Phóng sự - Ký sự

Trăm năm ai nhớ bóng Dinh xưa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Cựu đô” Thanh Chiêm, một trong những chiếc nôi khai sinh “tiếng nước tôi”, khởi nguồn cho khát vọng tự do, canh tân trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, mấy ai còn nhớ?

Đình làng Thanh Chiêm được cho là đã xây dựng trên nền hành cung của dinh trấn Thanh Chiêm.
Đình làng Thanh Chiêm được cho là đã xây dựng trên nền hành cung của dinh trấn Thanh Chiêm.
Dấu xưa dinh trấn
Thời gian như nhát rìu oan nghiệt, lụi tàn không biết bao nhiêu nền văn minh trên những bến sông. Mọi vết tích của nhiều cung điện được cho là nguy nga tráng lệ của thành Troy qua thời Alexander đại đế đã không còn và đô thị Babylon kiêu hãnh trời Âu, một thời bá chủ thế giới đã bị chôn vùi dưới tầng cát bụi sau nhiều thế kỷ. “Cựu đô” Thanh Chiêm (không biết lụi tàn bao giờ) cũng không ngoại lệ!
J. Barrow ghi trong cuốn “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793” (NXB Thế giới, năm 2011) về sự thất vọng khi chỉ nhìn thấy một ít làng mạc nơi xưa kia từng nổi tiếng giao thương, buôn bán giữa Quảng Nam quốc với Trung Hoa, Nhật Bản.
“Qua cơn binh lửa của những cuộc nổi dậy, vùng đất này đã hứng chịu nhiều tàn phá. Những đống đổ nát của những tòa nhà, mặt đất gồ ghề, chứng tỏ trước đây ở đó đã tồn tại những thành quách, đồn lũy. Tất cả giờ đây đã trở nên hoang phế không còn để lại dấu tích gì của sự trù phú trước đây hoặc gợi cho chúng ta ấn tượng về một cảnh huy hoàng đã tàn lụi” – J. Barrow viết.
Không hình dung nổi trên mặt đất giờ chỉ còn lại những bờ thành hoặc mảnh vụn chìm sâu dưới đất hay những phế tích nằm im dưới những ngôi nhà, trường học... đã từng xuất hiện một kinh thành (năm Nhâm Dần 1602).
Những địa danh dinh thự (hành cung), thành Vệ, chợ Củi, kho muối, tàu tượng, mô súng, nhà lao, vọng khuyết, gò Sài, gò Đinh, Văn miếu... vẫn còn trong trí nhớ dân địa phương. Xen lẫn với sự ngạc nhiên về lối kiến trúc làng không giống bất cứ vùng đất nào quanh đây khi vẫn còn những lối đi lát gạch, các hào nước chạy quanh làng...
Nhìn những con lạch nhỏ lờ đờ nước chảy, những chi lưu Thu Bồn cạn nước, không thể tưởng tượng nổi xưa kia từng là “căn cứ” của thủy quân hùng mạnh, từng đánh tan hạm đội Hà Lan năm 1644. Không thể tin được nơi cơ sở hậu cần vững chãi nhất Đàng Trong, giữ vai trò bàn đạp, mở cõi về phương Nam.
Nhiều hội thảo đã mở để định danh về một dinh trấn xưa cũ. Những người chép sử làng như Đinh Bá Truyền, Đinh Trọng Tuyên hay Dương Ngọc Tiễn đã dày công nghiên cứu về vùng đất, làng nghề lưu lại cho hậu thế.
Nhà thờ Phước Kiều, đền thánh Andre Phú Yên “tuẫn đạo”, đình làng Thanh Chiêm, ngôi mộ của các giáo sĩ, hay 10 phế tích khác còn sót lại trên đất này đã được người đời biết đến.
Ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nói trao bằng công nhận di tích quốc gia dinh trấn Thanh Chiêm là sự khẳng định vai trò, vị trí, giá trị văn hóa, lịch sử của di tích này, là sự tôn vinh giá trị chữ Quốc ngữ.
Khát vọng tương lai
Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc nói đã quy hoạch 12.000m2 tái hiện một khoảng không gian khu vực hành cung dinh trấn xưa, trưng bày hiện vật, tư liệu về quá trình hình thành chữ Quốc ngữ và dựng tượng đài tôn vinh chữ Quốc ngữ.

