Tôn tạo, khai thác hiệu quả thác Phú Cường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo nhận định của các chuyên gia, nếu được đầu tư bài bản thì thác Phú Cường (huyện Chư Sê, Gia Lai) sẽ là điểm đến rất hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Tiềm năng phát triển du lịch 
Từ trước năm 1975, nhiều du khách trong và ngoài nước đã biết đến địa danh thác Phú Cường bởi vẻ đẹp của nó được xếp ngang hàng với thác Prenn của Đà Lạt. Với vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ của dòng thác cao 45 mét, thác Phú Cường để lại nhiều ấn tượng cho du khách ngay từ lần đầu đến tham quan. Điểm đặc biệt không thể quên khi nhắc đến thác Phú Cường chính là sự xuất hiện thường xuyên của chiếc cầu vồng. Nhờ sự pha trộn của làn hơi nước lớn bốc lên cùng những tia nắng chiếu qua vách đá mà dải cầu vồng huyền ảo hiện ra nhiều giờ trong ngày, “hút hồn” mọi du khách!
 Thác Phú Cường. Ảnh: Tiến Dũng
Thác Phú Cường. Ảnh: Tiến Dũng
Ngoài vẻ đẹp độc đáo và bầu không khí trong lành của cảnh quan thiên nhiên, thác Phú Cường còn có một vị trí hết sức thuận lợi để tham quan, du lịch khi nằm ngay bên quốc lộ 25, cách TP. Pleiku 45 km về phía Đông Nam, cách trung tâm thị trấn Chư Sê 6 km, trên tuyến du lịch hồ Ayun Hạ, Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (huyện Phú Thiện)... đến tỉnh Phú Yên. Khách du lịch có thể đến tận chân thác trên con đường đã được trải nhựa rất thuận tiện. Quanh khu vực thác Phú Cường là những vườn cà phê xanh mướt, 2 bên thác là những triền đồi núi đá nhấp nhô; đặc biệt, trên đường vào thác có tịnh xá Phú Cường đang xây dựng ở giai đoạn hoàn thành với kiến trúc đặc trưng của Phật giáo hệ phái Khất thực. Phải thừa nhận, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc nơi đây mang những nét đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, là địa điểm lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch.
Tôn tạo-vấn đề cấp thiết
Những năm qua, do phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của thác, nhất là vào mùa khô dòng thác chỉ còn đổ xuống với bề ngang rộng chưa đến 1 m. Do đó, trong 6 tháng mùa khô, khu vực thác khá khô khan và trơ trụi. Từ nhiều năm nay, UBND tỉnh giao cho nhà đầu tư Phú Hưng Thịnh xây dựng và khai thác Khu Du lịch thác Phú Cường. Thời gian đầu, Công ty đã đầu tư được một số hạng mục như: cầu treo, lối đi xuống thác, hồ nước, chòi ngắm cảnh nghỉ ngơi... và tổ chức bán vé vào tham quan. Tuy vậy, chỉ một thời gian ngắn, các hạng mục đã xuống cấp và dừng việc phục vụ. Lý do chính là tư duy đầu tư chưa phù hợp, không đồng bộ, nguồn vốn quá ít. Các hạng mục đầu tư chủ yếu phục vụ kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”, chưa chú ý đến việc tôn tạo cảnh quan và khôi phục dòng thác trong mùa khô. Dù tỉnh đã liên tục kiểm tra, đôn đốc nhưng tất cả vẫn giẫm chân tại chỗ. Các ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi dự án này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Xin nói thêm là theo Luật Đầu tư, giao dự án cho doanh nghiệp là thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Sau khi được giao, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và toàn quyền quản lý khu vực dự án theo quy định của pháp luật. Chính quyền cấp xã, cấp huyện nơi có dự án không thể làm gì khác ngoài việc giữ gìn an ninh trật tự, môi trường...
