(GLO)- Mới hơn 5 giờ sáng, một góc rừng nằm sâu trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (xã Ayun, huyện Mang Yang) bỗng sôi động bởi tiếng cười nói rôm rả, tiếng gọi nhau í ới của 18 sinh viên đến từ Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Họ đang chuẩn bị cho một ngày thực địa tại đây trong chương trình khóa tập huấn “Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam”.
Sự háo hức, phấn chấn của các bạn sinh viên còn được kích thích thêm khi biết thông tin Kon Ka Kinh là một trong 5 vườn quốc gia được công nhận là Vườn Di sản Asean với diện tích hơn 42 ngàn ha, đa dạng về các loài động-thực vật; đặc biệt là nơi tập trung số lượng lớn voọc chà vá chân xám-loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới.
Các sinh viên trong chuyến thực địa tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: M.T |
Chính vì thế, khóa tập huấn do Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng phối hợp với Hội Động vật học Frankfurt (Đức) tại Việt Nam tổ chức là cơ hội hiếm có để sinh viên, chủ yếu là khoa Sinh-Môi trường, rèn luyện một số kỹ năng điều tra, quan sát và tìm hiểu về tập tính sinh thái, mật độ, số lượng, phân bố của loài linh trưởng này trong tự nhiên. Những bài học lý thuyết về cách sử dụng các dụng cụ thực địa như bản đồ, la bàn, ống nhòm, thiết bị GPS dẫn đường… cũng được dịp áp dụng vào thực tế.
Lội rừng tìm voọc
Khi mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, anh Trần Hữu Vỹ-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Greenviet, đồng thời là người hướng dẫn “lão làng”, thuộc rừng như lòng bàn tay-chia đoàn thành 3 nhóm. Cùng với Vỹ, hướng dẫn đoàn thực tập là những cán bộ đã nhiều năm “nằm rừng” Kon Ka Kinh nghiên cứu tập tính sinh thái của voọc.
Đúng 7 giờ 30 phút, nhóm 1 của chúng tôi bắt đầu khởi hành. Ngoài hai người hướng dẫn gồm Nguyễn Thị Tịnh và Nguyễn Ái Tâm là cán bộ của Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam, nhóm chúng tôi có 6 sinh viên. Theo kế hoạch, cả nhóm sẽ cắt rừng đi men theo sườn của ngọn núi trước mặt để lên đỉnh, từ đó đi xuyên rừng qua đỉnh Đá trắng ở độ cao 1.500 mét-nơi có nhiều khả năng nhìn thấy voọc.
Cơn mưa rừng đổ xuống giữa những ngày mưa dầm Tây Nguyên làm đường đi trở nên vô cùng khó khăn, rừng rậm, dây leo chằng chịt, nhiều cây dại gai mọc tua tủa. Hết Tâm rồi Tịnh liên tục nhắc nhở mọi người bám thật chắc chân để tránh trơn trợt, phải lựa chọn những điểm tựa chắc chắn, người trước cách người sau 2-3 mét để tránh bị đá rơi; mắt phải quan sát kỹ để tay không cầm, bám vào những cây có gai khi leo dốc. Vì phải vận động liên tục nên ai nấy mồ hôi túa ra ướt đẫm mặc cho cơn mưa rừng lạnh lẽo vẫn giăng giăng. Đi được chừng 1/3 chặng đường, cả nhóm phải dừng lại nghỉ chân và cùng tranh nhau… thở.
Với kinh nghiệm bám rừng nhiều năm, Tịnh và Tâm tranh thủ hướng dẫn các bạn sinh viên ghi chép lại những gì đã quan sát được trên đường đi; cách sử dụng ống nhòm để quan sát; một số kinh nghiệm đi rừng như đánh dấu nơi đã đi qua bằng việc bẻ những cành cây nhỏ ngược ra phía sau…
Sau khi đã lấy lại sức, cuộc hành trình tiếp tục, những đôi chân lại hăm hở lên đường nhưng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc là giữ im lặng để tránh đánh động đến lũ voọc có thể đang ở đâu đó trên những tán cây tít tắp, um tùm. Thỉnh thoảng cả nhóm dừng lại quan sát, thu lượm mẫu vật (bao gồm thức ăn mà voọc ưa thích, phân, nước tiểu…) để phân tích, đưa ra phán đoán đâu là dấu vết của voọc để lại.
Trau dồi kỹ năng đi rừng trước lúc lên đường. Ảnh: M.T |
Theo chỉ dẫn của Tâm, những nơi đàn voọc đi qua lá non thường rụng rất nhiều do đây là món ăn khoái khẩu của chúng. Không giống với khỉ là thích ăn trái chín, voọc chỉ ăn những trái xanh, do vậy phân của chúng cũng có màu xanh, nước tiểu có mùi khai đặc trưng rất dễ phân biệt…
Tuy nhiên, sau hơn nửa ngày lội bộ, cắt rừng, vượt núi mà dấu vết lũ voọc vẫn như “bóng chim tăm cá”, chưa kể trời mưa cũng khiến tầm nhìn bị hạn chế khá nhiều. Nhận định sẽ khó có cơ hội nhìn thấy đàn voọc vốn phân bố rất thưa thớt trong mênh mông rừng thẳm, nhóm đã quyết định dừng cuộc hành trình để kịp quay về trạm nghiên cứu. Trên độ cao hơn 1.400 mét, chúng tôi giở cơm nắm ra ăn, nghỉ ngơi và tìm đường quay về.
Điều thú vị là bạn Ngô Quang Hợp, sinh viên năm 2 khoa Sinh-Môi trường, được cả nhóm chọn làm “hoa tiêu” thực hành sử dụng thiết bị GPS để dẫn đường đưa nhóm về lại trạm nghiên cứu. “Lúc mới đi em cảm thấy rất đơn giản nhưng lúc hết đường mòn thì em bắt đầu cảm nhận được khó khăn, thấy áp lực nặng nề, nhất là khi thấy mọi người đi theo em khá vất vả. Do chưa có kinh nghiệm, sợ mình đi sai đường nên em vẫn cứ đi thẳng theo hướng mũi tên chỉ mặc dù phía trước là bụi rậm nhiều gai hay những con dốc thẳng đứng. Rất may là sau cùng em cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ mà cả nhóm đã tin tưởng giao phó”- Hợp tự hào chia sẻ.
May mắn hơn chúng tôi, nhóm do anh Trần Hữu Vỹ dẫn đường lại gặp voọc đến 3 lần. Không thể diễn tả hết được nỗi vui mừng, bạn Nguyễn Thị Quỳnh Trang-khoa Hóa-Quản lý môi trường, chia sẻ: “Em không ngờ lần đầu tiên đi rừng mà nhóm em đã may mắn tận mắt nhìn thấy đàn voọc. Lúc chứng kiến chúng di chuyển trên những ngọn cây, em phải kìm nén cảm xúc lại nhưng tim đập thật nhanh, miệng muốn hét lên sung sướng…”. Lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác đi rừng, mặc dù mệt lử và không ít bạn bị trầy sướt chân tay hoặc bị vắt cắn, nhưng với tất cả các sinh viên thì “càng mệt càng thấy phấn khích hơn, muốn thấy voọc là khổ phải như ri nè”.
Hành trình đến với những cơ hội
Có mặt trong chuyến đi với vai trò “đầu tàu”, Tiến sĩ Hà Thăng Long-Trưởng đại diện Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam-cho biết: Hội rất cần những cán bộ có kiến thức chuyên sâu về thú linh trưởng, mà sinh viên lại là nguồn lực quan trọng. Do vậy, từ năm 2008, Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam đã ký chương trình hợp tác với Đại học Sư phạm Đà Nẵng tập huấn kiến thức về bảo tồn thú linh trưởng và tổ chức những chuyến đi thực địa cho sinh viên. Kinh phí tổ chức chuyến đi, mời các chuyên gia nước ngoài giảng dạy đều được Hội tài trợ. Qua những chuyến đi này, sinh viên đã trưởng thành rất nhiều về tư tưởng, nhận thức, nhiều người đã trở thành cán bộ, chuyên gia nghiên cứu đắc lực của Hội.
Để được tham gia chuyến hành trình vất vả nhưng cũng đầy thú vị này, các sinh viên đã phải hoàn thành phiếu câu hỏi của ban tổ chức đưa ra, qua đó thể hiện khả năng hiểu biết cũng như sự quan tâm của mình về các loài động vật hoang dã, đặc biệt là công tác bảo tồn đối với thú linh trưởng. Theo sinh viên Ngô Quang Hợp, chuyến đi đã đáp ứng được mong muốn của bạn trẻ này trong việc trải nghiệm để biết thêm về sự đa dạng sinh học, thực hành những kỹ năng và sử dụng thiết bị đi rừng, cách quan sát các loài động-thực vật. “Các bạn trẻ nên mạnh dạn trải nghiệm, tìm kiếm cơ hội để có được những chuyến đi như thế này.
Khi ra trường những kinh nghiệm này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công việc nghiên cứu về sau”-Hợp chia sẻ. Riêng với Quỳnh Trang thì đó lại là một cảm xúc khác: “Cơ hội này không phải ai cũng có. Em đang học năm thứ 4 nên với em đây là cơ hội duy nhất. Những trải nghiệm thực tế như thế này giúp em định hướng rõ hơn về công việc của mình trong tương lai, đồng thời có cái nhìn sâu sắc hơn về môi trường, về bảo tồn các loài linh trưởng”.
Quan trọng hơn, theo Tiến sĩ Hà Thăng Long, sau khi kết thúc chuyến đi Hội còn hỗ trợ (5-7 triệu đồng) cho những nghiên cứu nhỏ của sinh viên; những đề tài nghiên cứu của sinh viên cao học có thể được hỗ trợ lên đến 100 triệu đồng. “Rất mừng là trong nhóm đi lần này xuất hiện nhiều ý tưởng nghiên cứu rất hay.
Nổi bật là dự án “Lịch xanh cho tương lai” của bạn Nguyễn Sang-sinh viên khoa Hóa; cụ thể là thiết kế lịch với hình ảnh và nội dung tuyên truyền về các loài động vật hoang dã, đặc biệt là voọc.
Đây là ý tưởng được bình chọn là hay nhất và khả thi nhất trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thú linh trưởng”-Tiến sĩ Long cho hay. Theo đó, bước đầu Hội Động vật học Frankfurt sẽ cho triển khai dự án này trong cộng đồng sinh viên và giáo viên các trường đại học, cao đẳng ở Đà Nẵng vào đầu năm 2014; tiếp đó sẽ triển khai làm lịch phát miễn phí cho cộng đồng người Bahnar ở huyện Mang Yang.
Khám phá, bổ sung kiến thức, trau dồi kỹ năng sống và kỹ năng làm việc nhóm-đó là những gì mà chuyến đi mang lại cho sinh viên thông qua hành trình trải nghiệm thực tế. Tin rằng, từ đây, một lớp cán bộ nghiên cứu trẻ kế cận sẽ tiếp tục góp sức trong công tác bảo tồn loài linh trưởng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Minh Triều