(GLO)- Không múa lân, không trống hội, không tập trung rước đèn. Có lẽ đây là mùa Trung thu buồn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống ở vùng phong tỏa, giãn cách. Dù vậy, ánh trăng rằm và tình người luôn tỏa rạng, an ủi, bù đắp để các em vẫn được hồn nhiên mơ bóng chú Cuội-chị Hằng.
Trăng rằm tỏa muôn nơi
“Năm nay là Trung thu buồn nhất của các cháu vì không còn ba, không còn người gửi quà về và gọi điện hỏi han nữa. Nhưng may mắn là được huyện, thị trấn quan tâm, các cháu cũng được an ủi, bù đắp phần nào. Tôi biết ơn nhiều lắm!”-chị Nguyễn Thị Ánh (tổ 9, thị trấn Kbang) trầm giọng. Cách đây 3 tuần, chồng chị-anh Phạm Minh Hải (43 tuổi), công nhân làm việc tại tỉnh Bình Dương đã tử vong vì Covid-19, bỏ lại nơi quê nhà người vợ và 3 con nhỏ. Anh trở về trong một hũ sành đựng tro cốt. Mẹ con chị Ánh chỉ biết khóc ngất.
Con nhỏ, chi phí sinh hoạt, học hành ngày càng cao nên cách đây vài năm, anh Hải rời thị trấn Kbang vào Bình Dương tìm việc, chị Ánh ở nhà vừa chăm con, vừa làm công nhân xưởng gỗ. Lần gần nhất anh Hải về thăm nhà cũng đã nửa năm. Trước khi mất, anh còn gọi về bảo chắc mình không qua khỏi và dặn vợ gắng nuôi dạy các con.
Dù đang trong mùa dịch nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng lo cho con cháu một cái Tết Trung thu đủ đầy, ấm áp. Ảnh: Đức Thụy |
Trưa 16-9, ông Lê Duy Kiên-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kbang đã đến thăm hỏi, tặng quà bánh Trung thu và động viên gia đình. Ở tuổi còn vô tư, cháu lớn nhất học lớp 9, nhỏ nhất mới 5 tuổi, lũ trẻ dễ dàng được xoa dịu với những món quà và tình cảm yêu thương. Cháu Phạm Thanh Xuân (lớp 7) kể: “Ba rất gần gũi, thương yêu 3 chị em. Chúng con cảm ơn vì các cô, chú đến thăm, tặng quà”. Trước đó, MTTQ và các đoàn thể huyện, thị trấn cũng đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn cùng chị Ánh và các con. Một số nhà hảo tâm biết hoàn cảnh gia đình đã vận động hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng. Trung thu này, các cháu vắng cha nghĩa là mất đi một khoảng trời tuổi thơ, nhưng may mắn là cuộc sống không lạnh lùng khép cửa.
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho 27 em nhỏ mắc Covid-19. Riêng tại đơn vị có 11 cháu, hiện còn 3 cháu vẫn chưa được về với gia đình để đón Tết Trung thu. Mỗi chiều, từ phòng làm việc nhìn lên khu điều trị, dõi theo các cháu chơi đùa hay ngơ ngẩn nhìn ra ngoài qua khung cửa kính, bác sĩ Phúc thắt lòng: “Nhìn mấy đứa nhỏ thấy thương quá! Các cháu cũng như cháu con mình ở nhà. Vậy mà…”. Bằng tình thương yêu từ mẫu, ngày thường, ngoài nhiệm vụ điều trị, chăm sóc, y-bác sĩ nơi đây còn huy động sữa bột, bánh kẹo, đồ chơi cũ... tặng các cháu. Tết Trung thu, Bệnh viện vận động kinh phí để mua tặng bánh và đồ chơi, gấu bông cho các cháu. Đúng vào đêm trăng rằm, Bệnh viện sẽ bật thêm điện, đài phun nước trong sân để các bé cảm nhận một phần không khí rộn rã. “Dã chiến mà, chỉ có thể làm đơn giản vậy thôi”-bác sĩ Phúc nói.
Bày tỏ niềm xúc động khi con gái được tặng quà là 1 hộp bánh pía và chiếc lồng đèn, chị L.T.N.H.-phụ huynh cháu L.T.A.N. (SN 2012, trú tại tổ 5, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho hay: “Cháu vào điều trị ở đây từ ngày 26-8. Cứ tưởng năm nay vậy là không có Trung thu, không ngờ lại được quan tâm nhiều đến thế. Chúng tôi cảm ơn sự tận tình của các y-bác sĩ”.
Mang Trung thu đến với trẻ em nghèo
Nhằm đem Trung thu đến cho mọi trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi, khuyết tật…, những ngày qua, các tổ chức, cá nhân, đoàn thể ở khắp các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.
Krông Pa là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà Tết Trung thu cho trẻ em không được quan tâm đủ đầy. Ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Ngay từ đầu tháng 8, đơn vị đã xin chủ trương UBND huyện tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên huyện không tổ chức đón Tết Trung thu theo điểm mà phần nhiều là đến thăm, tặng quà. Ngoài 100 suất quà (300 ngàn đồng/suất) của tỉnh, huyện xuất kinh phí để tặng 285 suất quà (200 ngàn đồng/suất) cho trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn. “Những phần quà tuy giá trị không nhiều nhưng mang lại niềm vui, tiếng cười cho các em”-ông Hường nhấn mạnh.
Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tặng bánh và lồng đèn cho các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS Pleiku. Ảnh: Đinh Yến |
Trong danh sách thăm, tặng quà Trung thu đợt này của huyện Krông Pa, chúng tôi chú ý đến trường hợp 3 chị em Ksor Dân, Ksor H’Qua và Ksor Miu (tổ 7, thị trấn Phú Túc). Cha mẹ mất sớm vì bệnh tật, các cháu đang được dì nuôi dưỡng. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình dì khó khăn nên tổ chức Tết Trung thu cho các cháu là điều xa xỉ. Chị Ksor H’Beo-dì các cháu-chia sẻ: “Không có điều kiện tổ chức Trung thu cho các con, mình cũng thấy chạnh lòng lắm. May mắn là các con được bù đắp, ở trường có thầy cô quan tâm, về nhà có cán bộ đến tặng quà. Nhìn các con hạnh phúc, mình cũng vui theo”.
Huyện biên giới Đức Cơ cũng quan tâm chăm lo trẻ em trong mùa Trung thu đặc biệt này. Ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-thông tin: “Mấy ngày qua, chúng tôi phối hợp với Huyện Đoàn, Tỉnh Đoàn tặng hơn 1.000 phần quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... trong huyện. Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng tổ chức tặng hàng ngàn suất quà gồm bánh kẹo, lồng đèn và tiền để trẻ được đón Tết Trung thu đầy đủ, ý nghĩa”.
Hoạt động chăm lo Tết Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhận được sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội. Các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh như: Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, Làng trẻ em SOS Pleiku, Cô nhi cao Mai, chùa Bửu Châu là những nơi được nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tìm đến ủng hộ, thăm hỏi, tặng quà. Mọi hoạt động đều hướng tới mục tiêu mang đến cho các em một mùa Trung thu vui tươi, ấm áp nhưng vẫn đảm bảo các quy định phòng-chống dịch Covid-19.
|
ĐINH YẾN - PHƯƠNG DUYÊN