Phóng sự - Ký sự

'Trạm sạc tinh thần' để những vết thương lành qua thư tay ngay trung tâm TP.HCM

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ lá thư mà Tổng thống thứ 16 của Mỹ, Abraham Lincoln, gửi cho bà Lydia Bixby - người được cho là đã mất 5 người con trai trong cuộc Nội chiến Mỹ, vào ngày 21.11.1864.

Trong lá thư, có đoạn ông đồng cảm với nỗi đau của một người mẹ: "Tôi cầu nguyện Thiên Chúa sẽ làm dịu nỗi đau mất mát của bà và chỉ để lại cho bà ký ức tươi đẹp về những người thân yêu đã ra đi, cùng với niềm tự hào thiêng liêng rằng bà đã dâng lên bàn thờ Tự do một sự hy sinh cao quý đến vậy".

Triết gia và nhà hoạt động nữ quyền Pháp Simone de Beauvoir thường viết thư cho người bạn đời là Jean-Paul Sartre. Trong quyển "Letters to Sartre", có thể thấy được những chiêm nghiệm về chủ nghĩa hiện sinh và bản chất của sự tồn tại mà cả bà và Satre đều tán thành: dù thế giới có hỗn loạn thế nào thì các cá nhân có thể và phải tạo ra ý nghĩa cho chính mình.

Đó là ở những đất nước xa xôi. Ở Việt Nam, vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh nổi tiếng với những lá thư tay đầy cảm xúc, trăn trở về cuộc sống.

Nhưng đâu chỉ có những người làm chuyên về chữ nghĩa hay các nhà tư tưởng lớn mới tìm đến thư tay như món ăn tinh thần để sẻ chia thông điệp. Những lá thư tay luôn cho thấy nhiều khía cạnh sâu sắc về tâm hồn và đôi khi nó giúp cho người viết hoặc người nhận có động lực sống tiếp.

Rồi khi internet và hằng hà các ứng dụng nhắn tin, gọi điện xuất hiện, người ta cũng quên mất những lá thư tay. Thế nên khi biết một quán cà phê được mở ra với ý định ban đầu không phải kinh doanh thức uống mà là hướng định mình thành "trạm sạc tinh thần" để những vết thương lành qua thư tay, thì chúng tôi đã rất ngạc nhiên.

Hai lá thư tay được Trạm lưu giữ

Hai lá thư tay được Trạm lưu giữ

Từ mong muốn được chữa lành

Nguyễn Vũ Mỹ Hạnh (30 tuổi, quê Long An) mở ra quán cafe này. Hạnh từng viết những đoạn tản văn nhỏ về ký ức của cô thời tuổi thơ, những dòng sông quê, nỗi cô đơn của người trẻ từ tỉnh lẻ lúc mới lên chốn thị thành… Và Hạnh viết rất hay, dù cô không phải là dân chuyên về văn chương.

Quán cà phê của Hạnh tên "Trạm ôm một cái" (mà khách quen gọi là Trạm) nằm ở một chung cư cũ tại Q.1, TP.HCM. Bước vào rồi, gọi một "bút mực tím", "giấy thư nâu" hay "phong thư hồng"... là những thức uống lấy cảm hứng từ dụng cụ viết thư tay, nhâm nhi, nghe thêm những bài nhạc đồng quê, cảm tưởng rằng bộn bề của mình đã tạm gác lại. Cho dù có phải kiếm nơi để làm việc thì đến không gian này, người khách sau khi nghe mật khẩu wifi là "cho ôm cái nha viết liền không dấu" thì cũng khó lòng mở laptop được.

Nguyễn Vũ Mỹ Hạnh

Nguyễn Vũ Mỹ Hạnh

Khai trương tháng 10.2023 và ăn "đầy tháng" vào cuối tháng 11, Trạm đã đón nhận hơn 500 lá thư. Nói cách khác, mỗi ngày đều có 16 - 17 lá thư tay được viết ra, "lên dây cót" tinh thần cho bao nhiêu người khách lạ.

Mỹ Hạnh chưa từng hình dung diện mạo hiện tại của Trạm. Sau dịch Covid-19, cô đẩy xe bán hoa "chia sẻ" đồng giá 10.000 đồng/cành, đặt ở những góc đường rợp bóng cây. Người đến mua hoa có thể viết vài dòng cho người đến sau. Trên chiếc xe đầy hoa, có bảng gỗ ghi: "Hôm nay nếu vui bạn ghé Trạm viết lại vài điều, còn nếu buồn hãy nhận một nhành hoa, rồi tụi mình ôm nhau một cái".

Cảm thấy việc bán hoa ngoài trời không tiện lợi, Hạnh tìm chỗ mát mẻ để trữ, bảo quản hoa. Dần dà, Hạnh nghĩ tới chuyện kiếm mặt bằng, bán cà phê.

Nhưng Trạm ra đời không phải chỉ vì lý do kiếm tiền thuần túy. Khởi nguồn là người có nền tảng marketing, từng đi làm ở nhiều nơi với mức lương 40 - 50 triệu đồng/tháng, nên với Hạnh, việc đến với mô hình chia sẻ thư tay này là xuất phát từ chính mong muốn được chữa lành và kết nối của cá nhân cô.

Khu vực dành cho khách ngồi viết thư có bảng hướng dẫn chi tiết treo tường

Khu vực dành cho khách ngồi viết thư có bảng hướng dẫn chi tiết treo tường

30 tuổi nhưng đời Hạnh từng đi qua nhiều biến cố. Cô chia sẻ áp lực không được thất bại từ khi còn nhỏ. Cô cũng nói luôn về những đổ vỡ trong cuộc hôn nhân chóng vánh. Cô từng sống trong cảnh không xu dính túi khi dốc hết tiền tiết kiệm để xây Trạm và đi qua những đêm dài như một "start-up" thường làm để nuôi nấng một ý tưởng tinh thần thành hiện thực. Và cô cũng từng trải qua những lần bị xung đột giá trị chỉ vì khách tới quán… đông quá.

"Lúc mới mở, có lúc khách đông, ngồi hết 9 bàn mà chỉ có 2 bạn viết thư, phần còn lại chỉ ngồi nói chuyện, lấy laptop ra làm việc. Tự nhiên mình khóc tỉnh bơ, mình nhận ra là cái mình muốn không phải là quán đông nghẹt người mà là tạo ra nơi an toàn để ai cũng có thể viết thư cho nhau, giải tỏa được bế tắc của bản thân", cô kể lại.

Vậy là Hạnh quyết định tạm dừng bán quán để đi… chiêm nghiệm. Cô từ từ chấp nhận chuyện quán cần có doanh thu để tồn tại. "Cơm áo không đùa với khách thơ" là vậy. Nhưng lạ là khi cô bắt đầu chấp nhận chuyện kinh doanh thì cũng là lúc cô cũng cảm thấy "vũ trụ" đang bắt đầu ủng hộ con đường của mình.

Khách đến viết, đọc thư

Khách đến viết, đọc thư

Mặc dù bây giờ có tháng cô vẫn đang "gồng lỗ", nhưng tới không gian 60 m2 của Hạnh thì người ta thấy là nơi này đang "được nuôi dưỡng tốt". Có bàn ghế dễ ngồi. Có không gian rất thiêng liêng để vị khách ngồi xuống, ôm ấp những nỗi đau và viết vài dòng thư tự gửi cho mình hoặc là người khác. Có luôn không gian tầng trên cho người thích nằm dài đọc sách và một tầng khác cho khách khứa tới giao lưu văn thơ, âm nhạc.

Với Hạnh, mỗi lá thư tay là cơ hội để nhìn lại các cột mốc trong cuộc sống. Cô hy vọng mọi người không quên những nỗi đau đã trải qua, mà thay vào đó, có thể tìm được sự đồng hành trên con đường đầy thách thức.

Có được sự đồng hành trong một hành tinh cô đơn

Có lẽ vì trân trọng quá khứ mà Hạnh giữ lại tất cả những lá thư mà người nhận không mang về. Khách viết thư xong sẽ nhận một mã thư qua hệ thống CRM (hệ thống quản lý quan hệ khách hàng - một thuật ngữ trong ngành marketing), ví dụ MH123456, giúp lưu trữ và gửi thư cho đúng người nhận.

Bức tường lưu giữ những lá thư người nhận không mang về

Bức tường lưu giữ những lá thư người nhận không mang về

Anh Đặng Huy Tâm (30 tuổi) cho biết thường xuyên lui tới Trạm từ đầu tháng 1.2024 để viết thư và điều bất ngờ là nhờ những giờ ngồi tự sự, anh tìm lại được một người bạn cũ.

"Thật kỳ lạ khi mình nhận ra bạn nhờ nét chữ và câu chuyện trong lá thư. Lúc đó, mình mới nhận ra sự kỳ diệu của thư tay. Nó kết nối con người với nhau qua những tình cảm thuần khiết và trong sáng", anh Tâm nói và chia sẻ thêm: "Mình có chút chạnh lòng vì thư tay không còn phổ biến và mô hình như Trạm thật sự hiếm. AI có thể chơi piano không sai nốt nhạc nào nhưng không thể có hồn bằng nghệ sĩ vì họ biết cách xử lý nhịp, phách cá tính hơn. Tương tự, viết thư có chút gì đó ‘người’ hơn nhờ nét chữ".

Chuẩn bị tốt nghiệp văn bằng 2 ngành tâm lý học, anh Tâm càng hiểu rõ tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần: "Tôi cũng là người trẻ và tôi thấy rằng đa phần người trẻ bây giờ bắt đầu đóng cõi lòng mình với thế giới vì sợ bị phán xét. Viết thư ở Trạm, đâu có nhận hồi âm chỉ trích là "bạn xấu quá, tệ quá" như mạng xã hội. Trạm với tôi là một nơi an toàn để giãi bày, nương tựa, xoa dịu tâm hồn".

Các bước viết thư ở Trạm

Các bước viết thư ở Trạm

Chị P.T.N (29 tuổi, quê Khánh Hòa) đã biết đến quán ngay từ lúc Trạm mới mở hồi năm 2023. Đến quán, N. chọn ngay combo nước và 3 lá thư. Trong bức thư đầu tiên, chị than thở về công việc không vui vẻ và bày tỏ ý định nghỉ việc. Sau một tuần, chị được thông báo rằng có người đã viết thư đáp lại.

"Người phúc đáp đồng cảm và chia sẻ câu chuyện của họ. Đọc thư mà tôi thấy vui lắm, vì có người lắng nghe và hồi đáp những tâm sự tưởng chừng vô nghĩa của mình. Chúng tôi chúc nhau năm mới vui vẻ và động viên nhau tiếp tục hành trình", N. kể lại.

Lần tiếp theo, N. cũng viết tiếp một bức thư mới, nói về những nỗi buồn mà cô chưa thể nguôi ngoai. "Khi còn là học sinh, tôi lần lượt chứng kiến cảnh ba và mẹ mình qua đời", N. nói. Khi bắt đầu vào guồng quay cuộc sống thị thành, cô càng thấy cô đơn hơn khi mỗi ngày cứ lầm lũi đi đi về về, buồn vui không biết chia sẻ cùng ai. Những lúc nhớ lại quãng thời gian hạnh phúc bên gia đình, cô bật khóc.

N. cũng đã có thư hồi âm và người phúc đáp đã an ủi cô, viết cho cô những dòng thư thật dài… N. nhớ người bạn ẩn danh ấy đã nói viết: "Ba mẹ sẽ rất tự hào về bạn vì bạn đã luôn kiên cường". Những lời này khiến chị N. cảm thấy được xoa dịu, vì giữa "hành tinh cô đơn" này, cô vẫn có ai đó sẵn sàng chấp nhận nỗi buồn của mình một cách vô điều kiện.

Các món đồ được gửi lại trao đổi tại sự kiện "Chợ phiên kỷ niệm" của Trạm

Các món đồ được gửi lại trao đổi tại sự kiện "Chợ phiên kỷ niệm" của Trạm

Khi đọc được những dòng chia sẻ riêng tư của khách trong sổ tay của Trạm, bà chủ Mỹ Hạnh thấy con đường mình đi đang đúng hướng. Cô đang nghĩ đến việc học thêm ngành xã hội học để thực hiện nhiều dự án khác liên quan đến thư tay và văn hóa, tạo ra những không gian mà người trẻ, hay bất cứ ai, đều cảm thấy an toàn, không phải e ngại khi đối diện với thất bại hay nỗi đau trong cuộc sống.

Theo Phạm Thu Ngân - Mỹ Diệp (TNO)

Có thể bạn quan tâm