Kinh tế

Trái cây vườn hút khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện đang là mùa thu hoạch trái cây của người dân trên địa bàn tỉnh, từ mít, chuối, mãng cầu đến bơ, vú sữa… Nhiều thương lái đã đánh đúng tâm lý người tiêu dùng hiện nay, chủ động “săn” trái cây vườn sạch để cung ứng ra thị trường.

 Mít được gia đình anh Nguyễn Xuân Lập mua về từ các vườn. Ảnh: Đ.Y
Mít được gia đình anh Nguyễn Xuân Lập mua về từ các vườn. Ảnh: Đ.Y

Chiều muộn, ngay trước cổng nhà anh Nguyễn Xuân Lập (làng Yon, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) một xe công nông đầy mít và chuối xanh được đóng bao cẩn thận đang chờ xe đò chở ra tỉnh Thừa Thiên-Huế bỏ mối. Anh Lập kể: Để có từng ấy trái cây, một ngày vợ chồng tôi và 3 lao động nữa phải dạo khắp các làng trên địa bàn các huyện: Chư Sê, Chư Pưh và Đak Đoa. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi chia làm 2 nhóm tỏa đi các làng từ sáng sớm tới chiều, từ làng ra rẫy, cứ nghe hộ nào có mít, có chuối là tìm đến. Riêng mít bây giờ mua khó hơn mấy năm trước vì phần lớn mít mua từ vườn của người Kinh, còn mít trong làng của đồng bào dân tộc thiểu số hiếm lắm, bà con chặt cây bán gỗ hết rồi.

Còn với bà Đào Thị Duyên (xã Chư Hdrông, TP. Pleiku), khoảng thời gian này là mùa làm ăn của bà. Trên chiếc xe máy cũ gắn ở đuôi xe là 2 sọt mít đầy, khoảng hơn chục quả mít to đã chín, thơm lừng, bà Duyên ngồi bán lẻ ở một góc chợ đêm (trước Khách sạn Tre Xanh Plaza-TP. Pleiku) vào mỗi buổi sáng. “8 năm rồi, cứ mùa mít chín là tôi có mặt ở chợ đêm. Những người ăn mít vườn của tôi quen rồi nên tin tưởng vào sản phẩm. Vì thế, mỗi lần mua không cần ăn thử mà nói mua bao nhiêu tôi cắt bán bấy nhiêu thôi. Giá cả phải chăng, mít ăn lành, không thuốc, tốt cho sức khỏe”-bà Duyên nói.

Để có nguồn mít bán trong suốt mùa, chuẩn bị tới mùa mít là bà Duyên lại đi xe máy dạo khắp rồi khoanh vùng, ghi tên hộ có mít bán. Nhà nào có bao nhiêu cây, cây mít nào cho trái thơm ngon là bà Duyên ghi nhớ và trả giá, đặt cọc trước. Khi thấy mít chín, các hộ gọi điện cho bà đến hái. Nhờ thế, những trái mít của bà Duyên bán cho khách hàng, không chỉ sạch mà còn chín cây, ăn giòn, thơm, ngọt. Cũng vì thế, cứ mỗi trái mít mua tại vườn từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng (tùy theo quả to, nhỏ) khi bán lẻ ở chợ, bà Duyên lời gấp đôi, gấp ba. “Tính trung bình mỗi ngày đi buôn mít cho lời từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Chịu khó thức khuya, dậy sớm, mấy tháng mùa mít chín tôi cũng kiếm lời được 25-30 triệu đồng”-bà Duyên cho biết.

Cũng như mít, chuối, các loại quả được trồng ở vườn, rẫy như: mãng cầu, vú sữa, bơ, ổi… ở Gia Lai cũng đang vào vụ thu hoạch chính. Rất nhiều thương lái nắm bắt nhu cầu dùng trái cây sạch của người tiêu dùng hiện nay nên dù phải đi xa, vất vả, họ vẫn tìm mua vì khâu tiêu thụ dễ dàng, lãi cao hơn so với buôn bán trái cây khác. Hiện nay, nhiều hộ trồng bơ, vú sữa… ở các xã: Tân Sơn, Chư Á (TP. Pleiku) và huyện Đak Đoa còn bán trọn gói cả vườn hoặc cả cây cho thương lái. Việc bán trọn gói này thương lái lời hơn, dù chủ vườn biết vậy nhưng họ vẫn thích bán cả vườn hoặc cả cây vì cầm tiền một lần mua sắm được nhiều thứ. Ông Mai Văn Trường-một người trồng bơ tại xã Chư Á (TP. Pleiku) cho hay, ông trồng 10 cây bơ sáp xen canh trong vườn tiêu. Với địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên cây bơ phát triển tốt, không cần tốn công bón phân, chăm sóc nhưng mỗi năm gia đình ông thu về trên 1 triệu đồng/cây. “Riêng năm nay, bơ được mùa lại được giá, vườn bơ ước thu về hơn 20 triệu đồng, tăng gần 10 triệu đồng so với vụ bơ năm 2015. Hơn nữa, cây bơ đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Khi bơ cho thu hoạch không cần đem đi bán mà có thương lái tìm về tận vườn thu mua”-ông Trường nói.

Để trái cây vườn Gia Lai giữ được uy tín với các khách hàng, hiện nay không ít thương lái đã chủ động tìm nguồn từ các vườn cây. Ông Nguyễn Xuân Lập cho biết: “Hơn 10 năm nay, cứ mùa nào quả nấy, vợ chồng tôi đều tìm các loại trái cây vườn. Trái cây vườn được người tiêu dùng ưa chuộng vì là sản phẩm sạch. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ hàng cung cấp cho các mối trong, ngoài tỉnh cũng không phải dễ dàng, gia đình tôi phải tới tận các thôn, làng để đặt hàng với nhà vườn rồi thuê nhân công địa phương thu hái, gom hàng, phân loại, đóng gói… đúng kỳ thu hoạch. Nếu cứ mua tràn lan trái cây ở thị trường rồi trà trộn vào trái cây vườn Gia Lai thế nào cũng bị phát hiện, lúc đó thì hết đất làm ăn”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm