Năm học lớp 6, một lần trong lúc tan trường, tôi bất ngờ bị vật thể cứng đập vào đầu. Đó là một cục đá bay ra từ nhóm bạn lớp bên cạnh, có xích mích từ trước. Nhóm ấy bày trò "nhằm thẳng tụi lớp A mà ném", hễ ném trúng bất cứ ai ở lớp "đối thủ" thì sẽ được quà (!). Bị thương tứa máu, tôi được đưa đi trạm xá, khâu 8 mũi, trên đầu còn sẹo cho đến bây giờ.
Những trò nghịch dại của tuổi thơ, tưởng chừng vô hại, nhưng hậu quả khôn lường. Từ ném đá lên khoang tàu hỏa, rút ghế bạn học, lén tháo phanh xe cho tới túm chân bạn quẳng xuống sông… hoàn toàn có thể gây thương tích suốt đời cho người khác, thậm chí mất mạng. Tưởng cái thời ấy, những trò đùa nguy hiểm ấy, đã qua; đâu ngờ giờ đây vẫn còn, lại biến tướng dị hợm hơn, đồng thời liên tục sản sinh thêm những trò tai ác khác, mà phần nhiều trong số đó làm theo mạng xã hội.
"Bắt pen" là trò nghịch dại mới nhất, lan truyền từ một nền tảng mạng xã hội, đối tượng nhắm tới chủ yếu là học sinh. Theo đó, dùng ngón tay ấn mạnh và giữ lâu động mạch cảnh (ở cổ) cho đến ngất rồi thả ra, để cho "phê". Đây là trò đùa chết người - các bác sĩ lập tức cảnh báo. Phụ huynh nghe phân tích mà rùng mình. Nhà trường cũng vội vàng ra thông báo nhắc nhở học sinh…
Cách đây không lâu, trào lưu Ice Bucket Challenge (đổ xô đá lạnh lên đầu) từ nước ngoài xâm nhập Việt Nam và nhanh chóng lan truyền trên thế giới số. Nhiều cư dân mạng hào hứng thử sức và lôi kéo người khác tham gia, trong khi giới y khoa cảnh báo trò này gây sốc nhiệt, dễ dẫn tới hôn mê, đột quỵ, chết người.
Chưa hết, không ít YouTuber còn bày dạy trẻ em cách nói dối ba mẹ, thầy cô; ăn xà phòng hoặc ngậm nước đá trước khi ngủ, trèo lan can, nghịch ổ cắm… Đáng trách hơn, có ngôi sao ca nhạc thần tượng của giới trẻ phát hành MV trong đó có cảnh nhảy lầu tự tử "để giải thoát khỏi sự cô đơn"!
Mặt trái của những sự vụ kể trên rất kinh khủng, nhiều trường hợp để lại hậu quả thương tâm. Xét theo mối quan hệ nhân - quả thì có thể gọi tên đó là tội ác. Mà tội ác thì phải phòng ngừa, đấu tranh, bài trừ, tiêu diệt nó bằng mọi cách.
Vụ "livestream" cảnh lái xe bằng chân: Tài xế xin lỗi vì trò đùa quá trớn
Gia Lai án mạng đau lòng từ trò đùa đốt pháo
Có nhiều phương cách giải quyết. Thay vì chờ vụ việc xảy ra rồi xử lý phần ngọn, ngăn chặn từ gốc mới là giải pháp căn cơ. Tuyên truyền, giáo dục bằng những bài học, chương trình ý nghĩa (như phát động phong trào "Em yêu đường sắt quê em" - để hạn chế nạn ném đá lên tàu) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục phải làm. Trong nhiệm vụ này, phải đặt sự quan tâm, dạy bảo của cha mẹ, gia đình lên trên tất cả, tiếp đó mới là vai trò của nhà trường.
Mạnh hơn, phải nghiêm trị bằng chế tài pháp luật để làm gương đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi truyền bá, xúi giục làm bậy trên không gian mạng. Đặc biệt là cần dùng đến công nghệ, trí tuệ nhân tạo để lọc và chặn những tài khoản, nền tảng phát tán nội dung xấu độc… Hiện nay, các cơ quan quản lý hoàn toàn có đủ thẩm quyền, năng lực và giải pháp để can thiệp từ gốc.
Theo Y Qua (NLĐO)