Trên đỉnh Ba Vì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đất Bắc ngàn năm văn hiến, mỗi bước chân lại đặt lên một trầm tích văn hóa sâu dày. Đỉnh Ba Vì linh thiêng mờ sương, nơi ngự của Tản Viên Sơn Thánh-một trong tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gọi chúng tôi đến với người. Dân xứ Đoài Sơn Tây xưa (nay là ngoại thành Hà Nội) tin rằng, núi Ba Vì chính là đầu rồng uy nghiêm mà thân rồng chạy đến mãi tận miền Nam, là dải Trường Sơn hùng vĩ.

 Bên ngoài đền thờ Bác Hồ. Ảnh: T.L.H
Bên ngoài đền thờ Bác Hồ. Ảnh: T.L.H



Cách Hà Nội 65 km, đến Ba Vì rất dễ nhưng muốn vào Vườn Quốc gia Ba Vì để lên đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên và đỉnh Ngọc Hoa phải mua vé vào cổng. Đường đèo uốn lượn đưa người từ chân lên gần đỉnh núi. Gọi là Tản Viên vì gần đến đỉnh núi thì hình dạng thắt lại rồi xòe ra như cái tán. Theo truyền thuyết thì đây là nơi Sơn Tinh dâng núi cao lên để chống lại Thủy Tinh. Có người bảo rằng, xung quanh đền Thượng thờ Đức Thánh Tản Viên thỉnh thoảng vẫn gặp những tảng đá như những bọc trứng ếch khổng lồ khiến người ta có cảm giác rất thật về một cuộc giao tranh với những loài thủy quái.

Đến điểm cuối cùng có thể đi xe, du khách tiếp tục hành trình leo bộ. Từ cổng đền Thượng phải qua 500 bậc thang để đến đền Tản Viên. Đường xuyên qua rừng cây cao vút, mây cuốn chập chờn, đôi lúc nắng hiếm xuyên qua kẽ lá, vài con sóc, con chồn nhảy vội loạt soạt trong vòm cây. Tiếng chim xen trong điệu hát Cô Đôi Thượng Ngàn vang vọng, như tả đúng cảnh thực nơi đây: “Trên bát ngát trăm hoa đua nở/Dưới cảnh bầy cầm thú đua chơi/Thiều quang sáng tỏ lưng trời/Một màu xuân sắc tốt tươi rườm rà/Trên ngàn xanh lắm quả nhiều hoa á a a á à à a…”. Điệu hát chầu văn trong nghi lễ hầu đồng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại làm bước chân leo núi vơi phần mệt nhọc, hướng tâm đến một vùng linh thiêng hoang sơ. Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh trên đỉnh Thượng, trước những bậc thang cuối cùng lên đền Thánh là đền Mẫu dựa lưng vào núi. Tín ngưỡng thờ Mẫu với Tứ phủ Thiên Địa Thoải Ngàn bất chợt gặp nơi đây giải thích cho điệu chầu văn đỡ bước. Từ đỉnh Tản Viên, ta xuống 500 bậc trở lại cổng đền Thượng, ngắm những cành lan đung đưa trên cao hay nhìn xuống ngàn sương dưới thấp. Nghỉ ngơi đôi chút để chuẩn bị đôi chân leo đỉnh Vua với 1.200 bậc phía đối diện, lên tháp Báo Thiên và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đường lên đỉnh Vua dài hơn nhưng dốc đỡ dựng hơn bên đỉnh Tản. Có mấy trạm nghỉ chân dọc đường bên những cổ thụ rêu phong. Quả dẻ gai rụng đầy dưới gốc, muốn nhặt về rang xem hương vị của hạt dẻ Ba Vì có gì giống và khác hạt dẻ Măng Đen nhưng cây kim đồng hồ hối thúc, đành để chúng nằm đấy với đám lá vàng. Song hành với con đường lên đỉnh Vua là những bài hát ngợi ca Bác. Người là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca nhạc họa, lần đầu tiên nghe nhiều bài hát về Bác đến thế, từ bước chân đầu tiên đến khi rời núi, album bài hát về Bác không lặp lại lần nào. Lẩm nhẩm hát theo trong hơi thở, 1.200 bậc núi trôi dần, tháp Báo Thiên 13 tầng đã hiện ra trước mắt. Đi thêm đoạn nữa là đến đền thờ Bác Hồ, bên tường là bản đồ Việt Nam với lời Bác khẳng định chắc chắn: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Trước ban thờ Bác là trống đồng gợi âm vọng cha ông ngàn năm thuở trước, là bia đá nguyên khối khắc một đoạn điếu văn ngày đất nước tiễn đưa Người. Tượng Bác bằng đồng giữa bao nhiêu hoa tươi, nhìn ra bao quát núi rừng hùng vĩ, như tầm nhìn suốt một dải non sông.

Có một lần, những người con Tây Nguyên ra Thủ đô yêu dấu, làm chuyến hành hương lên đỉnh thiêng Ba Vì!

TRƯƠNG LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm