Không may mắn mất đi người thân vì Covid-19, nhiều đứa trẻ chưa thể chấp nhận nhưng vẫn phải tập quen với cuộc sống thiếu vắng đấng sinh thành.
Bố ơi, con nhớ bố quá!
Không kìm được nước mắt, chị Lê Thị Minh Mẫn (sinh năm 1981, ngụ đường Hoàng Hoa Thám, phường 5, quận Bình Thạnh) cho biết, chồng chị - anh M.H (sinh năm 1973) bị nhiễm Covid-19 nhưng do bản thân có bệnh nền nên đã không qua khỏi hồi tháng 7.
Hai con gái của chị, bé Minh Vy và Minh Anh đã rất sốc khi bố qua đời. Từ trước tới nay, bố và con gái luôn quấn quýt nhau như hình với bóng. Dù công việc bận rộn, nhưng chưa một ngày nào anh M.H vắng mặt trong gia đình. Vì thế, việc ra đi quá đột ngột của bố (chỉ trong vòng 5 ngày) khiến hai bé chưa thể nguôi ngoai và chấp nhận.
Hai chị em Minh Vy và Minh Anh động viên, bảo ban nhau học và tập làm việc nhà phụ giúp mẹ. Ảnh: Mỹ Quỳnh |
Chị Mẫn kể, tối 23/7, thấy chồng đau họng nên chị đã pha nước ấm với mật ong cho anh uống. Đến sáng 24/7, chồng chị nhập viện và test cho ra kết quả dương tính SARS-CoV2.
"Những ngày trong bệnh viện, ba bố con liên tục gọi điện cho nhau. Ngày 28/7, chồng tôi gọi face-time về cho hai con, cười nói vui vẻ với nhau. Lúc này, sức khỏe của anh vẫn rất tốt, không có dấu hiệu mệt mỏi gì. Trong cuộc gọi, hai con liên tục nói bố ơi, con nhớ bố quá, bố nhanh về với con. Thế mà đến sáng 29/7, bệnh viện thông báo anh qua đời... Tôi và hai con đều không ngờ đấy là cuộc gọi cuối cùng, câu nói cuối cùng hai con dành cho bố" - chị Mẫn gạt nước mắt nói.
Đại diện UBND phường 5, quận Bình Thạnh tới nhà thăm hỏi và tặng quà cho hai bé Minh Vy và Minh Anh. Ảnh: Mỹ Quỳnh |
Chị Mẫn cho biết, để giúp hai con nguôi ngoai, chị không nhắc đến sự ra đi của chồng. Đồng thời, những thước phim kỷ niệm của chồng bên các con chị cũng không dám mở ra xem. Ngoài ra, chị phải liên tục động viên, nhắc nhở các con học tập.
Hiện tại, hai bé đã tạm ổn và tập học cách quen với cuộc sống thiếu vắng bố. Chị hai (học lớp 8) cũng biết phụ mẹ nấu những bữa ăn đơn giản, còn em gái Minh Anh (lớp 5) thì tự lập hơn, mày mò lên YouTube để học thêm các kiến thức.
"Tôi luôn dặn các con, bây giờ không còn bố nữa thì ba mẹ con cùng cố gắng. Phải làm sao luôn chăm ngoan, học tốt như trước đây bố vẫn hay dặn dò, thậm chí phải tốt hơn để bố được yên tâm" - chị Mẫn nói.
Hoạt động chăm lo đời sống của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong mùa dịch Covid-19 được các đoàn thể, chính quyền đẩy mạnh. Ảnh: Mỹ Quỳnh |
Đây là chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp trẻ em tại TP.HCM bị mất đi người thân vì dịch Covid-19.
Nhiều chính sách xã hội cho trẻ mồ côi
Theo khảo sát của Sở GD&ĐT TP.HCM, toàn thành phố có 1.517 học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do dịch Covid-19.
Hiện tại, Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và các ban ngành, đoàn thể đã có các chính sách kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và chăm lo cho các em có người thân không may qua đời vì Covid-19.
Trong đó, Bộ LĐTBXH ban hành Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ cho trẻ em là con của sản phụ bị mắc Covid-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em; hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ hoặc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh triển khai chương trình chăm lo, tặng quà trung thu cho các em nhỏ trên địa bàn quận. |
Theo thông tin từ Sở LĐTBXH TP.HCM, trẻ em ở TP.HCM có cha mẹ qua đời vì Covid-19 sẽ được miễn giảm học phí, trợ cấp hàng tháng và tặng học bổng. Theo đó, căn cứ Nghị định 20/2021 của Chính phủ, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ thì được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi; (tương đương 900.000 đồng/trẻ em/tháng); hệ số 1,5 đối với trường hợp đủ 4 tuổi trở lên (tương đương 540.000 đồng/trẻ em/tháng).
Các trẻ em được cấp bảo hiểm y tế. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Nếu trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Ngoài ra, căn cứ theo Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2021/ NĐ-CP, trường hợp trẻ mồ côi cả cha và mẹ thì được đưa vào diện chăm sóc, nuôi thay thế. Cụ thể thay thế bởi ông, bà, cô, chú cậu, dì, người thân; Thay thể bởi cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phố; Thay thế cho nhận con nuôi; Thay thể bởi các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội.
Tại quận Bình Thạnh, ngoài công tác chăm lo đời sống, Phòng LĐ-TB-XH cũng đã phối họp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Mạnh Thường Quân để hỗ trợ cho mỗi trường hợp 5 triệu đồng. Được biết, toàn quận có 23 trẻ trong 15 hộ gia đình có cha hoặc mẹ qua đời vì Covid-19. Ngoài ra, có 2.264 trường hợp trẻ là F0.
(Còn nữa)
Theo Mỹ Quỳnh (Dân Việt)