Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 101 tuyến đường thủy với tổng chiều dài là 913km nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đường thủy.
Hoạt động diễu hành du thuyền trong Ngày hội Khinh khí cầu, du thuyền và các hoạt động thể thao dưới nước Thành phố Hồ Chí Minh, hồi tháng 1/2022. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN |
Vận tải hành khách kết hợp với du lịch bằng đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng nhưng chưa tận dụng tốt. Cần nghiên cứu cơ chế và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp để khai thác thế mạnh này.
Nội dung được nêu ra tại Hội nghị về phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch bằng đường thủy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/12.
Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 101 tuyến đường thủy với tổng chiều dài là 913km nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đường thủy.
Các tuyến này nằm ngay trung tâm thành phố, thuận lợi cho tàu khách quốc tế với lượng khách du lịch lớn có thể vào ngay trung tâm tại khu vực cảng Nhà Rồng-Khánh Hội, bến Bạch Đằng. Thành phố cũng có nhiều điểm đến để tham quan du lịch bằng đường thủy, từ trung tâm đến các vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Trưởng phòng Quy hoạch Phát triển tài nguyên du lịch-Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố có lợi thế với bốn tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua, tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy vừa có nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa còn khá mới mẻ này.
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng các chuyên gia, nhà quản lý nhìn nhận, sản phẩm du lịch bằng đường thủy của Thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế, chưa phong phú so với các địa phương có cùng tiềm năng.
Trong 11 tháng năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đón 27,9 triệu khách nội địa nhưng chỉ có 342.800 lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy. Con số này cho thấy, tỷ lệ khách du lịch bằng đường thủy rất nhỏ so với mặt bằng chung.
Theo ông Bùi Hòa An, muốn xây dựng các sản phẩm du lịch thì đầu tiên phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm bến bãi, luồng tuyến. Khó khăn hiện nay là quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg, cảng thủy nội địa hành khách Thành phố Hồ Chí Minh chỉ quy hoạch ở phạm vi khu vực, chưa xác định rõ quy hoạch vị trí, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất cụ thể của các cảng thủy nội địa hành khách.
Sở Giao thông Vận tải đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cập nhật, phê duyệt quy hoạch bến thủy nội địa vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính.
Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai đầu tư dự án chuyển đổi công năng và tổ chức khai thác khu bến cảng Nhà Rồng-Khánh Hội theo quy hoạch, trở thành bến hành khách du lịch tại trung tâm với cầu bến, nhà chờ hiện đại, đồng bộ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn (Trường Đại học Việt Đức) đề xuất, thành phố có thể khảo sát, nghiên cứu xây dựng quy hoạch và cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển mạng vận tải hành khách đường thuỷ.
Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy tối đa vai trò của tuyến buýt đường sông hiện hữu trên sông Sài Gòn và phát triển hình thức cano du lịch hoặc taxi đường sông trên các tuyến tiềm năng.
Khu trung tâm Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) bên bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho rằng, để du lịch bằng đường thủy phát triển, thành phố còn nhiều vấn đề cần thực hiện; trong đó, vận tải hành khách công cộng đường thủy hoặc du lịch đường thủy phát triển phải đặt trong tổng thể, tính hệ thống, bao gồm vấn đề quy hoạch bài bản.
Theo ông Bùi Xuân Cường, trước mắt rà soát, đánh giá và ưu tiên các công việc quan trọng, mang tính đột phá để làm trước. Các đơn vị cần nghiên cứu để có cơ chế, chính sách triển khai các sản phẩm du lịch mới như các môn thể thao trên sông (như lướt ván trên sông) cũng như tạo thuận lợi về trình tự thủ tục đầu tư phương tiện, trang thiết bị… cho doanh nghiệp. Thực hiện nhanh các dự án đang đầu tư, ưu tiên triển khai nâng tĩnh không các cây cầu trên các tuyến nhằm tạo thuận lợi cho tàu thuyền du lịch.
Hiện Sở Du lịch đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thuỷ giai đoạn 2022-2025 trình Ủy ban Nhân dân thành phố; trong đó, mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy.
Theo Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)