Phóng sự - Ký sự

Trên cung đường biên giới - kỳ 3: Con đường Hạnh Phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi dám nói rằng đèo Mã Pi Lèng (cũng thường được viết là Mã Pí Lèng, Mã Pì Lèng) thuộc hàng đệ nhất hùng viu (view) của đất nước ta.

Du khách lên cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc mà không dừng ngắm cảnh ở đây nếu không vì đang quá vội thì chắc đầu óc đang mắc bận điều gì đó rất bất bình thường. Tôi đầu óc cơ bản là đang ở trạng thái bình thường nên có dừng lại khi đi qua đèo này chừng lúc gần 6 giờ sáng một ngày đầu tháng 8 âm năm nay. Đã dừng, đã đứng ngẩn ngơ nhìn những dãy núi trùng điệp chẳng biết kết thúc ở đâu đâu mà trên lưng chừng trên đỉnh hầu hết đều có mây mù trăng trắng dăng dăng, rồi nhìn sông Nho Quế nằm hút xuống chân vực khe núi hẹp, đủ xa sâu khiến dòng nước xanh ngắt lại và dường như không chảy. Tả cho hết cái cảnh đẹp ở đây thú thực là tôi chịu, lại đành mượn bút lực văn tài của một nhà văn danh tiếng đã dan díu sâu với đất này:

Tượng đài Thanh niên Xung phong xây dựng Con đường Hạnh phúc. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Tượng đài Thanh niên Xung phong xây dựng Con đường Hạnh phúc. Ảnh: Lê Xuân Sơn

“Mấy hôm sau tôi có dẫn Xuân Thiều lên thăm Mã Pi Lèng, ngọn đèo nổi tiếng chắn giữa Đồng Văn và Mèo Vạc. Có hai cách dịch chữ Mã Pi Lèng, tùy theo lối đọc nhấn mạnh hay nhẹ âm i ở chữ Pi: hoặc là sống mũi con ngựa, hoặc là tên một bộ phận khiến cho con ngựa cái được coi là ngựa cái.

Và bây giờ hãy vịn chắc tảng đá bên bờ vực này mà cố nhìn xuống con sông Nho Quế dưới kia. Hàng nghìn thước sâu có thừa. Ngọn núi lớn có lẽ từ hàng triệu năm trước, một hôm nào đó, đột ngột bị một nhát rìu khổng lồ chém đứt làm đôi, nhát chém dữ dội và sắc lẹm quá, cả trái núi đá hàng vạn ki-lô-mét khối bị bổ dọc, nứt toác ra, hai bờ thẳng đứng, bên này là Mã Pi Lèng, bên kia là Sam Pun, ở giữa dưới nghìn mét sâu là con sông Nho Quế leo lẻo xanh đến rợn người”. (Nguyên Ngọc, “Trở lại Mèo Vạc”).

Đấy, Mã Pi Lèng là như thế, sông Nho Quế là như thế, không cần phải tả thêm gì nữa.

Nhưng tôi muốn nói rằng đèo Mã Pi Lèng nằm trên con đường mà người ta thường gọi là Đường Hạnh Phúc.

Ở giữa thị trấn Mèo Vạc có một tấm bia khá lớn, được dựng trong một khuôn viên trang trọng. Bia có những chữ tiếng Anh: “Highway 4C Km166, The End of Hanh Phuc Road, Ha Giang – Meo Vac. Meo Vac Km0” (Quốc lộ 4C, Km 166, Điểm cuối của Con đường Hạnh phúc Hà Giang – Mèo Vạc. Mèo Vạc Km0).

Như vậy đây là tấm bia vừa đánh dấu điểm cuối của đường quốc lộ số 4C nối thành phố Hà Giang với thị trấn Mèo Vạc vừa là đánh dấu trung tâm của thị trấn Mèo Vạc, nơi đặt cột Km0.

Phần dưới tấm bia này có những dòng sau: “Đường Hạnh Phúc Hà Giang – Mèo Vạc những số liệu lịch sử: Số ngày công sử dụng: 2.246.321. Thanh niên chủ lực: 1.261.625. Dân công huy động: 984.706. Khối lượng đào đắp: 2.899.638 m3. Chiều dài cầu từ 5,0 m – 5,4 m: 42 cái. Cống từ 0,5 m – 2 m: 392 cái. Tổng số tiền đã chi: 5.549.201 đồng (theo thời giá năm 1965) Ngày khởi công: 16-9-1959. Ngày hoàn thành: 10-3-1965”.

