(GLO)- Hưởng ứng sự kiện “Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, tối 17-7, tại thị xã An Khê, Hội LHPN tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thi “Duyên dáng áo dài xưa và nay”. Hội thi không chỉ nhằm tôn vinh nét đẹp của tà áo dài mà còn lan tỏa tình yêu trong mỗi phụ nữ nói riêng và người dân nói chung với trang phục truyền thống.
Tôn vinh nét đẹp áo dài
Bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho hay: Chương trình gồm 3 hoạt động: hội thi “Duyên dáng áo dài xưa và nay”; trình diễn áo dài mang chủ đề “Áo dài Tây Sơn Thượng đạo-Xưa và nay” với sự tham gia của 90 phụ nữ thị xã An Khê; trưng bày 30 bức ảnh với chủ đề “Áo dài giữa đời thường”. “Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh quyết định chọn thị xã An Khê để tổ chức các hoạt động trên vì đây là vùng đất giàu trầm tích văn hóa. An Khê cũng là nơi khởi đầu của phong trào Tây Sơn”-bà Ngọc thông tin.
Hội thi “Duyên dáng áo dài xưa và nay” thu hút 25 thí sinh của Hội LHPN 17 huyện, thị xã, thành phố và Hội Phụ nữ các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Các thí sinh trải qua 2 vòng thi: trình diễn áo dài và thi kiến thức về áo dài. Trong thời gian 3 phút, thí sinh trình bày nội dung liên quan đến bộ áo dài tự chọn. Dựa trên số điểm ở 2 phần thi, Ban giám khảo chọn ra 5 thí sinh xuất sắc nhất để trao giải.
Thí sinh Bùi Thị Bích Nguyệt (Hội Phụ nữ Công an tỉnh) chia sẻ: “Được tham gia hội thi, tôi rất vinh dự và tự hào. Tôi đã cố gắng luyện tập để dáng đi mềm mại đồng điệu với tà áo dài thướt tha. Tôi cũng nghiên cứu, tìm hiểu và tự tay thiết kế bộ áo dài cho bản thân. Bộ áo dài này là sự kết hợp giữa chất liệu lụa tơ tằm và thổ cẩm đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên”. Với phần trình diễn trang phục tự chọn duyên dáng cùng phần trả lời câu hỏi lưu loát, đầy thuyết phục về tình yêu đối với áo dài, chị Nguyệt đã giành giải nhất.
Phần trình diễn áo dài tại hội thi. Ảnh: Đức Thụy |
Cùng tham gia hội thi, thí sinh Hồ Thị Viên (Hội LHPN thị xã An Khê) vui vẻ cho hay: “Mong muốn quảng bá hình ảnh áo dài và bản sắc văn hóa dân tộc mình, tôi đã mang tới hội thi bộ áo dài được dệt bằng chất liệu thổ cẩm với những hoa văn đặc trưng của đồng bào Bahnar. Sự phá cách này không làm mất đi sự duyên dáng của áo dài mà còn thể hiện được sự giao thoa giữa các nền văn hóa”. Nhờ bộ áo dài cách tân này cùng màn trình diễn khá ấn tượng, chị Viên đã giành giải khuyến khích tại hội thi.
Lan tỏa tình yêu với trang phục truyền thống
Kết thúc Hội thi “Duyên dáng áo dài xưa và nay”, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho thí sinh Bùi Thị Bích Nguyệt-Hội Phụ nữ Công an tỉnh; giải nhì cho thí sinh Vũ Thu Trang-Hội LHPN TP. Pleiku và giải ba thuộc về thí sinh Ksor Thị Loan-Hội LHPN thị xã Ayun Pa. Ngoài ra, Ban tổ chức trao 2 giải khuyến khích cho 2 thí sinh thuộc Hội LHPN thị xã An Khê và huyện Chư Prông. |
Trong không khí nhộn nhịp của các hoạt động liên quan đến chiếc áo dài truyền thống, đông đảo người dân thị xã An Khê và các huyện lân cận đã đổ về khuôn viên Ao cá Bác Hồ theo dõi, cổ vũ.
Chị Đinh Thị Blới (làng Hòa Bình, xã Tú An, thị xã An Khê) hồ hởi nói: “Tôi và mấy chị em trong làng bảo nhau thu xếp việc nhà xong sớm để đến xem. Các chị mặc áo dài đẹp quá. Sau sự kiện này, tôi cũng sẽ mua một bộ để mặc khi có dịp”.
Tương tự, chị Trương Thị Thi (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ) bộc bạch: “Tôi và 4 người bạn đến đây theo dõi sự kiện từ sớm. Thí sinh biểu diễn rất duyên dáng, trang phục rất đẹp, màu sắc nhã nhặn. Tôi thấy một số mẫu áo dài khá phù hợp nên sẽ về may để bổ sung vào tủ áo dài của mình”.
Ban tổ chức trao giải nhất cho thí sinh Bùi Thị Bích Nguyệt-Hội Phụ nữ Công an tỉnh. Ảnh: Ngọc Minh |
Hội thi không chỉ thu hút đông đảo phụ nữ mà còn nhận được sự quan tâm của giới mày râu. Anh Nguyễn Hữu Duy (phường An Bình, thị xã An Khê) cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã thấy mẹ mặc áo dài vào các ngày lễ, Tết. Trong tủ đồ của vợ và con gái tôi cũng không thể thiếu bộ áo dài. Nghe tin có hội thi, cuối tuần không bận việc, tôi chở vợ con đi xem. Qua các tư liệu, hình ảnh, tôi hiểu thêm về bộ trang phục truyền thống của dân tộc”.
Bà Chu Thị Thúy Hà-Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, thành viên Ban giám khảo Hội thi “Duyên dáng áo dài xưa và nay” nhận xét: “Ban tổ chức đã đem đến cho chị em một sân chơi rất ý nghĩa, giúp chị em thể hiện được sự duyên dáng, tính năng động, sáng tạo. Trong hội thi này, tôi ấn tượng nhất với 5 thí sinh người dân tộc thiểu số. Cùng với các thí sinh khác, họ cũng hãnh diện khoác trên mình bộ áo dài truyền thống được thiết kế cách tân, hiện đại. Tôi mong rằng, thế hệ trẻ sẽ phát huy hơn nữa nhằm bảo tồn, lan tỏa tình yêu với áo dài, để áo dài sống mãi với thời gian”.
NGỌC MINH