Ảnh: Tiến Dũng
Ảnh: Tiến Dũng
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đại diện các sở, ngành liên quan đến tận nơi thị sát thác Phú Cường và toàn bộ dự án. Quang cảnh hoang tàn, không một bóng người khiến ai cũng xót lòng. Tất cả cùng nhận thấy rằng phải gìn giữ cảnh quan nơi đây và phải thu hồi dự án. Hướng thứ nhất là thu hồi giao cho nhà đầu tư khác có năng lực và tâm huyết trong lĩnh vực du lịch; hướng thứ hai là thu hồi, giao cho chính quyền địa phương quản lý và đầu tư tôn tạo cảnh quan thiên nhiên. Vấn đề quan trọng là phải trồng phủ kín cây xanh, các loại cây gỗ rừng quý hiếm (hương, sao, bằng lăng, huỳnh đàn, thông, trắc...), trồng tất cả các diện tích trống xung quanh và 2 bên bờ thác; xây dựng ngã ba quốc lộ 25 rẽ xuống thác thành điểm nhấn vào khu du lịch, mở rộng tuyến đường đôi khoảng gần cây số từ ngã ba xuống chân thác. Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là tái tạo dòng thác vào mùa khô.
Có 2 phương án tái tạo dòng thác khả thi. Thứ nhất là ngăn một đập tràn nhỏ ở phía trên đỉnh thác một đoạn để giữ nước ở mức độ hợp lý. Khi hụt nước thì xả van để nước chảy nhằm đảm bảo đủ nước tạo dòng thác đổ xuống. Phương án hai là ngăn một đập nhỏ ở dưới cách chân thác khoảng 100-200 m tạo ra một mặt hồ, góp phần tôn tạo cảnh quan; đồng thời, tại vị trí đập đặt một mô tơ phát điện, chỉ cần đủ công suất để chạy một máy bơm bơm ngược nước lên đỉnh thác, đảm bảo đủ nước cho mặt thác đổ xuống (nếu thừa công suất thì phát điện thắp sáng).
Dĩ nhiên, cả 2 phương án đều cần phải cải tạo mặt thác sao cho diện đổ xuống rộng hơn, mỏng hơn như dải lụa thì đẹp và ít tốn nước. Ngay vị trí thác đổ xuống có vách đá tạo thành vòm sâu vào trong, tạo ra một khoảng trống dưới làn nước, nên tương tự như thác Prenn, chúng ta có thể làm một cây cầu đơn giản bằng tre hay gỗ lượn theo vòm đá để đi qua lại ngay dưới làn nước và chụp hình lưu niệm, rất thú vị.
Vấn đề thứ ba là lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 toàn bộ khu du lịch. Trong quy hoạch cần lưu ý phân khu chức năng cụ thể và đưa quần thể tịnh xá Phú Cường vào như một hạng mục kiến trúc tâm linh. Hình thành một con đường mòn lát đá tự nhiên men theo dòng suối Ia Pết đi xuống hồ Ayun Hạ gắn với tham quan các làng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các trò chơi mạo hiểm như: máng trượt, leo núi... Theo chúng tôi, khu du lịch này có thể bố trí loại hình lưu trú nghỉ dưỡng với các bungalow bằng gỗ theo mô típ nhà sàn truyền thống.
Như vậy, trong thời gian tìm nhà đầu tư thực sự chuyên nghiệp và có năng lực, nếu được tỉnh giao, chính quyền huyện Chư Sê phải làm ngay một số việc nhằm tôn tạo cảnh quan, phê duyệt quy hoạch để giữ đất và đầu tư hạ tầng... Việc kêu gọi đầu tư cũng có thể chia ra nhiều phần nhỏ. Có thể đầu tư khai thác phần phục vụ ăn uống và lưu niệm; đầu tư cho các làng truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số; phần lưu trú, phần trò chơi... Những phần đầu tư riêng lẻ như thế có thể kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương tham gia. Nếu không có nhà đầu tư lớn thì chúng ta có thể làm từng bước, nhưng quan trọng nhất là việc tôn tạo, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên cho khu du lịch sinh thái này không thể không làm ngay.
Hồng Hà

Có thể bạn quan tâm