Trải nghiệm trên đỉnh Chư Nâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày đầu năm Nhâm Dần, chúng tôi có chuyến dã ngoại chinh phục đỉnh Chư Nâm (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Với độ cao 1.472 m, Chư Nâm sừng sững bên cạnh ngọn núi lửa Chư Đang Ya nổi tiếng.
Cứ mỗi lần đến Chư Đang Ya với ngút mắt khoai lang mật, hoa dong riềng và rực rỡ dã quỳ vào ngày sang mùa đổi gió, tôi lại ước ao một lần chinh phục đỉnh Chư Nâm cao sừng sững bên cạnh. Vì leo núi là môn thể thao mạo hiểm, cần sức khỏe, người dẫn đường, tinh thần đồng đội và thời gian nên phải đợi đến dịp Tết Nhâm Dần, chúng tôi mới sắp xếp được thời gian để thực hiện. Hiện nay, có công ty du lịch tổ chức tour trekking qua đêm để ngắm bình minh, hoàng hôn, khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày của Chư Nâm. Họ còn cắm trại qua đêm để du khách có thể thưởng thức một bữa tiệc BBQ kết hợp lửa trại trên đỉnh núi cao gần 1.500 m. Tuy nhiên, vì điều kiện con nhỏ nên chúng tôi rất lưỡng lự. Vậy nên, khi các gia đình đồng cảnh ngộ rủ nhau chinh phục đỉnh Chư Nâm với thời gian đi và về trong ngày, chúng tôi đã tham gia ngay.
7 giờ sáng, nhóm chúng tôi xuất phát ở chân đập Tân Sơn. Mùa này, hồ thủy lợi Tân Sơn có màu xanh thẫm, nước cạn bớt để lộ những vệt cát trắng phía dưới hàng thông già. Xa xa, có 2 chiếc lều của nhóm nào đó cắm trại qua đêm ở bãi bồi Tân Sơn. Họ đã thức dậy đun nấu bữa sáng. Những sợi khói mảnh bay lên từ phía lều, mùi cà phê phảng phất hòa quyện với sương mai tinh khiết. Hương thông, cây rừng hòa với mùi hoa cà phê thấp thoáng phía chân đập. Nắng mai vàng nhẹ giúp chúng tôi đoán định hôm nay thời tiết rất phù hợp cho việc leo núi.
Cờ Tổ quốc được du khách mang theo để tung bay trên đỉnh Chư Nâm ngày đầu năm. Ảnh: Minh Uyên
Cờ Tổ quốc được du khách mang theo khi lên đỉnh Chư Nâm ngày đầu năm. Ảnh: Minh Uyên
Có nhiều cung đường để chinh phục đỉnh Chư Nâm nhưng đoàn chúng tôi chọn cung Tân Sơn để leo lên vì dù có dài hơn một xíu nhưng đường đi ít dốc và nhiều cây xanh. Trong 20 thành viên của đoàn thì người lớn nhất đã 71 tuổi và em bé gái nhỏ nhất mới học lớp 2. Chúng tôi bố trí người thạo đường dẫn đầu, ở giữa là người khỏe kèm những người yếu hơn. Còn vợ chồng tôi sẽ khóa đuôi để tránh trường hợp có người bị tụt lại phía sau. Khi hòa mình vào một tập thể đoàn kết, chinh phục một đỉnh núi cao và phải tự chuẩn bị mọi thứ, bạn sẽ cảm nhận rõ trách nhiệm trong công việc và niềm vui của mình. Đó là điều mà những chuyến đi tự túc sẽ mang lại thay vì mua tour của các công ty lữ hành chuyên nghiệp, khi bạn dùng dịch vụ sẽ có người mang đồ, được mua bảo hiểm và bạn chỉ việc đi lên núi rồi đi xuống. Dù khỏe hơn nhưng không có niềm vui về tinh thần đồng đội, khả năng phán xét tình huống và hỗ trợ đội nhóm. Bù lại, việc tự tổ chức chuyến đi sẽ khiến bạn phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, phải tự mang vác hành lý, nước uống, đồ ăn nhẹ và các đồ dùng thiết yếu khác.
Có những người trong đoàn đã trekking Chư Nâm gần 10 lần nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Mặt khác, vì đã được báo trước về những khó khăn khi có những cung đường nghiêng dốc 60 độ nên mỗi cá nhân cũng tự chuẩn bị giày có đế gai giúp bám chắc, tránh trơn trượt, áo dài tay để bảo vệ khỏi gai cào xước, mũ rộng vành, kem chống nắng, một số loại thuốc thiết yếu và vài phụ kiện để phục vụ cho việc check-in, sống ảo…
Chúng tôi mất hơn 3 giờ đồng hồ với gần 10.000 bước chân, theo dấu của một nhóm người đi trước đã đánh lên cây để lên đến đỉnh Chư Nâm. Một nhóm bạn trẻ người Pleiku đã đánh dấu lên cây dọc lối đi thành những bảng tên màu đỏ giúp những người yêu núi, thích tự trải nghiệm có thể tự đi. Các bạn cho biết, vào mùa mưa, họ còn cõng cây trồng trên núi để Chư Nâm có thể xanh hơn trong một ngày gần nhất. Chúng tôi tạm dừng ở quãng giữa của chặng đường, ngoái nhìn lại sau lưng là hồ nước Tân Sơn bé dần, xanh như ngọc nằm gọn lỏn dưới tán thông già. Lội qua con suối nhỏ trong vắt, nước chảy ra từ khe đá trên núi khiến bàn chân như được mát xa tê dại khi cởi tất đi trong cát. Nghỉ ngơi ăn nhẹ dưới tán thông với những con ong vàng rù rì lạ mắt bay quanh. Càng lên cao, du khách bắt đầu sẽ thấy mát mẻ hơn nhưng có cảm giác tai hơi ù nhẹ. Khi vạt hoa mua hiện ra là đỉnh núi đã chờn vờn mây trôi trước mặt. Từ đây đi thêm một lúc sẽ bắt đầu có những địa điểm giúp tha hồ check-in, sống ảo.
Chúng tôi bám nhau, níu vào cây rừng rồi cũng lên đến đỉnh Chư Nâm. Gió thổi nhiều hơn và mây thấp thoáng chờn vờn trên đỉnh đầu. Cái lạnh của mây, tôi đã từng chạm đến khi ghé Sa Pa hơn 10 năm trước và bây giờ mới có dịp gặp lại. Ngồi bệt xuống đám cỏ dại kiên trì bám núi với gió sương trên cao, tôi đưa mắt nhìn một vòng xung quanh. Phía sau lưng tôi là khoảnh rừng còn lại với những tàng cây cổ thụ xanh thẫm, xa xa là lòng hồ thủy điện Ia Ly như chảo nước khổng lồ. Trước mặt là núi lửa Chư Đang Ya xinh xắn với 2 lòng chảo đang vào mùa gieo trồng, những khoảng đất lấm tấm xanh bên cạnh hàng rào dã quỳ. Những ngôi nhà sàn của dân làng Ia Gri nằm nem nép bên những cung đường ngang dọc. Những vệt khói bay lên từ đỉnh núi bên cạnh, xa hơn nữa là dãy Kon Ka Kinh xanh thẫm lờ mờ trong mây. Cánh đồng Ngô Sơn xếp những mảnh ghép đang vào mùa gieo sạ loang loáng nước với những đám mạ thấp thoáng màu cốm non. Thành phố Pleiku của tôi chỉ còn lại những chấm trắng phía sau hồ nước lớn Biển Hồ. Ở phía ấy có chân trời với những đám mây sà vào thật thấp. Khoảng cách xa khiến trời đất cỏ cây mây núi như hòa vào làm một, như rất gần với nhau. Gió thổi mỗi lúc càng mạnh để lùa tóc những cô gái tung bay. Tôi đứng lặng rất lâu trước cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, tuyệt đẹp.
Chúng tôi đều tự nhắc nhau phải giữ vệ sinh môi trường, cho nơi đã từng ghi dấu hơi thở và dấu chân của mình bởi lẽ tôi sẽ còn quay lại Chư Nâm cùng những người bạn mới vào một ngày khác, khi đến mùa săn mây hoặc khi đám hoa mua phía bên dưới nở một rừng tím rịm. Chúng tôi phải quay về khi lòng mình còn chưa muốn rời đi dù đã chụp vài trăm bức ảnh.
MINH UYÊN

Có thể bạn quan tâm