Tôi cứ nghĩ lá thư tình viết tay giờ chỉ còn trong thơ ca, nhạc họa, nhưng lại bất ngờ xuất hiện trên băng chuyền làm việc của nhà máy.
Đám cưới giản dị của vợ chồng Ngọc Bé - Dũng bên bạn bè làm cùng công ty - Ảnh: TÂM LÊ |
Đời cần lao của nam nữ công nhân có không ít chuyện tình buồn và nhiều cuộc tình đẹp đơm hoa kết trái.
Tình vui trên băng chuyền
Nhớ ngày đầu tuyển dụng phỏng vấn, có bạn nam tên Hồ Son quê ở Quỳ Hợp, Nghệ An xấp xỉ 30 tuổi, bất ngờ nói với tôi mục đích vào làm ở công ty là... tìm vợ. Trước đó, cậu ta làm điện dân dụng cho một trang trại heo ở tỉnh Bình Dương. Lương cao, ổn định, nhưng Son không tìm được bạn nữ nào để kết hôn.
Bố Son gọi điện về giục đi tìm công ty lớn có nhiều nữ làm xem có hi vọng không. Son còn tuyên bố, nếu tìm được vợ, cậu sẽ sắp xếp lại cuộc sống và nghề nghiệp của mình. Tương lai tốt cho vợ chồng vì cậu đã xây được nhà, có chút vốn liếng trong tay.
Trong môi trường hàng ngàn con người, thời gian làm việc ở công ty nhiều hơn ở nhà. Thêm cảnh xa quê, ở cùng xóm trọ đông vui nên chuyện tình cảm nam nữ công nhân dễ nảy sinh. Trong đợt tuyển dụng cùng tôi, tỉ lệ nam, nữ lại chênh lệch lớn. Nam giới chiếm tới khoảng 90%, nên mọi ánh mắt tìm kiếm đổ dồn vào số công nhân nữ trẻ xinh.
Những ngày đầu tôi đến công ty, đã có cặp đôi mến nhau từ cái nhìn đầu tiên. Một mảnh thư tay được chuyển qua chỗ tôi đến một bạn nữ phía dưới hàng ghế, lá thư sau đó được chuyển lại cho bạn nam. Những ánh mắt tò mò, ai cũng muốn biết bên trong lá thư ấy viết gì.
Nhưng chỉ có lời nhắn truyền tai: "Nhờ chuyển cho cô áo khoác đỏ, người gầy" hoặc "Nhờ chuyển cho người nam áo khoác đen". Điện thoại bị công ty "cấm vận", nên thư tay phát huy tác dụng. "Điện thoại phải có số mới nhắn tin được, thư tay chỉ cần viết gửi, mà viết đỡ ngại hơn gọi điện, nhắn tin" - một công nhân vui vẻ nói.
Vào trong dây chuyền sản xuất, lại xuất hiện những lá thư tay. Thư gấp hình quả tim, lúc lại gấp hình cánh thuyền buồm, hình con hạc trông rất thú vị, rồi thả trên băng chuyền cho trôi chầm chậm đến chỗ bạn nữ.
Lần này, thư chạy trước mắt hai hàng công nhân, nên có bạn lém lỉnh đã mở ra đọc trộm. Nội dung thư được truyền tai nhau: "Chúng mình làm quen em nhé, số Zalo của anh nè", "Em cho anh xin số, anh sẽ không tuyên bố cho ai". Thư chạy qua vị trí của vài công nhân nữ hiếm hoi, nhưng ai cũng e ngại không nhặt nên để thư chạy đến cuối chuyền.
Có nhiều chuyện tình lãng mạn, cũng có mối tình giản dị đã đơm hoa kết trái, đang có tổ ấm hạnh phúc. Một trong số cặp đôi mà tôi quen biết qua một người bạn là vợ chồng Ngọc Bé và Nguyễn Văn Dũng. Cả hai quê ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, hiện đã có ba người con, con nhỏ nhất vừa tròn 2 tuổi. Vợ chồng Ngọc Bé đã xây được nhà hai tầng ở quê và đang ở cùng cha mẹ chồng.
Ngọc Bé tâm sự vợ chồng bằng tuổi nhau, 31 tuổi, quen nhau khi làm cùng dây chuyền sản xuất trong công ty điện tử của Nhật. "Anh ấy ở đầu dây chuyền, tôi ở cuối dây chuyền, bọn tôi gặp nhau trong lúc họp mặt. Mỗi lần nói chuyện có ý kiến bọn tôi hay tranh cãi, nhưng tan họp lại nói chuyện vui vẻ rồi thấy hợp nhau. Bọn tôi yêu nhau một năm rồi làm lễ cưới" - Ngọc Bé kể.
Ngày yêu nhau, Ngọc Bé ở trọ, còn chồng ở cùng gia đình, vì ở công ty gặp nhau suốt nên chỉ chủ nhật mới hẹn hò đi chơi. Lễ cưới của Ngọc Bé cũng giản dị, được tổ chức vào mùa xuân. "Vì nhà chồng gần nên bạn bè cùng công ty về dự đông vui lắm, bây giờ thì tản mát mỗi người một nơi rồi" - Ngọc Bé nói rồi chỉ cho tôi xem những bức hình chụp cùng bạn bè.
Chuyện tình "yêu nhau từ thuở còn thơ" của công nhân Bùi Thị Diễm quê ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng hơn 10 năm trọn vẹn hạnh phúc. Ngày vợ chồng Diễm còn làm công nhân trong KCN tỉnh Bình Dương, cả hai xin phép công ty nghỉ nửa tháng để về làm lễ cưới. Diễm nhớ: "Vì quê xa nên bạn bè làm cùng không ai về được, sau hôn lễ bọn tôi vào công ty báo hỉ 6 mâm cơm ở một nhà hàng nhỏ".
