Phóng sự - Ký sự

Trịnh Văn Cư: "Phải sống để chiến đấu!"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua lời giới thiệu trân quý của ông Đỗ Hằng-nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự khu 9 (nay là TP. Pleiku), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum, tôi có cơ duyên gặp ông Trịnh Văn Cư. Trong câu chuyện dài với ông, tôi thích câu nói ở đoạn cuối: “Thật không dễ dàng gì từ trong cây hoa mọc ra. Vậy mà trong ngục đá âm u hoa vẫn mọc lên lừng lững ngát hương”.

1. Ông Trịnh Văn Cư sinh năm 1930 ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tháng 6-1947, ông thoát ly lên vùng Đak Bớt (huyện Kông Chro) công tác trong Đội Võ trang tuyên truyền của tỉnh với nhiệm vụ xây dựng cơ sở. Sau hiệp định Genève (1954), theo chủ trương của tỉnh, ông cùng 134 chiến sĩ khác ở lại Tây Nguyên tiếp tục công tác xây dựng cơ sở chính trị, lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng.

 

Nhà lao Pleiku-nơi ông Trịnh Văn Cư bị địch bắt giam vào đầu năm 1973. Ảnh: internet
Nhà lao Pleiku-nơi ông Trịnh Văn Cư bị địch bắt giam vào đầu năm 1973. Ảnh: internet

Từ năm 1960 đến 1963, ông được tỉnh phân công làm nhiệm vụ quản lý Trường Đào tạo cán bộ tỉnh tại Khu 10 (huyện Kbang). Đến năm 1964, ông về Huyện ủy huyện 7 (Kông Chro) làm Trưởng ban Tuyên huấn. Năm 1971, tỉnh chủ trương tách phần phía Nam huyện 7 và gắn kết với một phần H2, H3 của tỉnh Đak Lak để thành lập huyện 11. Ông tiếp tục được phân về đây làm Trưởng ban Tuyên huấn và chỉ đạo các đội võ trang mở rộng cơ sở về phía Nam…

Hiệp định Paris (1973) vừa ký kết, ông đặt vấn đề thương lượng với Tiểu khu Phú Bổn của địch do tên Trung tá Nghiêm chỉ huy và hẹn ngày gặp tại một cánh rừng. Về phía ta, ông Cư cũng đã bố trí trinh sát phục trên đường đi đến điểm hẹn.

Bất trắc xảy ra không ai ngờ. Trên đường đi, khi còn nửa cây số thì đến điểm hẹn thì ông bị địch bắt. Tại văn phòng Tiểu khu Phú Bổn, Trung tá Nghiêm có vẻ đắc thắng nhưng không giấu được sự hậm hực, nôn nóng. Hắn đi qua đi lại, liên tục đốt thuốc lá. Hắn mời nước, ông không uống. Hắn mời thuốc, ông không hút.

Quay lại đối mặt với ông, hắn nhẹ nhàng :

- “Giải phóng” chắc phải ăn trưa? A, mà đói rồi! Hắn gật gù rồi nháy tên lính đứng phía ngoài. Một loáng chúng mang vào hai tô mì:
- Ăn đi!            
- Không ăn…
- Đ.M! Ông chê đồ ăn của Mỹ à?
- Không phải, người Việt Nam ta cái gì dùng được cũng đều có thể sử dụng… Nhưng tôi không dùng vì người mời đã ăn sạch trước khi khách chưa dùng.

Hắn yên lặng. Ông cũng lướt nhìn một vòng xung quanh căn phòng, thấy treo la liệt cờ ba que.

- Ông biết cờ này không?-Nghiêm hất hàm hỏi.
- Cờ còn sót lại của Chính phủ bù nhìn Bảo Đại.

Một tiếng rầm-nắm tay của hắn đập xuống bàn.
- Láo! Nhưng hắn nhanh chóng trấn tĩnh lại. Biết là không khai thác gì được. Sau đó, chúng đến bảo với ông: “Thượng cấp bảo chúng tôi đưa ông lên Pleiku”. Một chiếc xe kín bưng đến đón ông trước cửa.

“Xuân về trong ngục tối tăm/ Nhìn ra thấy ánh bình minh sáng ngời/ Gió lùa qua lỗ thông hơi/ Ta nghe rất rõ những lời nước non/ Lời rằng giữ trọn lòng son/Còn dân còn Đảng là còn mùa xuân”. Đã 3 ngày rồi chúng không cho ông ăn. Ngoài kia, cây lá đang vươn mầm nảy lộc đón xuân về. Nằm trong phòng giam tối om vì âm xuống lòng đất, ông mò xung quanh nhặt được 1 cây đinh bèn chép ngay những câu thơ lên tường với tất cả tâm huyết: Phải sống, sống để chiến đấu. Ngoài kia, đồng đội và nhân dân mình đang đánh giặc.

Ông nhớ lại phút đầu tiên bước vào Nhà lao Pleiku…
- Xin chào sĩ quan Quân Giải phóng!
- Không dám, xin chào sĩ quan quân ngụy!
- Láo! Thằng này láo!

Chúng hầm hầm xông tới như muốn nuốt chửng ông. Nghĩ một hồi, chúng đưa ông xuống phòng âm này. Bọn địch mở cửa bấm đèn pin đi vào. Soi lên tường thấy những dòng chữ hiện ra như lưỡi lê, chúng bảo ông đọc lại. Ông đọc to, đọc đến đâu chúng vừa đấm vừa đá đến đó và chụp hình đưa cho sĩ quan. Cánh cửa sắt đóng sầm trở lại. Ngày hôm sau là cuộc hỏi cung. Trọn đêm đó, ông đã hình dung ra cuộc đối thoại này một cách bình tĩnh, suôn sẻ. Thống nhất từ đầu đến đuôi một lai lịch tù binh.

- Tên? Làm gì? ở đâu?
- Tôi là Thượng úy Hải-chỉ huy phó bộ đội… mới đến vùng này nên không biết gì.
Chúng vẫn gằn giọng :
- Điểm hoạt động? Chỗ ở của ông ở đâu? Ai phái tới?… Chúng chỉ vào tấm bản đồ.
Tôi ở Pơyâu, tọa độ X… (thực ra là những địa danh chung chung do ông bịa ra).
Một sĩ quan trẻ ra điều cảm tình với Quân Giải phóng tự nhiên hạ giọng một cách bâng quơ:
- Ông không biết thì thôi, chấm đại…

Đã 3 ngày ròng rã chỉ một câu hỏi, một câu đáp và liên tục tra tấn bằng đủ mọi cực hình. Người ông nhừ ra, đau ê ẩm nhưng không nản, không sai sót chi tiết nào khi trả lời. Cuối cùng, nghe lời tên sĩ quan trẻ, chúng cũng khoanh đại lên bản đồ 1 góc. Rời ông, chúng uể oải đi ra ngoài còn có tiếng vọng lại :

- Cộng sản như thế chứ!

2. Ba mươi tù nhân trong đó có ông (sau này ở Nhà lao Pleiku đã lên đến hàng ngàn người) được tập trung lại, chúng đọc tên từng người rồi đưa lên xe chở xuống Trại giam tù binh Phú Tài (Bình Định). Sống ở đây được 1 tháng, ông gặp người đồng đội có tên là Thành-người bạn chí cốt mà về sau ông biết là Tô Ngọc Tuấn, quê ở Thanh Hóa. Hàng ngày, họ gặp gỡ nhau và cùng suy nghĩ, trăn trở: Phải làm sao có một tổ chức chống lại sự đàn áp này? Anh em ở trong tù chính là tổ chức rồi còn gì. Tín hiệu ngôn ngữ của họ bắt gặp từ trong ánh mắt. Những ánh mắt thắp lên ngọn lửa cách mạng trong nhau.

Rào chắn, gông cùm, súng đạn… như thế! Họ sẵn sàng bị bắn chết, phanh thây bất cứ lúc nào. Thật lạ, họ vượt qua và thành lập một chi bộ Đảng đầu tiên ngay trong Trại giam Phú Tài. Ông làm Bí thư và có các đồng chí Đặng Ngọc Minh, Tô Ngọc Tuấn. Ba tháng sau, chi bộ kết nạp thêm một số đồng chí nữa như: Bách, Hồng Đào, Nguyễn Văn Bé từ Phú Yên đến… Chi bộ thêm sức mạnh, trở thành một khối thống nhất ý chí và hành động. Việc làm đầu tiên của tập thể đảng viên ở đây đối với bọn cai tù là ra yêu sách-cái gì cũng đòi, miễn là có lợi cho ta.

Lúc đầu, chúng buộc phải chấp thuận. Chẳng hạn như việc anh em bị thương thì không bị còng chân, đau ốm được cấp thuốc men. Tù binh đòi làm nhà bếp để tự nấu ăn cho hợp vệ sinh và bảo đảm giữ đủ khẩu phần cung cấp hàng ngày. Anh em tù binh tổ chức sinh hoạt, ca hát. Bọn cai tù không cho và bảo:

- Các ông tuyên truyền cộng sản à? Không được!
Anh em cứ mặc nhiên làm, bọn chúng phải làm ngơ.

Giam giữ những con người gai góc này một thời gian, địch lại chuyển họ đến Trại giam tù binh Biên Hòa (Hố Nai). Nếu ở biển khơi có địa ngục trần gian Côn Đảo, Phú Quốc khét tiếng thì trong đất liền có trại tù binh Hố Nai cũng điển hình là “lò nướng” chiến sĩ Giải phóng.

Ông Cư hàng ngày phải chứng kiến cảnh tượng đồng đội mình chết nhiều quá. Ngày nào cũng có người chết. Cũng thật lạ, sống-chết đối với người tù sao nhẹ như lông hồng. Mọi thứ đè nặng lên thân phận người tù mà sao họ vẫn lạc quan cách mạng. Sức mạnh niềm tin thật kỳ diệu!

Ba tháng sau, ông và đồng đội đã liên lạc được với các phòng trong trại. Một Đảng bộ mới ra đời do ông làm Bí thư, ông Bảy Thạnh (người Nam bộ) làm Phó Bí thư cùng các đảng viên khác trong tù. Đảng bộ đề ra kế hoạch đấu tranh…

Khoảng tháng 6-1973, Đảng bộ đã lãnh đạo anh em tù binh trong trại nổi dậy, mưu trí bắt bọn lính giữ tù làm con tin và đòi địch chấp nhận các yêu sách của ta. Từ đó, ta làm chủ trong nội bộ trại giam. Địch chỉ canh gác vòng ngoài, còn ở trong là do anh em tự quản lý. Hàng ngày, ta vẫn tổ chức cho anh em vượt ngục an toàn. Địch không có cách nào đàn áp anh em được nữa. Tinh thần phấn khởi, ý chí chiến đấu được nâng lên, anh em tin tưởng đoàn kết thương yêu nhau hơn. Anh em tổ chức diễn kịch, ca hát trong tù. Bọn lính trong tù cũng rủ nhau đến xem, mỗi lúc một đông.

Sang mùa mưa 1974, địch lại một lần nữa chuyển anh em đến Trại giam Cần Thơ. Chúng đã trả thù tàn tệ, đánh tù binh ngay trên đường ra sân bay. Đến Trại giam Cần Thơ, anh em tiếp tục đấu tranh giành được quyền làm chủ nhà bếp. Tên chúa ngục khét tiếng gian xảo cai quản ở đây là Hoàng Đình Hoạt đã nhiều năm không được thăng quan tiến chức, không được lên lon… nên sinh ra bất mãn với chế độ Sài Gòn. Từ đó, tên này không đàn áp mạnh với tù binh như các tên cai ngục khác.

Đảng viên trong tù tự tìm đến với nhau. Họ móc nối một cách thận trọng, bí mật. Vấn đề thuận lợi duy nhất ở đây xuất phát từ ý thức của từng cá nhân, như mạch ngầm không bao giờ ngưng chảy trong lòng đất và cứ thế sinh sôi phát triển. Hơn thế, tình hình chiến sự các miền ở bên ngoài thế nào, ai trong tù cũng đều nghe ngóng và hiểu cả. Cuối năm 1974, họ chuẩn bị tư thế, lực lượng cơ sở vật chất để sẵn sàng chiến đấu. Đến tháng 3-1975 thì đã hoàn chỉnh về mặt tổ chức. Từ sức mạnh bên trong, kết hợp với lực lượng chủ lực Quân khu 9, anh em tù binh đồng loạt nổi dậy phá trại giam, tước vũ khí địch vào chiều 30-4-1975. Buổi trưa hôm đó, họ đã nghe đài phát thanh tuyên bố việc Dương Văn Minh đầu hàng.

Đến lúc này, đồng chí Bí thư Đảng ủy trại giam xuất hiện và tuyên bố: Chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ hoàn toàn. Cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân đội cách mạng giải phóng đất nước đã thắng lợi… Sau đó, ông và hai đồng chí Đặng Ngọc Minh, Ksor Lanh lên đường trở lại Gia Lai tiếp tục nhận nhiệm vụ.

Sau này về hưu (1991), những lúc làm vườn, nhìn cây hoa dại xung quanh, ông chợt nghĩ: Thật không dễ dàng gì từ trong cây hoa mọc ra. Vậy mà trong ngục đá âm u hoa vẫn mọc lên lừng lững ngát hương.

Lê Bá Tuế

Có thể bạn quan tâm