Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Triển khai cấp bách các biện pháp phòng-chống dịch cúm gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịch cúm A (H7N9, H10N8, H5N1, H5N2, H6N1) đang xảy ra tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và các nước có biên giới giáp với Việt Nam. Ở trong nước, dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm đã xuất hiện tại 12 tỉnh, trong đó có các tỉnh giáp ranh với Gia Lai. Trước tình hình đó, ngày 18-2, UBND tỉnh có Công điện số 08/CĐ-UBND chỉ đạo các ngành và địa phương cấp bách triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.

Ảnh: K.N.B

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp-PTNT xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai cấp bách các biện pháp phòng-chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn; chủ trì phối hợp với Sở Công thương và các ngành liên quan tổ chức đoàn công tác xuống các huyện giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Phú Yên, Đak Lak để phối hợp với chính quyền địa phương  triển khai các biện pháp ngăn chặn không để dịch cúm gia cầm lây lan vào địa bàn; tổ chức lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện virus cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) và các chủng virus khác để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, Sở Nông nghiệp-PTNT chỉ đạo Chi cục Thú ý tỉnh triển khai các biện pháp kiểm soát, kiểm dịch động vật; tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang-thiết bị, vật tư, phương tiện và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai công tác phòng dịch (khi có dịch xảy ra).

Ủy ban Nhân dân các huyện giáp ranh kiên quyết không cho nhập gia cầm từ các tỉnh đang có dịch vào tỉnh, yêu cầu người dân sống tại khu vực giáp ranh không thả rông gia cầm, đồng thời triển khai ngay công tác tiêu độc, khử trùng tại các khu vực này. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tạm thời không cho vận chuyển gia cầm từ địa phương này sang địa phương khác; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo chống dịch và có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với A (H5N1), cúm A (H7N9) và các chủng virus khác trên gia cầm và người; tăng cường giám sát dịch cúm gia cầm tại các chợ, tụ điểm tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, cơ sở ấp trứng, quán ăn và các hộ chăn nuôi gia cầm; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, người buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu trùng khử độc; tuyên truyền cho nhân dân chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về phòng-chống dịch bệnh gia cầm, khi có gia cầm bị ốm, chết thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương, tuyệt đối không được giấu dịch, không được ăn tiết canh gia cầm và ăn thịt gia cầm bị ốm, chết; nghiêm túc thực hiện các quy định về chống dịch; chủ động xuất ngân sách địa phương để hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại do dịch cúm gia cầm.

Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường chủ trì phối hợp với Chi cục Thú ý, Công an tỉnh kiểm tra việc mua bán gia súc, gia cầm (sản phẩm gia súc, gia cầm) và xử lý vi phạm theo quy định.

Sở Y tế đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về phòng-chống các chủng virus cúm lây từ gia cầm sang người, từ người sang người. Bên cạnh đó, Sở theo dõi sát sao tình hình dịch cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) ở người trên địa bàn tỉnh, chủ động rà soát, chuẩn bị đầy đủ trang-thiết bị, phương tiện, thuốc và nhân lực đê triển khai công tác phòng-chống dịch cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) ở người, khi có dịch xảy ra phải cách ly sớm, cấp cứu kịp thời, không để xảy ra tử vong và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài.

Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tạm dừng nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm từ Campuchia và các nước lân cận; tăng cường ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm vào tỉnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và qua đường biên giới.     

Duy Lê

Có thể bạn quan tâm