Tóc tiên buông giữa ngàn xanh…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ẩn mình giữa Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) có rất nhiều cảnh đẹp tự nhiên chưa được phép khai thác. Một trong số đó là thác Rơ Nâng, còn được nhiều người gọi là thác Nàng Tiên. Tuy nhiên, theo chúng tôi, lẽ ra nên gọi là thác Tóc Tiên mới sát với cảnh sắc mỹ miều của thắng cảnh này.



Theo tỉnh lộ 675, khách tham quan đi quá thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) chừng 6 km đến Plei Kbầy thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn là đã vào vùng đệm của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Từ đây theo hướng ngược nguồn con suối Đak Rơ Nâng nhắm thẳng đỉnh Chư Mom Ray… lội bộ! Tuy đoạn đường để đến thác chưa đầy 3 km nhưng là sự “thử thách” đối với khách tham quan. Sau khi vẹt lối lần đường qua một vùng cỏ tranh xanh tốt ngang đầu người, khách tiếp tục len lỏi theo lối mòn giữa vạt rừng tre nứa và cây hỗn giao. Đến chỗ “tắc đường” thì lội xuống lòng suối, tay vin lần theo vách đá dựng ven bờ mà tới. Nhờ nước trong veo đến mức thấy được đá dưới lòng suối nên cứ vững tâm mà bước. Gặp vài đoạn suối chảy cắt vòng vèo, gờ đá chênh vênh trắc trở thì lại phải lên bờ cắt rừng, rồi lại lội suối…

 Thác Tóc Tiên. Ảnh: internet
Thác Tóc Tiên. Ảnh: internet



Cứ thế, đường càng lên cao, đá núi càng lớn dần thành tảng, thành khối cheo leo, cho đến khi bất ngờ gặp một chiếc… cổng trời đột nhiên hiện ra! Là “cổng trời” thật đấy! Trước mắt khách tham quan một khoảng không trống phô lộ ra một mảng trời cao thẳm. Nơi cổng trời ấy chính là thác… Tóc Tiên. Một dòng nước trắng trong và mềm mượt lao ra nơi vòm đá phẳng lì giữa lưng chừng ruột núi Chư Mom Ray rồi đổ dài như nối từ mây trời xuống. Có người tưởng tượng đó là làn tóc của những nàng tiên nữ phơi hong xõa xuống trần gian! Trong khi tên gọi chưa được định hình, định danh chính thức, nên xin cứ gọi là thác Tóc Tiên. Bao quanh khối đá dựng đứng gần thác là cây rừng mọc cheo leo, thân lá trước gió hanh hao ngả màu xám bạc. Cảnh sắc tiêu sơ, đẹp như tranh thủy mặc. Du khách tha hồ đắm mình trong thiên nhiên hoang dã, trong lành.

Ngoài tiếng thác ầm ào thì không gian núi rừng hoang sơ quanh thác vô cùng tĩnh mịch, càng tạo thêm phần kỳ bí. Có lẽ vì vậy bà con Jrai ở thôn Nhơn Bình truyền rằng, khu vực thác là nơi ngự trị của Yàng. Họ ít khi đến thác, chỉ khi nào muốn cầu xin điều gì mới đến. Theo truyền thuyết, ngày xưa ở thác này có một loài cây thuốc mê (thuốc bùa). Người nào cúng trâu, bò, dê, heo cho Yàng xin cây thuốc ấy mang về quệt vào người trai thì người trai ấy sẽ theo về làm chồng, quệt vào người gái thì người gái ấy theo về làm vợ; 2 vợ chồng sẽ ăn ở với nhau trọn đời, không hề có chuyện đổ vỡ giữa chừng...

Nếu khách tham quan có thêm chút “máu” mạo hiểm và khám phá thì từ thác có thể cắt rừng leo thẳng miết lên cao sẽ đến đỉnh Chư Mom Ray (cao gần 1.800 m) ngun ngút mây trời và gió lộng! Trên đỉnh núi cao ấy là hệ sinh thái rừng lùn trong chế độ không khí loãng lạnh, nhiều gió ẩm, nên vỏ cây bám đầy rong rêu xám xịt, mốc thếch. Tuy nhiên, có điều rất đặc biệt, bên cạnh hệ thực vật rừng lùn với cây cối mốc xì xấu xí ấy lại là xứ sở của loài hoa đỗ quyên! Khoảng sau Tết Nguyên đán là thời điểm hoa đỗ quyên nở trắng tinh khôi giữa lưng chừng trời. Tiếc là cảnh đẹp này ít “đi vào” phim ảnh, vì ít ai leo tới!

Nếu không đủ sức leo núi cao thì trên đường về, du khách cũng có thể chọn một cách khám phá “nhẹ đô” hơn, đó là không theo lối cũ mà đi cung đường ngang qua vùng rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá (nói theo thuật ngữ lâm sinh). Đường này núi dốc, phải bấu bám theo cành cây để tuột xuống. Đi hết vùng rừng lá rộng thường xanh thì đến vùng rừng hỗn giao tre nứa-gỗ. Ở hệ sinh thái rừng hỗn giao này núi non có vẻ “hiền” hơn, nhưng nhiều đoạn cũng phải cúi gập người luồn qua các khóm tre nứa cho đến khi ra khỏi rừng.

Khi điều kiện cho phép, nếu tuyến du lịch đến thác Tóc Tiên và đỉnh Chư Mom Ray được đầu tư thì đây sẽ là tuyến du lịch sinh thái vô cùng thú vị.

 

TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm