Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025)

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Trong ngày làm việc cuối cùng, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Báo Gia Lai đăng toàn văn nghị quyết quan trọng này.

 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức từ ngày 27 đến ngày 30-9-2020. Đại hội có mặt 350 đại biểu trên tổng số 350 đại biểu được triệu tập.

Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ra mắt, nhận nhiệm vụ trước Đại hội. Ảnh: Đ.T
Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ra mắt, nhận nhiệm vụ trước Đại hội. Ảnh: Đức Thụy



Đại hội thảo luận và thống nhất: QUYẾT NGHỊ

I- Tán thành các nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm (2015-2020) và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2020-2025) đã nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2015-2020).

1. Về đánh giá tình hình 5 năm 2015-2020

Nhiệm kỳ 2015-2020, với sự quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của các cấp, các ngành, của nhân dân toàn tỉnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đạt những thành tựu quan trọng, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so Nghị quyết đề ra.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Một số chương trình, dự án nông nghiệp được chú trọng thực hiện, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có chuyển biến rõ nét; các chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều tăng. Cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh có nhiều chuyển biến. Cơ sở hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm đúng mức và có chuyển biến tích cực. Quốc phòng-an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn có mặt hạn chế, chưa tạo được sự lan tỏa. Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu phấn đấu. Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước còn nhiều vướng mắc trong lập thủ tục đầu tư và đất đai. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo ra được sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Chất lượng, hiệu quả của giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các vùng. Cơ sở vật chất ngành Y tế ở tuyến cơ sở một số vùng thiếu, xuống cấp. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số khá cao. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng còn một số hạn chế nhất định. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có mặt chưa đạt yêu cầu. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tuy có sự chuyển biến, nhưng có lúc, có nơi còn chậm so với yêu cầu nhiệm vụ.

Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại, đó là: Việc tập trung triển khai các kế hoạch, chương trình hành động của ngành nông nghiệp trong phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao. Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa-xã hội còn hạn chế, công tác xã hội hóa chưa được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Đảng trong tình hình mới. Trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế.

2. Mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Mục tiêu tổng quát


Tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế thị trường. Phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông-lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Giữ vững quốc phòng-an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; năng động, sáng tạo. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Về kinh tế: Tăng trưởng kinh tế (GRDP): Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng bình quân hàng năm 8,6% trở lên; GRDP theo giá hiện hành đến năm 2025 đạt 131.702 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 79,5 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2025: nông-lâm nghiệp-thủy sản 29,89%; công nghiệp-xây dựng 31,22%; dịch vụ 35,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 3,49%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hàng năm 12,89%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm từ 9% đến 10%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 7,94%, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân hàng năm 5,92%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 35%.

- Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 0,8% trở lên (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020). Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 đạt 120 xã trở lên. Số địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 là 10 địa phương. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm đạt 1,1%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 95%; số bác sĩ/vạn dân đạt 9 bác sĩ. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 68%. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp THCS đến năm 2025 đạt 97%.

- Về môi trường: Diện tích rừng trồng mới 40.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75%. Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 98%.

- Về xây dựng Đảng: Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt 80% trở lên. Tỷ lệ kết nạp đảng viên hàng năm đạt 3% trở lên so với đầu nhiệm kỳ (tương đương 1.800 đảng viên trở lên/năm và 9.000 đảng viên trở lên/nhiệm kỳ).

3. Các nhiệm vụ trọng tâm

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, trên cơ sở quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực đã nêu trong Báo cáo chính trị, cần tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; phát huy mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Các đại biểu biểu quyết thông qua chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu biểu quyết thông qua chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đức Thụy


3.1. Tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm ổn định tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ đạo phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn ứng dụng công nghệ cao, bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình “Nông hội” gắn với phát triển hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh; bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp-xây dựng, chú trọng phát triển       công nghiệp chế biến. Ban hành cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư phù hợp với đặc thù của tỉnh; quan tâm phát triển các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp. Huy động ngân sách, tài chính, ngân hàng, khai thác tốt các nguồn thu phục vụ cho phát triển. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển vùng trong tỉnh, mô hình liên kết vùng khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung. Quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các đô thị. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng đất, nước, rừng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu.

ác đại biểu vỗ tay chúc mừng Đại hội thành công tốt đẹp. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu vỗ tay chúc mừng Đại hội thành công tốt đẹp. Ảnh: Đức Thụy



3.2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo. Tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện tốt các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chỉ số phát triển con người. Quan tâm thực hiện chính sách xã hội, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất và đời sống. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng. Khai thác, bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông. Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng; quan tâm phát triển thể thao thành tích cao. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao.

Các đại biểu dự Đại hội tham quan khu trưng bày triển lãm ảnh đại hội Đảng qua các thời kỳ. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu dự Đại hội tham quan khu trưng bày triển lãm ảnh đại hội Đảng qua các thời kỳ. Ảnh: Đức Thụy



3.3. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đảm bảo quốc phòng-an ninh. Tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Tăng cường công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động; chủ động phát hiện các loại tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao và các vấn đề trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động bổ trợ tư pháp. Triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; công khai, minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan dân cử, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong tham gia phát hiện, tố giác tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động đối ngoại.

3.4. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng. Đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở đạt chuẩn về trình độ, có năng lực thực tiễn, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Tăng cường công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền. Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đổi mới quản lý, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng công khai, dân chủ, thân thiện và gần dân. Siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao chất lượng tham mưu, phối hợp của các cấp, các ngành.

3.5. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; quan tâm phát huy dân chủ, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân. Quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức đoàn, hội gắn với tập hợp và phát triển đoàn viên, hội viên. Thực hiện tốt nội dung Sổ tay tuyên truyền cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện 4 chương trình trọng tâm sau:

Một là, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hai là, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực.

Ba là, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch.

Bốn là, phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.

II- Thông qua Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV. Từ kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI cần phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong nhiệm kỳ 2020-2025.

III- Thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức Đảng các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, báo cáo Trung ương theo quy định.

IV- Thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI gồm 53 đồng chí và bầuđđoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 18 đồng chí đại biểu chính thức và 1 đồng chí đại biểu dự khuyết. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để quyết định chuẩn y theo quy định.

V- Giao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI tiếp thu ý kiến thảo luận tại Đại hội để hoàn chỉnh, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025); đồng thời, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết này để ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình cụ thể triển khai thực hiện.

Đại hội kêu gọi toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”, tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra.

Có thể bạn quan tâm