Báo xuân

Triển khai các giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Nhân dịp Xuân mới Giáp Ngọ-2014, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông PHẠM THẾ DŨNG-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu với quý độc giả.

 

 

P.V: Năm 2013, trong bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh và quản lý điều hành của UBND tỉnh, tỉnh ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Vậy xin ông cho biết những thành tựu nổi bật nhất trong năm 2013 là gì?

Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM THẾ DŨNG: Có thể thấy rằng từ năm 2011 đến nay là giai đoạn hết sức khó khăn đối với kinh tế thế giới và trong nước. Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế. Do vậy, nguồn lực đầu tư cho tỉnh bị giảm sút, nhiều dự án đầu tư bị cắt giảm, đình hoãn, kéo dài. Cùng với đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây thiên tai, lũ lụt, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giảm mạnh đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đời sống của người dân.

Dự lường được trước những khó khăn, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, UBND tỉnh đã triển khai chỉ đạo hết sức quyết liệt các nhiệm vụ kế hoạch. Nhờ vậy, nhìn chung kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2013 phát triển đúng hướng; tăng trưởng kinh tế 12,3%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.550 tỷ đồng, nếu loại trừ các khoản miễn, giãn, giảm thuế do thực hiện các chính sách thuế mới trong dự toán đầu năm thì thu ngân sách đạt 101,9% dự toán. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong điều kiện hiện nay.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự  đồng thuận của chính quyền các cấp, thực hiện được một số kết quả bước đầu, năm 2013 có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Không để xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; công tác phòng-chống thiên tai, bão lụt được chỉ đạo quyết liệt, hạn chế được tổn thất. Các lĩnh vực dịch vụ như bưu chính viễn thông, ngân hàng, vận tải tiếp tục phát triển. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã thực hiện kịp thời chính sách miễn giảm thuế và điều chỉnh giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, triển khai một số gói tín dụng mới góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho các đối tượng; đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, giải quyết việc làm được quan tâm. Tỉnh cũng đã chấn chỉnh tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước trong chấp hành giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Các vấn đề bức xúc xã hội được quan tâm giải quyết. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
 

Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác

P.V: Trên cơ sở mục tiêu tổng quát của cả nhiệm kỳ 2010-2015, trong năm 2014 tỉnh đưa ra những chỉ tiêu cơ bản nào?

Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM THẾ DŨNG: Năm 2014 là năm thứ 4 thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Dự lường trước những khó khăn còn tiếp diễn của tình hình kinh tế thế giới, kinh tế cả nước và của tỉnh sẽ tác động tới tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, tỉnh Gia Lai đã đề ra một số chỉ tiêu cơ bản sau: Tốc độ tăng GDP đạt 12,5%, trong đó ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 7,04%, công nghiệp-xây dựng tăng 13,15%, dịch vụ tăng 17,53%. Cơ cấu kinh tế: Nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 38,44%, công nghiệp-xây dựng chiếm 32,43%, dịch vụ chiếm 29,13%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 13.200 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 3.250 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu: 300 triệu USD, tăng 15,38%. Giải quyết việc làm: 24.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo: 14,73%, giảm 2,5% so với cuối năm 2013.

P.V: Theo dự báo, năm 2014, kinh tế-xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vậy, chúng ta sẽ có những giải pháp nào để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành những mục tiêu đề ra?

Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM THẾ DŨNG: Với những diễn biến của kinh tế thế giới, trong nước, dự lường trước các khó khăn, thuận lợi có tác động đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, UBND tỉnh đã chủ động đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện, trong đó một số nhiệm vụ cần quan tâm là:

Tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn và huy động đóng góp của cộng đồng xã hội và dân cư để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trong năm 2014 có thêm 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từng bước phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; kiểm tra, giám sát đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chất lượng các công trình, chống thất thoát, lãng phí, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân trong đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung vốn cho các công trình cấp bách, các công trình phục vụ phòng-chống thiên tai, bão lụt, quốc phòng-an ninh, các dự án đối ứng ODA, các công trình hoàn thành trong năm 2014, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải.
 

Ảnh: K.N.B

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; rà soát các dự án kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Tăng cường công tác hậu kiểm doanh nghiệp để hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng lành mạnh.

Phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn đạt kế hoạch; tăng cường quản lý các nguồn thu, chống thất thu ngân sách; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các đối tượng nộp thuế. Quản lý chi ngân sách địa phương tiết kiệm, hiệu quả; tập trung rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập để tránh chồng chéo, đảm bảo sử dụng có hiệu quả quỹ lương, biên chế của từng địa phương, đơn vị.

Giải quyết việc làm cho người lao động bằng các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xuất khẩu lao động. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển bền vững, phấn đấu năm 2014 tỷ lệ hộ thoát nghèo đạt trên 2,5% (tương đương 7.140 hộ), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 14,73% (tương đương 46.770 hộ).

P.V: Xin cảm ơn ông!

Kim Linh (thực hiện)

(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm