Phóng sự - Ký sự

Trắng đêm ở cao nguyên Kon Hà Nừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vượt gần 20 cây số đường rừng để vào lõi Cao nguyên Kon Hà Nừng (Kon Chư Răng, xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) chúng tôi dựng trại bên bờ thác K50, tách biệt chốn thành thị ồn ã. Bên ánh lửa ấm áp, nơi đây chỉ có tiếng suối reo và câu chuyện giữ rừng của người Ba Na.

Ngọc quý Kon Hà Nừng

Hơn một năm trước, UNESCO công nhận Cao nguyên Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cao nguyên này có tổng diện tích 413.511 ha, vùng lõi là Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nằm ở phía Đông Bắc cao nguyên Kon Hà Nừng, thuộc vùng thượng nguồn sông Kôn, có kiểu địa hình núi xen với cao nguyên, độ cao trung bình khoảng 900 - 1.000 m. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đang quản lý hơn 15.526 ha, trong đó hầu hết là rừng tự nhiên, đến nay đã ghi nhận 1.602 loài động thực vật và 66 loài vi nấm.

Từ thành phố Pleiku, chúng tôi phải di chuyển 140 cây số mới tới trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, ở xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai.

Đến nơi, ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn này cùng mọi người đã đợi từ lâu, cơm canh nguội lạnh. Ăn uống qua loa cho xong bữa trưa, ông Ty đốc thúc mọi người lên đường sớm kẻo trời trở tối, lạnh. Dù đã ngoài 60 nhưng ông Ty vẫn được mệnh danh là tay lái lụa với “xe chiến” để băng rừng.

Buổi sáng trời đổ mưa nên đường sình lầy, trơn trượt. Dốc núi hiểm trở vậy mà ông Ty vẫn bình tĩnh, điều khiển ô tô và trấn an: “Hồi mới về, anh em tôi phải đi bộ cả ngày qua rừng đầy vắt mới tới thác Hang Én, nằm mơ cũng không có con đường vào thác như hiện nay. Giờ sướng chán, chỉ cần vài chục phút là đến nơi”.

Thác K50. Ảnh: Phan Nguyên

Thác K50. Ảnh: Phan Nguyên

Dưới cánh rừng nguyên sinh, đoàn chúng tôi không thể đoán được giờ giấc, chỉ có tiếng thú rừng, hơi thở mát lạnh của thiên nhiên. Ông Ty đã gắn bó với tuyến đường này hơn 20 năm nên quen từng đoạn cua, mạch nước. “Giờ còn 5 cây số nữa phải tăng bo bằng xe máy, mọi người nhớ ôm chặt lái xe để thành một khối thống nhất, đoạn đường này vô cùng khó khăn. Sau đó chỉ cần đi bộ khoảng một cây số nữa là tới Hang Én”, ông Ty dặn.

Dưới chân thác Hang Én, ông Ty giới thiệu, Cao nguyên Kon Hà Nừng có vô số những “viên ngọc” lớn nhỏ là những thác nước hùng vỹ. Trong số ấy, dòng nước của suối Say (thượng nguồn sông Kôn) cùng rừng núi đã tạo ra Tơkơi Buk Jrai mà mọi người thường gọi là thác Hang Én, hay thác K50. Ông lý giải, sở dĩ có tên Hang Én vì từ trước tới nay có hàng trăm đôi chim én làm tổ ngay trong vách đá, chiều xuống bay lượn rợp cả một vùng trời.

Còn người Ba Na nơi đây lại gọi thác là Tơkơi Buk Jrai bởi “Tơkơi” nghĩa là thác, “Buk Jrai” là “Yàng Chim Én”. Thác cao 54m với cột nước thẳng đứng đổ xuống tạo hồ nước rộng khoảng 1 ha, sâu 50m. Thác trút nước, ánh nắng chiếu rọi nên quanh năm thác này đều có bảy sắc cầu vồng.

Ông Trịnh Viết Ty đã giữ rừng Kon Chư Răng hơn 20 năm.

Ông Trịnh Viết Ty đã giữ rừng Kon Chư Răng hơn 20 năm.

Theo ông Ty, Kon Chư Răng có ít nhất 12 thác nước, mỗi thác đều có một vị “Yàng” cai quản. Riêng K50 còn có sự tích về một truyền thuyết dưới chân thác có hồ nước sâu, có thần cá chình khổng lồ (Booc Chop) nên không ai dám đến gần nơi nước trút xuống.

Cả nghìn người giữ rừng

Đến bây giờ, bài toán giữ rừng với Gia Lai nói riêng vẫn chưa có lời giải. Hễ mất rừng lại đổ cho “lực lượng mỏng”, “lâm tặc lén lút vào phá”… Mọi cách để giữ rừng cũng đã được đưa ra, từ phạt hành chính đến khởi tố bắt giam, nổ súng nhưng rừng vẫn mất. Chuyện cánh rừng Kon Chư Răng được giữ vững chỉ với khoảng 27 viên chức khiến nhiều người tò mò.

Anh Đinh Văn Thiêng

Anh Đinh Văn Thiêng

Dò hỏi mới biết, yếu tố quan trọng nhất để rừng Kon Chư Răng còn nguyên vẹn là nhờ đồng bào Ba Na “đóng cửa rừng”. Mỗi làng vùng đệm đều có ít nhất một người làm việc cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Họ nhờ chính dân làng nơi mình sinh ra hỗ trợ, nắm thông tin. Nhờ vậy, hễ có người lạ đem cưa máy vào rừng sẽ được báo ngay.

Vừa dừng chân ở lán trại, anh Đinh Văn Thiêng (SN 1984, dân tộc Ba Na, làng Hà Lâm, xã Sơn Lang) đã mang chài ngược suối đánh cá. Anh Thiêng được mệnh danh là "người rừng" của Kon Chư Răng vì có thể sống cả tháng trong rừng chỉ với một con dao. Cột bao tải bên hông, anh Thiêng lội ra giữa dòng suối Say để quăng chài. Một giờ sau, "người rừng" quay về với đủ loại cá.

Chàng trai Ba Na chặt từng thanh củi để nhóm lửa. Mồ hôi đầm đìa để lộ ra từng múi cơ khoẻ mạnh. Anh chia sẻ, 10 năm trước ra trường với tấm bằng trung cấp ngành lâm nghiệp rồi được nhận làm ở Kon Chư Răng. Với người dân làng Hà Lâm, rừng là điều vô cùng thiêng liêng nên họ gửi gắm, đặt niềm tin giữ rừng cho anh Thiêng.

“Người Ba Na chỉ tin con cháu, người trong làng nên mình cần gì họ giúp hết sức. Đảm bảo với anh rằng, hễ có người lạ vào rừng là có người gọi báo mình ngay. Nếu cần thiết mình sẽ nhờ người quen đi theo vào tận rừng xem người đó làm gì”, anh Thiêng chia sẻ.

Ngồi bên cạnh anh Thiêng, ông Ty nhớ như in, năm 2005 khi mới nhận nhiệm vụ ở Kon Chư Răng chỉ có vỏn vẹn 6 người nên để giữ rừng được không phải dễ dàng. Ông nói, mới làm được gần một năm thì nhận được tin báo từ tỉnh bạn, có đoàn khoảng 100 người chuẩn bị đi từ Quảng Ngãi vào rừng Kon Chư Răng tìm gỗ sưa.

Tuy nhiên, trời mưa, gió bão, 30 cây số đường mòn, khó đi nên ông Ty đã nhờ người dân quen biết ở vùng giáp ranh với Quảng Ngãi, nhập đoàn người này để theo dõi, báo lại. Qua đó, biết được đoàn người này chỉ đi qua vùng ven rừng Kon Chư Răng để khai thác gỗ sưa ở xã Kroong. Lịch trình họ di chuyển đến đâu, ông Ty đều được báo lại để theo dõi, có phương án xử lý. Từ ấy, ông xác định, giữ rừng được phải nhờ dân. Hơn 20 năm gây dựng lòng tin, “tai mắt” của ông Ty đã phủ sóng hết các làng nơi cửa rừng.

Với ông Ty, người dân hay lâm tặc phá rừng vì thiếu công ăn việc làm, thiếu tiền. Bởi vậy chỉ cần tạo công ăn việc làm thì họ sẽ không vào phá nữa. Ngay cả lái xe hiện tại của ông Ty ngày xưa cũng là lâm tặc cộm cán. “Hồi ấy cậu ta nổi tiếng cứng đầu, phá rừng có tiếng.

Sau nhiều lần cảm hoá không được mình nghĩ ra cách nhận cậu ta về làm lái xe. Cũng chính cậu ấy là người tư vấn cho mình trong nhiều vụ truy trộm cây, tìm nhanh thủ phạm”, ông Ty kể. Từ những lần như thế ông Ty luôn tâm niệm rằng giữ rừng phải: “Chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Đối thoại sang đối tác”.

Ông Ty quan điểm, mất rừng hay không đều do người quản lý. Đặc biệt Kon Chư Răng giờ có thêm du lịch rồi lại càng khó mất vì người dân có thêm công ăn việc làm. Nhờ vậy mà 329 hộ dân và 18 cộng đồng ở 5 thôn làng vùng đệm đều được nhận khoán bảo vệ rừng quanh Kon Chư Răng với mỗi héc-ta (ha) 400 nghìn đồng.

“Giữ rừng phải gắn bó với dân chứ không chỉ là xử phạt, súng bắn đoàng đoàng đâu. Phải kết nghĩa để hướng dẫn, xuống tận nhà giúp các hộ dân xoá nghèo, làm giàu. Có tiền rồi ai người ta phá rừng nữa”, ông Ty nói xong nở nụ cười sảng khoái.

Có thể bạn quan tâm