Anh em trong gia đình, vợ chồng rủ nhau cùng đi làm công nhân. Bởi họ không có đất làm ruộng hoặc ít đất không cho thu nhập đều hằng tháng, mất mùa là chịu đói. Còn buôn bán phải cần vốn, họ đi làm công nhân chỉ cần có sức là được...
Dì cháu trong gia đình công nhân Bùi Thị Ý đùa vui bên cháu bé - Ảnh TÂM LÊ |
Một nhà 4 công nhân
"Công ty đang tuyển, ở nhà làm gì ra tiền, đi làm cho có anh có em, vợ chồng cùng ở một nơi..." - chị Hoàng Thị Yên cho biết những người trong gia đình thường rủ nhau, có nhà ba, bốn người cùng làm công nhân.
Ở xóm trọ của tôi có gia đình chị Bùi Thị Ý và em gái ruột Bùi Thị Tình, quê ở Lạc Sơn, Hòa Bình ở một phòng. Chị Ý đi làm, vài năm sau chị rủ thêm em gái ra làm cùng, một năm sau thêm cô cháu gái.
Thời gian đầu cô cháu ở chung xóm trọ, nay đã lấy chồng sinh con, cô lấy một anh cũng làm công nhân sống tại địa phương và ra ở cùng gia đình nhà chồng bên ngoài khu dân cư. Có lần, tôi gặp cô cháu gái bế con đến xóm trọ thăm hai dì. Họ cùng nhau nấu ăn, chơi đùa với con trẻ rất hạnh phúc.
Chị Hoàng Thị Yên quê ở Tuyên Quang, có bữa chị đếm ngón tay lần lượt năm anh chị em trong họ hàng làm cùng một khu công nghiệp (KCN). "Thời gian đầu đông vui lắm, thi thoảng lấy lương lại họp nhau nấu cơm ăn" - chị Yên cười nói. Ban đầu chị ở chung phòng chị dâu, rồi tách ra hai khu trọ khác nhau.
Cậu cháu trai thi thoảng chạy xe đến thăm chị Yên, hai dì cháu rất thân thiết. Chị Yên khoe cháu chịu khó làm: "Mới làm được hơn một năm đã gửi về quê cho mẹ 30 triệu để trả nợ, vừa rồi lại mua trả góp cái xe máy, hai dì cháu đèo nhau đi lấy xe về đấy". Nhưng chị cũng lo lắng, cháu trai làm thông ca liên tục sẽ hại sức khỏe.
"Cậu ấm" Nguyễn Như Nam 18 tuổi, quê ở Diễn Châu, Nghệ An vào cùng đợt tuyển dụng với tôi. Nam có bố là quản đốc một nhà máy, chú ruột làm phó giám đốc, ba anh em Nam lại không ai làm cùng bố và chú mà mỗi người làm ở một KCN. Bố làm ở KCN của tỉnh Hưng Yên, Nam làm ở KCN Visip Bắc Ninh, anh trai và chị dâu làm ở KCN Bắc Thăng Long, chị gái làm ở Hà Nội.
"Cả nhà em đi làm hết, chỉ còn mình mẹ ở nhà trông nhà. Em không muốn bị sắp xếp giao việc, bị giám sát quản lý nên ra ngoài làm cho thoải mái. Cuối tuần em vẫn xuống thăm bố, hoặc lên thăm chị gái" - Nam thật thà.
Ngồi ngay cạnh tôi trong dây chuyền sản xuất là Bùi Văn Chung quê ở Lạc Sơn, Hòa Bình. Chung vừa tốt nghiệp cấp III được chị gái rủ xuống công ty làm cùng. Chị gái Chung đã làm được nửa năm nhưng ở bộ phận sản xuất bản mạch điện tử, Chung làm ở bộ phận lắp ráp và hoàn thiện.
Hai chị em ở trọ cùng nhau, Chung được chị gái chỉ bảo cách nộp hồ sơ tuyển dụng, lo cho nơi ở trọ, lại chu cấp cho tháng đầu đi làm chưa có lương.
Chung may mắn và vô tư: "Em xuống đây không mang theo gì cả, chị gái lo hết, ở với chị nên không nhớ nhà lắm". Sáng sáng hai chị em đèo nhau đi làm, cuối tuần lại đèo nhau về quê thăm cha mẹ, nhà Chung chỉ có hai chị em.
Ở xóm trọ có tới ba cặp vợ chồng đi làm công nhân cùng nhau, không chỉ dành dụm được tiền lương mà quan trọng hơn là bên nhau giữ lửa gia đình.
Vợ chồng chị Bùi Thị Lam và anh Đinh Văn Cường cũng quê ở Lạc Sơn, Hòa Bình đã làm công ty được bảy năm. Bảy năm qua, anh chị cũng chỉ ở một xóm trọ, bây giờ có điều kiện hơn chút nên chuyển phòng để các cháu đến chơi, có chỗ ngủ nghỉ ăn cơm rộng hơn.
Vợ chồng anh Nguyễn Đình Sáng và chị Lương Thị Xinh quê ở Như Thanh, Thanh Hóa vừa đến xóm được 2 tháng. Ngày trước anh chị trọ ở xóm khác, đợt dịch không có việc nên trả phòng để về quê, giờ phải thuê phòng mới. Anh Sáng vẫn đang đợi việc, dù nộp hồ sơ nhiều nơi mà chưa bên nào gọi. Hằng ngày anh đưa đón vợ đi làm đều đặn...
Anh Sáng tối nào cũng đợi vợ về ăn cơm cùng ở phòng trọ công nhân - Ảnh: TÂM LÊ |
Nhiều năm chuẩn bị để về quê
Nhiều cặp vợ chồng có thâm niên làm công nhân, họ đã vượt qua những thăng trầm, chịu thương chịu khó tích lũy được chút vốn liếng. Ngoài việc chăm lo cuộc sống hai vợ chồng lúc xa quê, gửi tiền về chăm sóc con cái, họ còn chuẩn bị cho ngày thôi làm công nhân trở về quê sinh sống.
"Hai vợ chồng tôi làm được bảy năm rồi, làm một, hai năm nữa sẽ nghỉ về quê thôi" - chị Bùi Thị Lam nói về dự định sắp tới. "Sao hai người không làm cho tới khi được nghỉ hưu?" - tôi hỏi. "Làm gì mà đòi nghỉ hưu, không còn sức khỏe nữa thì ai cho làm? Làm ở công ty tối ngày không có thời gian nghỉ ngơi, con cái bỏ bê ở quê không chăm được" - giọng chị Lam kiên quyết.
"Về nhà thì làm gì tiếp để sống?". "Nhà ở quê có đất đồi rộng, hai vợ chồng về trồng cây ăn quả hay làm cây đặc sản bán". Chị Lam kể nhiều mong muốn nhưng cuối cùng đều quay về muốn được ở gần con cái. "Giờ con học hành mình phải bên cạnh kèm cặp, để con lớn lên khó bảo" - chị trải lòng.
Vợ chồng chị Bùi Thị Hiền và anh Đỗ Tiến Thành quê ở Lạc Sơn, Hòa Bình thì có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân. Năm 2006, anh chị đón xe vào KCN ở Bình Dương để làm, hồi đó các KCN ngoài Bắc chưa phát triển. "Hai vợ chồng thay đổi công ty không thể nào nhớ hết được, chỗ thì làm áp lực, chỗ lương thấp, chỗ ít việc không được tăng ca" - chị Hiền nhớ lại.
Ở KCN Bình Dương hồi ấy chủ yếu làm mặt hàng may mặc, ít hàng điện tử, áp lực chưa căng thẳng như bây giờ. Hai vợ chồng chị Hiền cho biết: "Buồn nhất là cảnh xa nhà, một năm mới về quê một lần nếu không có chuyện gì đột xuất". Ở quê, hai gia đình thông gia là hàng xóm của nhau nên rất vui vẻ, họ thay nhau chăm sóc con cái cho vợ chồng yên tâm đi làm ăn xa.
Nói về tình cảm vợ chồng bao năm vẫn đậm đà, chị Hiền cười nói: "Bọn tôi gần nhà nhau ở quê, hồi bé đã chơi với nhau, lớn lên hai đứa yêu nhau rồi cưới. May chồng tôi vui tính, hai đứa hay trêu chọc nhau nên sống vui vẻ, ít khi cãi vã. Hơn nữa đi làm công ty giờ giấc chiếm hết thời gian, được vài tiếng vợ chồng ở cùng, không lẽ lại cãi nhau hoài".
Có đợt hai vợ chồng chị Hiền làm chung công ty, có đợt làm khác, như hiện tại chị Hiền làm ở công ty điện tử, còn chồng chị đang làm ở công ty may. Năm 2017, cả hai quyết định chuyển ra Bắc cho gần gia đình. Lúc này, KCN Vsip Bắc Ninh bắt đầu tuyển dụng nhiều, hai vợ chồng lại rủ nhau đi làm.
"Từ Nam về, bọn tôi dồn tiền sửa được nhà lớn, vừa rồi lại về xây nhà bếp và công trình phụ nữa. Tôi làm năm cái chuồng trâu, thêm hai chuồng gà vịt, sắp tới nghỉ làm công nhân về quê có cái để làm" - chị Hiền dự tính.
Chị Hiền sinh năm 1988, chồng chị hơn 5 tuổi, những đồng nghiệp ở khu trọ của chị bình luận: "Hai vợ chồng làm công nhân lâu năm, mà cuộc sống gia đình gắn bó và tích lũy được vốn liếng như vậy rất ít". Rồi họ đọc tên những cặp vợ chồng tan vỡ, vợ một nơi, chồng một nơi.
Ngay chính bản thân họ cũng tỏ ra ngậm ngùi khi so với vợ chồng Hiền, vì nhiều năm làm vẫn chưa có mấy đồng vốn giắt lưng. Như vợ chồng anh Sáng đang rất vất vả, chồng vẫn chưa tìm được việc, trong khi công ty của vợ lại đang tạm hết việc vì ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ ăn 70% lương cơ bản. Cô vợ lại hay đau ốm, gầy yếu nên thuốc thang tốn kém nhiều...
Mẹ con cùng làm nhà máy Nhiều gia đình có cả mấy mẹ con đi làm công nhân như chị Nguyễn Thị Hiền ở huyện Đức Huệ, Long An đang làm chung với cả hai con gái và con rể ở KCN Tân Tạo, Bình Tân, TP.HCM. "Mình 45 tuổi, vẫn còn làm công nhân được. Hai con gái không có nghề chuyên môn, ở quê chỉ làm ruộng thiếu trước hụt sau, nên kéo tụi nó đi làm chung cho gần gũi. Vừa rồi, đứa đầu 25 tuổi lấy chồng cũng làm công nhân. Thế là bốn mẹ con thuê hai phòng trọ liền kề ở bên nhau cho vui và đỡ đần nhau ..." - chị Hiền tâm sự. |
********************
Khi liếc mắt, khi chạm tay, khi sẻ chia cho nhau túi bánh, ly nước, viên thuốc cảm. Tuổi công nhân đa số mới đôi mươi, e ấp chuyện yêu thương...
Kỳ tới: Khi liếc mắt, khi chạm tay thương