, tình cảm cách mạng trong thơ Tố Hữu là đi từ cái riêng đến cái chung, rồi lại đi từ cái chung trở về với cái riêng, cái riêng và cái chung gắn bó, nâng nhau lên chứ không loại trừ nhau.

Sau khi hòa bình lập lại, ông dần dà nhận ra mình cũng cần trở lại những buồn vui riêng tư của con người bình thường - nhà thơ Anh Ngọc nghĩ như vậy khi nghe Tố Hữu tâm đắc đọc cho ông nghe bài thơ nổi tiếng “Đợi anh về” của thi sỹ Nga Konstantin Simonov do chính ông dịch ra tiếng Việt, với chất giọng Huế rất ấm áp, rất tình cảm. Ông Anh Ngọc nhớ lại lần được gặp mặt trực tiếp với Tố Hữu tại nhà riêng của cố thi sỹ trên con phố Phan Đình Phùng. “Nếu có được sự tin tưởng của Tố Hữu thì ông ấy sẽ phơi bày ra hết tình cảm tâm tư của mình,” ông cho là như vậy.

Để kết lại, nhà thơ Anh Ngọc nhận định: “Thì ra một khi đã trở thành máu thịt của cuộc sống thì ngay cả những điều to tát liên quan đến vận mệnh của dân tộc và nhân dân cũng trở thành câu chuyện riêng tư của từng số phận, những điều riêng tư mới kỳ vĩ làm sao. Có điều, chắc không phải ở đâu và bao giờ con người cũng có được những tâm thế thiêng liêng đến như thế”.

Nhà thơ Anh Ngọc, tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghệ An. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1980 và đã từng đoạt được nhiều giải thưởng, như Giải nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1972-1973 cho chùm thơ của mình, trong đó có bài “Cây xấu hổ.”

"Cây xấu hổ" được viết năm 1972, khi nhà thơ Anh Ngọc đang chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, một bài thơ được nhà thơ Xuân Diệu rất thích và khen ngợi, ông còn được giải A cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1975 với trường ca “Sóng Côn Đảo,” giải văn học Sông Mê Công năm 2009 với trường ca “Sông Mê Công bốn mặt” và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.

Hiện ông đang sống tại Khu tập thể 4B Lý Nam Đế, Hà Nội, nơi được coi là ngôi nhà chung của nhiều văn nghệ sỹ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Theo Minh Anh (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm