Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng: Cơ hội thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 9-2021, cao nguyên Kon Hà Nừng vinh dự được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị mà khu dự trữ sinh quyển đem lại.

Cơ hội rộng mở

Sở hữu Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng là vinh dự rất lớn đối với Gia Lai. Đây không chỉ là sự khẳng định về đa dạng sinh học của các vùng lõi mà còn là chứng nhận của cộng đồng quốc tế đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cũng như sự đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Điều đó mở ra nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là 2 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng. Sự đa dạng sinh học bên trong những cánh rừng bạt ngàn sẽ là điểm thu hút hấp dẫn đối với các nhà khoa học. Sự độc đáo ấy là cơ hội khi hệ động-thực vật sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các tổ chức, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, làm tăng thêm giá trị cho khu dự trữ.

Thác 50. Ảnh: Phan Nguyên
Thác 50. Ảnh: Phan Nguyên


Ông Nguyễn Hồng Quân-Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng-cho hay: “Từ trước đến nay, Kon Chư Răng đã tiếp đón khá nhiều đoàn nghiên cứu khoa học đến tìm hiểu về hệ động-thực vật. Qua các hoạt động phối hợp hỗ trợ cho thăm dò, nghiên cứu, chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều kiến thức về bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học”. Còn theo ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, danh xưng Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ mở ra cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các đoàn nghiên cứu khoa học quốc tế. Các công trình nghiên cứu chuyên sâu, có quy mô sẽ góp phần khẳng định và nâng cao giá trị đa dạng sinh học của Kon Ka Kinh nói riêng, Kon Hà Nừng nói chung.

Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng là bức tranh thiên nhiên sống động với hệ thống suối, thác ghềnh đa dạng cùng nhiều loài động-thực vật đặc hữu, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đây là cơ hội cho ngành du lịch phát triển với loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm. Nổi tiếng với các địa danh như thác 50, Kon Bông, Kon Lốc, trại Bò, khoảng 3 năm nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được du khách đam mê loại hình du lịch sinh thái, trekking tìm đến. Những chuyến đi bộ, leo núi dưới tán rừng nguyên sinh, lội suối, băng qua vách núi để được ngắm nhìn sự kiến tạo kỳ vĩ của thiên nhiên khiến Kon Chư Răng trở thành địa điểm được các trang du lịch quảng bá, giới thiệu và nhiều du khách khắp nơi lựa chọn. Tương tự, vùng lõi Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận các cơ hội khi cao nguyên Kon Hà Nừng được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. “Hệ thống cảnh quan đẹp của Kon Ka Kinh nằm sâu trong những cánh rừng. Để vào đến đó, du khách phải có sức khỏe dẻo dai, có khả năng tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm. Việc phát triển du lịch ở các vùng lõi phải đảm bảo hài hòa với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên vốn có của khu dự trữ”-ông Thắng cho hay.

 Hệ động-thực vật đa dạng, phong phú là điểm nhấn đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng (ảnh tư liệu).
Hệ động-thực vật đa dạng, phong phú là điểm nhấn đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng (ảnh tư liệu).
Một đàn voọc chà vá chân xám ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Nguyễn Ái Tâm FZS
Một đàn voọc chà vá chân xám ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Nguyễn Ái Tâm FZS



Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-nhận định: “Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng mở ra cơ hội rất lớn, tạo điều kiện để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong cộng đồng dân cư ở vùng đệm, vùng chuyển tiếp như cồng chiêng, dệt thổ cẩm. Đặc biệt, cùng với Khu dự trữ sinh quyển, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, các di tích khảo cổ học ở khu vực phía Đông tỉnh cũng sẽ có cơ hội được quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn đến du khách, thu hút sự quan tâm tìm hiểu và đầu tư của cộng đồng quốc tế”.

Để Kon Hà Nừng là “phòng thí nghiệm sống”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên khẳng định: “Sau khi được công nhận, UBND tỉnh Gia Lai cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO nhằm đảm bảo các tiêu chí và chức năng của một khu dự trữ sinh quyển, biến Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học”. Dù vậy, đây cũng là thách thức rất lớn khi phải cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.

Ở lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-cho rằng: “Cơ hội cho ngành du lịch là rất lớn, song tất cả chỉ đang ở dạng tiềm năng. Phát triển du lịch ở Khu dự trữ sinh quyển đòi hỏi phải đáp ứng nhiều tiêu chí phù hợp với Luật Lâm nghiệp, các công ước quốc tế và tiêu chí của UNESCO, phải đảm bảo hài hòa, bền vững với môi trường. Do đó, chúng ta phải xác định việc đầu tư du lịch ở cấp độ nào, chọn loại hình nào cho phù hợp”. Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhìn nhận: “Giữa 2 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển vẫn chưa có sự liên kết với nhau. Cơ sở hạ tầng giao thông giữa 2 vùng lõi vẫn còn nhiều khó khăn”.

Du khách trải nghiệm tour du lịch sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Phan Nguyên
Du khách trải nghiệm tour du lịch sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Phan Nguyên


Để danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới thực sự phát huy giá trị, phát triển bền vững, việc cần làm trước tiên là tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Phải xác định việc phát triển đi liền với bảo tồn, bảo tồn là để phát triển bền vững. Ông Quân cho hay: “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như hỗ trợ sinh kế cho người dân, giao khoán quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con hiểu tác hại của phá rừng, của việc làm tổn hại đến hệ sinh học trong khu sinh quyển. Bên cạnh đó, tiếp tục tích cực phối hợp thực hiện công tác nghiên cứu nhằm bảo tồn các nguồn gen quý, hiếm”.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cùng với nâng cao nhận thức cho người dân, việc tuyên truyền, giới thiệu về Khu dự trữ sinh quyển cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa. “Chúng ta cũng cần tạo slogan và logo phục vụ cho công tác xúc tiến, quảng bá để Kon Hà Nừng thực sự là “phòng thí nghiệm sống”, là địa điểm học tập, nghiên cứu đối với các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên; mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển bền vững và là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế”-ông Hoàng nhấn mạnh.

 

 PHƯƠNG LINH

 

Có thể bạn quan tâm