Thời sự - Bình luận

Trị bệnh 'ngáo' quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

'Ngáo quyền' có vẻ cũng là bệnh dịch, dễ lây lan như vi rút gây nên bệnh Covid-19.
 

Bệnh nhân nhiễm và qua đời vì Covid-19 tại TP.HCM những ngày qua vẫn ở mức cao. Cho đến hôm 30.8, lãnh đạo thành phố đánh giá qua 7 ngày thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 nâng cao nhưng thông qua lấy mẫu xét nghiệm tập trung vùng đỏ và vùng cam, số ca nhiễm vẫn tăng; bình quân mỗi ngày phát hiện khoảng 4.800 ca F0.

Thế nên, chỉ có cách thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, cùng với việc tiêm vắc xin đủ liều, bao phủ cho người dân toàn thành phố mới mong giảm được thực trạng đáng lo ngại này.


Trước mắt, thành phố vẫn phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và nguyên tắc “ai ở đâu, ở yên đấy” đã được hầu hết người dân nằm lòng, sẵn sàng thắt lưng buộc bụng, đồng cam cộng khổ để cùng nắm tay nhau vượt qua cuộc chiến cam go, đầy nghiệt oan và gian khổ.

Câu cửa miệng của nhiều người hiện nay là “Không biết chừng nào được gặp mặt”. Rất nhiều người mong muốn ra khỏi nhà để hít thở khí trời, mưu sinh, giao tiếp xã hội, gặp gỡ những người thân quen… Nhưng những điều tưởng chừng giản đơn ấy, ngay lúc này, chưa thể thực hiện được. Lãnh đạo TP.HCM cũng rất cân nhắc khi nói “không thể cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 mãi được, nhưng cũng không thể nới giãn cách xã hội khi chưa đủ điều kiện”.

Thế nên, khi một người đàn ông lớn tiếng chửi bới, dọa nạt nhân viên và bảo vệ của một trung tâm thương mại ở Q.7 (TP.HCM) vì những người này không chấp nhận để ông ta vào trong mua hàng trực tiếp, phá vỡ các quy định về phòng chống dịch, đã lập tức phải nhận nhiều chỉ trích của cộng đồng. Đỉnh điểm của vụ việc khiến ông này bị dư luận đả kích, khi xưng với nhân viên bảo vệ: “Tôi là Ban chỉ đạo Q.7… Ông biết tôi không?”.

Câu hỏi của ông ta không khó để cơ quan chức năng trả lời. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Q.7 (BCĐ) đã nhanh chóng khẳng định không biết ông là ai, ông cũng chẳng dây mơ, rễ má gì với BCĐ. Nhưng kể cả khi ông có là thành viên BCĐ thì cũng không và càng không có quyền hành xử thiếu văn hóa, vô pháp như thế.

Khó có thể có khái niệm nào lột tả chính xác bản chất hơn, khi dùng từ “ngáo quyền” để chỉ về những người ảo tưởng về sức mạnh bản thân và bộc lộ ra bên ngoài bằng những hành vi thiếu ý thức, chuẩn mực xã hội, nhất là ứng với hoàn cảnh nhân loại đang phải đối đầu với cơn đại dịch.

Đáng buồn, trong thực tế vẫn còn không ít nhân vật “ngáo quyền”. Đó là một cán bộ làm trong ngành thuế ở Bến Tre, khi bị nhân viên của chốt kiểm soát dịch yêu cầu dừng lại để kiểm tra, đã không chấp hành mà còn lớn tiếng “Tao không đi làm tụi bây không có lương”. Hay một ông ở Hà Nội đã vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19 còn xưng là “tiến sĩ”, làm ở cơ quan này cơ quan nọ rồi lăng mạ các nhân viên thừa hành công vụ…

“Ngáo quyền” có vẻ cũng là bệnh dịch, dễ lây lan như vi rút gây nên bệnh Covid-19. Thuốc đặc trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 có thể chưa sớm tìm ra, nhưng biệt dược chữa bệnh “ngáo quyền” thì sẵn có. Hãy cứ dùng công cụ pháp luật mà xử lý, kể cả xử lý hình sự, những kẻ “ngáo quyền” xem thường nhân viên công vụ, xem thường những quy định về phòng chống dịch, không cần biết “ông là ai”. Thậm chí, với những người có trình độ, chức vụ, là cán bộ khi “ngáo quyền” lại càng phải xử lý nghiêm hơn để làm gương. Khi đó, chắc chắn bệnh “ngáo quyền” sẽ thuyên giảm nhanh chóng.

Theo Tường Vy (NTO)
 

Có thể bạn quan tâm