Đền Thánh Andre Phú Yên và những ngôi mộ cổ còn sót lại được ghi nhận là nơi các giáo sĩ truyền đạo và cũng là nơi khai sinh chữ Quốc ngữ.
Đền Thánh Andre Phú Yên và những ngôi mộ cổ còn sót lại được ghi nhận là nơi các giáo sĩ truyền đạo và cũng là nơi khai sinh chữ Quốc ngữ.
420 năm đã đi qua, dinh trấn vẫn là biểu tượng văn hóa không thể phai mờ. Không chỉ “đất tốt, dân đông, sản vật giàu có” như "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn từng ghi để Đoan quốc công Nguyễn Hoàng chọn đất này xây dinh trấn.
Mà chính là khát vọng tự do của cha ông, thoát khỏi phía Bắc tôn sùng Hán ngữ, Nho học, bao bọc mọi xu hướng thời đại, để nhìn thấy văn minh, mở rộng tay với tất cả, từ tôn giáo, văn hóa và giao thương, dựng Quốc ngữ cho người Việt hôm nay. Ý nghĩa này có gợi gì trong tâm thức người Quảng hôm nay?
Quỹ tôn vinh chữ Quốc ngữ của GS. Nguyễn Đăng Hưng đang kêu gọi kinh phí để đầu tư xây dựng nơi tôn vinh chữ Quốc ngữ trong dinh trấn Thanh Chiêm. Nhà báo Trà Quốc Khanh nói dự án đầu tư một khu du lịch văn hóa Công viên chữ Quốc ngữ và ký ức Thành Chiêm (nhóm khác GS. Nguyễn Đăng Hưng) lẽ ra đã hình thành, nhưng thất bại vì thiếu tiềm lực tài chính. Nhóm nghiên cứu này đang tìm một đối tác khác có đủ sức mạnh về tài chính và yêu Quốc ngữ để thực hiện ý tưởng này.
Sông xưa còn mất...
Những tiếng trống tuồng trên mảnh đất An Quán, gắn tên tuổi “thầy tuồng” Nguyễn Hiển Dĩnh, trở thành chiếc nôi nghệ thuật tuồng Quảng Nam đã sống lại cả xác, hồn nơi phố cổ. Món “bê thui” lừng danh bày biện dọc đường thiên lý Bắc – Nam, món mỳ Quảng Phú Chiêm vẫn giữ lại chút hương vị nguyên thủy của món mỳ Quảng xưa đã làm nên hồn phách ẩm thực địa phương.

Trên mặt đất kinh thành xưa giờ chỉ còn những ngôi đình, chùa cổ, những con đường lát đá men theo hồ nước quanh làng, những dòng sông cạn nước...
Trên mặt đất kinh thành xưa giờ chỉ còn những ngôi đình, chùa cổ, những con đường lát đá men theo hồ nước quanh làng, những dòng sông cạn nước...
Đúc đồng Phước Kiều từng được J. Barrow ngợi khen về độ tinh xảo trong chế tác kim loại giờ vẫn còn những cô gái ẩn đôi mắt sau vuông vải nhẹ nhàng đẩy ống thụt bể lò rèn đượm lửa.
Người làng nói có thể dễ dàng dùng những “bể khò hiện đại”, nhóm lửa đúc đồng hay chế tác sản phẩm, nhưng bảo tàng làng đúc vẫn giữ nguyên vốn cũ vài ống thụt lửa lò bằng tay còn sót lại của làng nghề hơn 400 năm tuổi. Đó chính là sức sống của những tinh hoa một vương triều sau hàng trăm năm...
Các nhà nghiên cứu chữ Quốc ngữ, các linh mục Công giáo từng ao ước có một bảo tàng chữ Quốc ngữ với tên tuổi giáo sĩ phương Tây, người Việt “xiển dương, quang đại” chữ Quốc ngữ bao giờ có được? Còn “Trấn giàu trong xứ, phần nhiều sản vật quý đều do đất ấy sản xuất, nên dễ tập hợp những sản vật mà thuyền buôn ngoại quốc cần dùng”.
Những ghi chú “Thương nhân từ Quảng Châu đến trấn Sơn Nam (Nam Định) chỉ mua được củ nâu. Thuyền Thuận Hóa về chỉ mua được 1 món là hạt tiêu còn thuyền từ Quảng Nam về thì trăm hóa vật không món gì không có, các phiên bang không nước nào sánh kịp” (Phan Khoang – "Việt sử xứ Đàng trong", NXB Văn học năm 2010 dẫn "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn) bao giờ tái hiện?
 Kinh thành, dinh trấn hay vương triều phong kiến đã mất. Hưng thịnh, suy vong của một triều đại là lẽ thường. Dòng đại giang thủy Thu Bồn sau mấy trăm năm cũng đã chuyển dòng từ sông Bà Rén sang dòng hiện tại.
Cồn Thu – rẻo đất nhỏ giữa sông Chợ Củi cho những chữ vỡ lòng, đạo đức, lịch sử nước nhà qua "Quốc văn giáo khoa thư" và "Luân lý giáo khoa thư" (hai bộ sách tiếng Việt đầu tiên), sau mấy đời người đã lặn mất xuống dòng sông sâu. Lịch sử giữ lại điều gì, cho bài học gì, tùy vào khối óc và bàn tay của những thế hệ hiện tồn trên chính vùng đất này...
Theo Nam Kha (Báo Quảng Nam)

Có thể bạn quan tâm