Thời sự - Bình luận

Trách nhiệm an sinh xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bên cạnh đau đớn về thể chất lẫn tâm lý, người bệnh ung thư còn nhiều lo toan về chi phí chữa trị, từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Có những gia đình từ khá giả đã rơi vào kiệt quệ, phải bán tài sản, vay mượn khắp nơi, thậm chí vay nóng để điều trị ung thư.

Lâu nay, các thuốc điều trị ung thư rất đắt tiền, nhất là với thuốc thế hệ mới thì bảo hiểm y tế không chi trả hoặc chi trả ở mức phần trăm nhất định. Việc này dẫn đến có bệnh nhân phải bỏ cuộc giữa chừng vì không kham nổi các liệu trình điều trị cần duy trì kéo dài. Hơn nữa, phần lớn người bệnh ung thư khi đến các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tuyến cuối thì gần như đã cạn kiệt về kinh tế, vì trước đó đã chạy chữa nhiều nơi.

Bởi vậy, khi nghe tin Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh danh mục thuốc bảo hiểm y tế nhằm tạo điều kiện để người bệnh có thể tiếp cận thuốc thế hệ mới (trong đó có các loại thuốc chữa ung thư đã được chứng minh có hiệu quả cao hơn như thuốc đích, thuốc miễn dịch), người bệnh cùng gia đình rất vui mừng và chờ đợi.

Nếu đề xuất này được thông qua, sẽ là bước đột phá trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Dù biết rằng tùy từng loại thuốc mà người bệnh sẽ được chi trả bao nhiêu phần trăm bởi cơ quan chuyên môn còn phải cân đối về hiệu quả, chi phí nhưng với người bệnh ung thư thì giảm được đồng nào hay đồng đó, thêm hy vọng và cơ hội được chữa trị, được cứu sống.

Từ đó, có thể nói việc mở rộng chi trả cho các loại thuốc ung thư mới không chỉ là một chính sách y tế mà còn là cam kết nhân đạo và trách nhiệm an sinh xã hội. Đó là cách để đảm bảo rằng khi người bệnh rơi vào tình cảnh khó khăn nhất, họ vẫn nhận được sự hỗ trợ và sẻ chia từ hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia.

Trước đây, có nhiều người khi đến bệnh viện công luôn mang tâm lý ngần ngại, không muốn đưa ra thẻ bảo hiểm y tế vì sợ bị "phân biệt đối xử", không được dùng những loại thuốc mới đắt tiền, những phương thức điều trị kỹ thuật cao. Họ chấp nhận bỏ tiền túi, sử dụng dịch vụ để được thăm khám, chữa trị tốt hơn.

Tuy nhiên, đó là ở thời điểm khi lượng người tham gia bảo hiểm y tế còn rất ít. Hiện nay, đã có hơn 93% dân số VN tham gia bảo hiểm y tế (tính đến cuối năm 2023). Các bệnh viện công hiện cũng chủ yếu khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế và nhiều bệnh viện tư cũng đã tham gia khám, điều trị bảo hiểm y tế. Ngày nay, các bệnh viện, công ty dược "sống được" cũng "nhờ" vào lượng bệnh nhân bảo hiểm y tế là như vậy…

Từ thực tiễn đó, và qua những đóng góp ý kiến từ người bệnh, dư luận cũng như các chuyên gia, bảo hiểm y tế cần có định hướng ngày càng mở rộng danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật chẩn đoán, điều trị, bao gồm cả ung thư. Điều này, không chỉ đúng với tinh thần hướng đến bảo hiểm y tế toàn dân mà còn là yếu tố rất nhân văn với bệnh nhân nói chung và người bệnh ung thư nói riêng. Bởi nó không chỉ giúp kéo dài và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân mà còn giảm gánh nặng đè lên vai thân nhân, gia đình người bệnh.

Theo Thanh Tùng (TNO)

Có thể bạn quan tâm