Trên đỉnh đèo Mã Pi Lèng cách thị trấn Mèo Vạc không xa lắm còn có một tấm bia nữa, trên đó khắc: “Đường Hạnh Phúc Hà Giang - Đồng Văn – Mèo Vạc

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, chỉ đạo của Khu ủy khu tự trị Việt Bắc, tỉnh Hà Giang tổ chức mở đường Hạnh Phúc Hà Giang - Đồng Văn – Mèo Vạc (nay là Quốc lộ 4C). Tổng chiều dài tuyến đường là 185 km, điểm đầu tại đầu cầu Gaddie (Gạc đi), thị xã Hà Giang, điểm cuối là huyện lỵ Mèo Vạc. Ngày khởi công: 16-09-1959. Ngày hoàn thành: 10-03-1965. Tham gia mở đường gồm cán bộ, công nhân, dân công các dân tộc tỉnh Hà Giang và hơn 1500 thanh niên xung phong các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nam Định, Hải Dương. Toàn bộ tuyến đường thi công chủ yếu bằng sức người và công cụ thô sơ. Riêng đèo Mã Pi Lèng lực lượng thi công phải treo mình bằng dây ròng từ trên xuống bám vào vách đá dựng đứng, đục từng lỗ choòng, phá từng tấc đá, thi công 11 tháng mới hoàn thành. Quá trình mở đường hạnh phúc có 14 Thanh niên Xung phong đã hy sinh. Phần mộ của các liệt sĩ được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ TNXP huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang”.

Hôm chúng tôi đi từ điểm cuối của con đường Hạnh Phúc ở huyện lỵ Mèo Vạc về TP Hà Giang để trao quà cho 100 cựu TNXP, trong đó có một số người đã tham gia làm con đường này, tôi đã gặp chú Nguyễn Mạnh Thùy - Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Giang. Chú Thùy suýt soát 80, người Nam Định, được tăng cường lên để hỗ trợ TNXP mấy tỉnh vùng trên này làm con đường Hạnh Phúc. Buổi trao quà hôm đó, quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng – nguyên Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, nghĩa là nguyên sếp trực tiếp của tôi ở T.Ư Đoàn, cũng biết, đến dự và phát biểu sau đó đã mời cơm chúng tôi. Tại bữa tối đó ở Hà Giang, tôi và anh em cùng đi đã nghe chú Thùy kể lại vài câu chuyện.

Hai đoạn của Con đường Hạnh Phúc, tức đường quốc lộ 4C. Ảnh: Phạm Duy

Hai đoạn của Con đường Hạnh Phúc, tức đường quốc lộ 4C. Ảnh: Phạm Duy

Sau khi dẹp yên cuộc bạo loạn của đám phỉ ở Đồng Văn năm 1959, ta bắt đầu làm con đường từ Hà Giang đi qua các huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang và kết thúc tại huyện Bảo Lâm của Cao Bằng. Gần 200 cây số qua núi cao, vực sâu, hiểm trở nhất. Xung kích cạnh các lực lượng của tỉnh Hà Giang có TNXP các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Làm được gần 2 năm thì thấy rõ là lực lượng “tại chỗ” này không đủ sức đảm đương khối công việc khổng lồ đầy khó khăn nguy hiểm này. Thế là lực lượng TNXP hai tỉnh Nam Định, Hải Dương được huy động và tung vào trận chiến thời bình nhưng rất gian khó, hiểm nguy này.

“Chúng tôi đi và thời gian đầu không biết mình là TNXP, chỉ biết được huy động là lên đường. Cực kỳ gian khổ. Thời gian đầu, đồng bào địa phương còn không ủng hộ vì họ sợ mình lên chiếm đất, sau thấy hình thành một số đoạn đường thì họ sung sướng góp sức hỗ trợ. Cực kỳ khó nhọc, nguy hiểm vì núi non, đá vách nhiều nơi dựng đứng như thế mà trong tay mình chỉ có thuốc nổ, choòng, cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ, quang gánh và xe cút kít. Đặc biệt khó là đoạn đèo Mã Pi Lèng vì vách đá dựng đứng và rất cao, phải treo người làm. Trong mấy năm, 14 đồng chí của chúng tôi đã hy sinh vì tai nạn lao động và vì sốt rét” - Chú Thùy kể.

Chú Thùy gặp vợ tương lai của mình trên công trường. Sau khi hoàn thành con đường, chú ở lại sống và công tác rồi nghỉ hưu tại Hà Giang.

Cách đây khoảng 30 năm, nhà văn Nguyên Ngọc đã theo con đường Hạnh Phúc này từ Hà Giang lên lại Mèo Vạc để tìm cố nhân là bà Thào Mỷ, người con gái Mông vô cùng xinh đẹp ngày xưa đã cùng ông tiểu phỉ và công tác trên cao nguyên đá suốt một năm ròng. 30 năm trước đó nữa, khoảng năm 1960-1961, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên cao nguyên đá, ông đã đi theo lối Mèo Vạc - Đồng Văn - Hà Giang mà về Hà Nội. Hồi đó chưa có con đường quốc lộ Mèo Vạc - Hà Giang. Vậy nên ông rất biết các TNXP 7 tỉnh và nhân dân Hà Giang đã làm nên được cái gì. Ông viết đó cũng giống như một thứ Kim Tự Tháp.

Tôi phải nói chi tiết và dài về những điều trên đây vì nghĩ chắc gì những người giờ đây theo con đường Hạnh Phúc nghìn nghịt đổ về phượt trên những địa danh nổi tiếng của vùng cao nguyên đá Hà Giang như núi đôi ở Quản Bạ (còn gọi là núi Vú Nàng vì cặp núi này rất giống khuôn ngực nở nang của người con gái), Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pi Lèng, Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình, Nhà của Pao… cùng những trùng điệp núi non, bạt ngàn hoa tam giác mạch hay những ruộng bậc thang trắng gương mùa vào nước, vàng rực mùa lúa chín mấy ai còn nhớ, còn nghĩ đến mấy nghìn chàng trai, cô gái hơn nửa thế kỷ trước đã nằm gai nếm mật, thiếu thốn đủ điều, tay chân tứa máu, nổ mìn, đào và khiêng đá, không quản khó nhọc, hiểm nguy, làm việc cật lực 7 năm ròng để làm nên con đường này.

Tác giả và nhà báo Xuân Ba cạnh bia mốc đánh dấu điểm kết của Con đường Hạnh Phúc và điểm Km0 Mèo Vạc. Ảnh: Phạm Duy

Tác giả và nhà báo Xuân Ba cạnh bia mốc đánh dấu điểm kết của Con đường Hạnh Phúc và điểm Km0 Mèo Vạc. Ảnh: Phạm Duy

Tôi cứ nghĩ về cái tên của con đường: Hạnh Phúc. Có lẽ cái tên này có nhiều tầng ý nghĩa. Con đường mang lại hạnh phúc, ấm no cho đồng bào mấy huyện vùng cao nguyên đá, trong đó có cái mỏm cực bắc của Tổ quốc: Lũng Cú. Nhưng cũng nên hiểu nó là hạnh phúc của những con người trẻ tuổi trong những năm tháng rất khó khăn nhưng hừng hực niềm vui giờ đã cách xa hơn nửa thế kỷ ấy. Tất cả họ đã lên đường với ngọn lửa lý tưởng và nhiệt tình cháy bỏng trong tim để cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Để ghi nhớ chiến công của họ, ngoài những tấm bia kể trên, giờ ở huyện Đồng Văn, cách đèo Mã Pi Lèng không xa có một tượng đài TNXP khá uy nghi mà chúng tôi cũng đã đến và đứng lặng.

Nhờ có con đường Hạnh Phúc giờ được định danh là Quốc lộ 4C trong hệ thống giao thông quốc gia này, trong cái ngày 17/9/2023 ấy, chúng tôi xuất phát lúc 5h30 sáng ở thị trấn Mèo Vạc, kịp dừng chân ngắm cảnh, chụp ảnh thỏa thích ở đèo Mã Pi Lèng, ăn sáng và dạo chơi mua bán ở chợ Đồng Văn, ngược tận lên điểm xa cùng nhất về phía Bắc của Tổ quốc làm một lễ chào cờ trang nghiêm trên Cột cờ Lũng Cú và ghé trạm thăm hỏi các chiến sĩ Biên phòng ở đây, qua thăm Dinh thự của Vua Mèo Vương Chí Sình, ăn trưa xong về TP Hà Giang lúc hơn 3 giờ chiều làm một cuộc giao lưu và trao quà rất ấm áp và vui nhộn với cựu TNXP rồi ăn tối với quyền Bí thư Tỉnh ủy mà vẫn kịp về đến Hà Nội đúng 12 giờ đêm.

Tượng đài Thanh niên Xung phong xây dựng Con đường Hạnh Phúc. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Tượng đài Thanh niên Xung phong xây dựng Con đường Hạnh Phúc. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Tuyến đi ấy, ngày xưa khi chưa có con đường Hạnh Phúc chắc phải đi cực kỳ vất vả trong rất nhiều ngày.

Có thể bạn quan tâm