(GLO)- Tự hào là cảm xúc chung của đông đảo người dân, học sinh, sinh viên khi đến xem triển lãm “Gia Lai 90 năm xây dựng và phát triển” diễn ra từ ngày 19-5 tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Đối với du khách, triển lãm đã góp thêm một trải nghiệm đầy hứng thú trên vùng đất giàu trầm tích văn hóa-lịch sử.
Triển lãm do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức. Đây là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh và 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khuôn viên tràn ngập cây xanh và hồ sen thoảng hương thơm ngát giúp người xem có những phút lắng đọng để thưởng lãm, nhìn lại những thành tựu nổi bật về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh trong gần 1 thế kỷ.
Dấu ấn nổi bật
Ở phần nội dung hình ảnh về những thành tựu nổi bật, mở đầu là dấu son trong lịch sử đấu tranh với những chiến thắng vang dội đầy tự hào. Đó là hình ảnh quân ta đánh đồn Pleime (năm 1965), chiếm sân bay Pleiku (năm 1975), chiến thắng đường 7 sông Bờ (năm 1975, nay thuộc thị xã Ayun Pa) hay hình ảnh vận chuyển lương thực chi viện cho chiến trường tại thị trấn Dân chủ, H10 (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang). Đặc biệt, bức ảnh cờ giải phóng tung bay tại Tòa hành chính tỉnh Pleiku (ngày 17-3-1975) mang đến những cảm xúc đầy tự hào của ngày giải phóng tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan triển lãm. Ảnh: Huỳnh Bá Tính |
Từ truyền thống văn hóa, cách mạng của đất và người Gia Lai đến những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội qua hình ảnh phong phú, phản ánh nhiều bình diện trong hành trình phát triển, người xem càng ấn tượng trước chặng đường phát triển của tỉnh nhà. Đó là cánh đồng điện gió ở thị xã An Khê-một trong những biểu tượng của năng lượng xanh mà tỉnh đang hướng tới, đại công trình thủy nông Ayun Hạ, hồ chứa nước Nhà máy Thủy điện Ia Ly; các dây chuyền công nghiệp chế biến chanh leo, bắp, nông sản địa phương, những thành tựu nổi bật trong xuất khẩu cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sang châu Âu theo hiệp định EVFTA…
Bên cạnh đó, hình ảnh lễ đón nhận Bằng của UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại sân vận động Pleiku, lễ trao chứng nhận sử thi Bahnar được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hay mới đây nhất là hình ảnh các nghệ nhân tại Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất lại mang đậm dấu ấn của một vùng đất giàu trầm tích văn hóa-lịch sử. Em Ksor H’Chinh (sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai) chia sẻ: “Có thể thấy, quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có sự kế thừa mạnh mẽ qua các thế hệ. Em rất tự hào khi là một công dân Gia Lai, là chủ nhân của những di sản độc đáo, được kế thừa và góp phần phát huy các giá trị văn hóa thông qua ngành học em đã chọn. Em sẽ đưa các giá trị đặc biệt của di sản vào những bài giới thiệu về du lịch của địa phương để quảng bá rộng rãi đến người dân và bạn bè cả nước”.
Triển lãm dành không gian để trưng bày hình ảnh về các di sản sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Gia Lai như Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, di tích quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Với hàng trăm hình ảnh có nội dung phong phú, triển lãm đã giúp người xem hiểu hơn những giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa, thiên nhiên của tỉnh. Trải qua thăng trầm thời gian, các di tích được chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh gìn giữ, bảo vệ. Hàng trăm hình ảnh cung cấp cho người xem bức tranh toàn cảnh về di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá bên thềm sông Ba cổ, từ khi phát hiện đến quá trình khai quật, công bố các kết quả nghiên cứu, những công cụ đá mà tổ tiên loài người đã sử dụng trong quá trình sinh tồn, không gian quy hoạch...
Hình ảnh về Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo không chỉ có các di tích độc đáo trải rộng ở các huyện phía Đông tỉnh, người xem còn hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần phong phú qua những lễ hội được lưu giữ trong suốt chiều dài lịch sử như Hội cầu Huê của người Việt vùng An Khê, phục dựng đoàn quân Tây Sơn tiển vào An Khê trường trong lễ cúng Quý Xuân. Trong khi đó, hình ảnh về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng thu hút người xem bởi tính đa dạng của hệ động thực vật cũng như cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Trong đó, hình ảnh rừng nguyên sinh, thác 50, thác ba tầng, thác rêu còn cung cấp cho người xem những điểm du lịch xanh hấp dẫn. Vượt qua bao gian khó trong hành trình kiến tạo để đạt những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, triển lãm đã mang đến cảm xúc tự hào cho mỗi người dân. Những thành tựu của ngày hôm nay cũng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn của vùng đất, con người Gia Lai trong hành trình lịch sử dân tộc.
Hình ảnh thú vị về vận chuyển lương thực chi viện cho chiến trường. (Ảnh chụp lại) |
Đến từ vùng đất di sản Quảng Nam, anh Bùi Trung Kiên cho biết: “Du lịch di sản vốn là đặc sản của xứ Quảng. Nhưng xem triển lãm này, tôi thấy cao nguyên Gia Lai cũng rất giàu trầm tích văn hóa. Triển lãm tổ chức tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh nên tôi đã có một tour du lịch văn hóa rất thú vị khi kết hợp xem thêm các hiện vật tại đây”.
Tây Nguyên có Bác
Triển lãm “Gia Lai 90 năm hình thành và phát triển” diễn ra đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Triển lãm đã dành một không gian trang trọng trưng bày 160 hình ảnh nội dung “Người đi tìm hình của nước”, khái quát lại toàn bộ bối cảnh đất nước trước khi Bác ra đi tìm đường cứu nước và trở về mang ánh sáng soi rọi cho dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh về thành tựu phát triển kinh kế tại triển lãm "Gia Lai 90 năm xây dựng và phát triển". Ảnh: Hoàng Ngọc |
Một câu chuyện bằng hình ảnh đầy tự hào và xúc động về vị cha già của dân tộc, từ khi nuôi ý chí (1890-1911), vượt trùng dương tìm đường cứu nước (1911-1920), tìm ra ánh sáng (1920-1924), thổi bùng ngọn lửa cách mạng (1924-1930), bước ngoặt lịch sử (1930-1941), Người về mang mùa xuân tới (1941-1945), Người là niềm tin tất thắng (1945-1969). Đặc biệt, ở phần “viết tiếp trang sử vàng” (từ 1969 đến nay) là phần hình ảnh khắc họa những thành tựu to lớn của đất nước, là thành quả của hiện thực hóa lý luận về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, với nhận thức và tư duy đúng đắn phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 1-2021) đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” và tiếp tục xác định mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là một dấu mốc, một bước chuyển quan trọng đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, hiện thực hóa khát vọng dân tộc, ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam giàu mạnh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Triển lãm thu hút khá đông các em học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương. Ảnh: Hoàng Ngọc |
“Nhìn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước 110 năm về trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim lòng biết ơn vô hạn đối với những cống hiến lớn lao mà Người đã trải qua trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng”-lời giới thiệu xúc động của thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh khiến người xem càng thêm bồi hồi. Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Thông qua hàng trăm hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại triển lãm giúp người xem hình dung được một phần diện mạo của miền đất Gia Lai kiên dũng, đồng thời hiểu được tấm lòng, niềm tin của người dân nơi đây đối với Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu, để cùng nhau đoàn kết đi tới”.
MINH CHÂU