Lá thư viết tay vo cuộn được công nhân trẻ chuyển cho nhau nơi làm việc - Ảnh: TÂM LÊ |
Chuyện tình buồn
Bên cạnh những cuộc tình vui vẻ, có hậu, tôi đi làm công nhân cũng hay nghe tâm sự: "Chuyện tình công nhân buồn lắm!". Tôi chưa biết buồn đến cỡ nào cho đến khi đọc những dòng chữ sầu thảm trong... buồng vệ sinh nữ.
Ngoài những câu thơ tình làm tan chảy trái tim như: "Anh là cả thế giới niềm vui của em", "Những nỗi lo toan giờ đây khép lại, vì em đã có người sẻ chia" ..., còn có không ít lời thở than não nề: "Anh người yêu của tôi là một chàng đẹp trai, nhưng anh đã cắm cho tôi hai cái sừng cũng rất là đẹp", "Có lẽ trên đời này không còn tình yêu chân thật nữa rồi"...
Đặc biệt, có một câu làm tôi chú ý: "Biết tin con đã đến với mẹ, ở trong mẹ, cảm giác thật khó tả. Nhưng con ơi, mẹ vẫn chưa sẵn sàng để làm mẹ, lúc này chưa thể chào đón con đến với cuộc đời này. Mẹ không biết phải làm sao đây?" - dòng chữ được viết bằng bút bi xiêu vẹo nhưng vẫn rõ từng chữ. Tôi bần thần hiểu đây là đoạn kết một chuyện tình buồn, cô gái đã mang thai ngoài ý muốn.
Và có một hàng chữ bên dưới viết đáp lại, được kéo xuống bằng mũi tên: "Bạn ơi cố lên, có người mong muốn có một đứa con mà không được ấy, như mình đây, bao năm chờ đợi, chạy chữa tốn kém mà vẫn không có kết quả. Đó là món quà hạnh phúc trời ban cho, gắng lên bạn nhé, sẽ ổn thôi".
Nguyễn Thị Hòa, công nhân lâu năm ở xóm trọ, kể cho tôi nghe: "Chuyện yêu đương xa nhà cũng phức tạp. Nhiều đôi yêu nhau chưa cưới xin gì đã ở cùng như vợ chồng, một hai bữa lại thấy cãi nhau chí chóe. Có người vợ chồng con cái rồi vẫn bồ bịch".
Hòa kể đợt tuyển công nhân mới, công ty của cô đã phát... cả thùng que thử thai, bao cao su để công nhân biết trong một năm đầu đi làm không ai được mang thai. Nhưng chẳng hiểu que thử thai có bị làm giả hay trục trặc gì mà nhiều bạn nữ tá hỏa kêu khóc, gọi điện về cho mẹ nói... chưa từng quan hệ với ai sao lại mang bầu!
Trong các câu chuyện tình tôi được nghe kể, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Tình, 38 tuổi, quê ở huyện Tiền Hải, Thái Bình làm nhiều người thương cảm. Tổ trưởng dây chuyền trong công ty tôi cho biết thi thoảng bên công đoàn lại đến thăm phòng trọ của chị, cho con trai 5 tuổi của chị chút tiền sữa, quà bánh.
Chị Tình đang sống với con trai 5 tuổi ở xóm trọ nghèo, cách công ty hơn 5km. Cha mẹ ở quê đã mất, chị không thể gửi con cho ai chăm sóc, nên con chưa được 1 tuổi chị đã phải gửi nhà trẻ. "Phải năn nỉ người ta mới nhận trông. Hôm nào nhà trẻ nghỉ trông chị lại nhờ hàng xóm, hết nhà này đến nhà khác"- chị Tình trầm buồn.
Cậu con trai là kết quả cuộc tình không mong muốn của chị với một nam công nhân đã có gia đình. Chị không muốn kể rõ tường tận về chuyện riêng, vì khi ấy chị đã ngoài 30 tuổi, phải suy nghĩ nhiều để quyết định giữ lại con. Cha đứa trẻ không chu cấp tiền cũng như thời gian nên chị gánh hết...
Tôi bị cậu trẻ hơn 10 tuổi "cưa cẩm"
Đến một ngày ở xóm trọ tôi cũng gặp tình huống khó xử, khiến tôi tin chuyện phức tạp kể trên là có thật. Một hôm khoảng hơn 9 giờ tối, công nhân nam cùng dãy trọ đến phòng tôi mượn sạc điện thoại, thấy tôi ở một mình liền cố ý cắm sạc luôn tại phòng rồi hỏi chuyện.
Cậu ta tán gẫu rồi hỏi chuyện sao lại ở một mình, tôi nói chồng con ở Hà Nội. Tôi nói cậu ta có thể cầm điện thoại về phòng sạc, sáng mai trả nhưng cậu ta xấn lại gần nói nhỏ: "Tối nay để cửa 12 giờ, sang nhé?", cách xưng hô trống không trong khi cậu ta còn kém tôi cả chục tuổi. Tôi nghiêm nét mặt, cậu ta mới gật gù ra về, miệng còn lẩm bẩm câu gì tôi không nghe rõ.
Kỳ tới: Trăn trở cho tương lai
Suốt nhiều tháng thật sự làm công nhân, tôi đã lắng nghe và thấu cảm rất nhiều trăn trở mong tương lai tốt đẹp hơn.
TÂM LÊ (TTO)