Gặp lại chúng tôi sau hơn 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam, ông Nguyễn Phương Lâm hồ hởi: “Thông báo chú mừng, chúng tôi đã kéo được tỉ lệ hộ nghèo về gần với trước thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, đặc biệt xã còn đạt thêm 2 tiêu chí nông thôn mới. Không chỉ thoát được bế tắc mà Ngư Thủy Nam đang khởi sắc từng ngày. Nhiều con em tha hương nay lại trở về”.
Thuyền cá trĩu nặng lại về
Bến cá Ngư Thủy Nam lúc 6 giờ sáng, nhiệt độ xuống 12 độ C. Khác với cảnh hiu hắt, ảm đạm của hơn một năm về trước, chạy dọc bờ cát dài cả cây số là tiếng máy, tiếng người trộn lẫn, xôn xao cả một vùng. Những chiếc bơ nan gắn máy, nặng trĩu sản vật từ biển đang tăng ga cố trườn qua những con sóng cồn để cập bờ. Phía bờ là những mẹ, những chị gồng gánh sẵn sàng đón nhận thành quả sau một đêm lao động trên biển của những người đàn ông làng biển.
Bến cá của Ngư Thủy Nam vẫn tấp nập trong những ngày đông giá. |
Trong đôi quang gánh đặt sát mé biển của chị Lê Thị Hoa, có thêm cút rượu nằm lăn lóc trong chiếc rổ còn tanh mùi cá. Chỉ về phía một chiếc bơ nan đang lướt sóng vào bờ, chị Hoa nói, đó là thuyền của chồng và con trai chị. Cả tuần nay thuyền cá của chồng con chị trúng đậm, hết cá khoai, nay lại đến cá bẹ xước, toàn những loại cá đặc sản nên bán rất được giá, thu nhập mỗi đêm trên dưới chục triệu đồng.
Chị Hoa tâm sự: “Đi biển mùa gió bấc rất nguy hiểm. Tui ở nhà cũng có ngủ được mô. Cứ chờ trời sáng là ra đây đứng ngóng. Ông ấy có tật thích uống rượu suông vào buổi sáng, tui thì lo ông ấy bụng đói uống rượu vô hại dạ dày. Mấy bữa ni trúng đậm nên tui chiều ông ấy, còn bình thường thì cấm tiệt”.
Đang dở chuyện, một chiếc bơ nan nặng trĩu đang trườn vào bờ bị một con sóng chồm qua mạn, chực nhấn chìm con thuyền nhỏ. Mọi người trên bờ ùa ra, người nắm dây neo, người bám vào mạn… lôi tuột con thuyền lên bờ. Trong khoang thuyền đầy ắp cá bẹ xước, một loài cá đặc sản riêng có ở vùng biển Quảng Bình.
Chủ nhân của chiếc thuyền này là anh Ngô Thanh Sơn, người ướt sũng nước, run bần bật vẫn nhoẻn miệng cười trên đôi môi tím tái. Một thương lái ra giá 30 triệu đồng, gọi là mua “quạ”. Chị vợ có vẻ chần chừ, anh Sơn khoát tay: “Ô kê, 30 triệu, lời ăn lỗ chịu nha”. Nói đoạn anh Sơn quay sang vợ: “Thôi, bán cho người ta đi. Lạnh như ri mà ngồi cân hết chỗ cá ni có đến trưa à. Thiệt mấy đồng nhưng lại nhàn cái thân”.
Sau cá khoai, ngư dân Ngư Thủy Nam đang trúng đậm cá bẹ xước. |
Anh Sơn nói, lâu lắm rồi mới trúng vụ cá mùa đông như năm nay. Tuần trước, cả xã trúng cá khoai, rồi đến cá bẹ xước, mỗi kg bán tại gốc trên dưới 100.000 đồng, mỗi nhà cũng kiếm được vài chục triệu. Tối hôm qua, anh định nghỉ ngơi ở nhà, thấy trời động, sương mù dày đặc kiểu gì cũng nhiều cá nên gọi con trai đẩy thuyền ra biển.
Theo anh Sơn, biển phía trước xã Ngư Thủy Nam có một rạn đá cách bờ chừng 3 hải lí, kéo từ đảo Cồn Cỏ về đến đây. Rạn đá này là vựa cá trong khu vực, ngư dân các xã cũng kéo đến đây đánh bắt. Vì chần chừ muốn nghỉ ở nhà nên cha con anh ra biển muộn. Vừa thả lưới xuống, gặp luồng cá bẹ xước chạy qua vướng đầy lưới. Hai cha con gỡ không kịp. Đến khi thuyền quá đầy, đành phải chọn con to, còn con nhỏ thả về biển.
Anh Sơn nói không hiểu sao đợt này biển nhiều cá, nhưng rồi tự lí giải: “Sự cố môi trường biển khiến ngư dân bãi ngang nghỉ biển mất một năm nên cá sinh sôi nhiều hơn trước. Theo kinh nghiệm của tui, sau đợt cá khoai, đến bẹ xước, thì kiểu chi vài ngày nữa cũng trúng đậm ruốc biển. Bởi hai loại cá này về đây là để ăn ruốc, năm nào chúng về là ruốc xuất hiện”.
Nhen nhóm thêm nghề
Theo ông Nguyễn Phương Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam, lâu nay địa phương độc canh nghề biển, sự cố môi trường biển xảy ra đột ngột khiến chính quyền, người dân lúng túng, thậm chí bế tắc. Cũng may, nhờ có sự hỗ trợ, định hướng kịp thời của các cấp, các ngành, cộng với số tiền của Formosa đền bù mà người dân sớm vượt qua khó khăn, nhiều hộ gia đình còn mạnh dạn tìm nghề mới, đầu tư cho sản xuất, tránh quá phụ thuộc vào biển gần.
Theo thống kê, Ngư Thủy Nam có 750 hộ, khoảng 3.300 nhân khẩu thì có 316 hộ đầu tư trên 400 ao nuôi cá lóc trên cát. Năm 2017, sản lượng cá lóc hơn 230 tấn, doanh thu khoảng 11,5 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Phương, chủ một hồ nuôi cá lóc trên cát ở Ngư Thủy Nam cho biết: Nuôi cá lóc là một nghề nuôi dễ nhất trong các nghề nuôi trồng thủy sản. Cá lóc ít bệnh tật, tạp ăn, chóng lớn. Đặc biệt, nuôi ở Ngư Thủy Nam có lợi thế tận dụng các loài cá biển ít giá trị kinh tế, đưa vào cho cá lóc ăn. Chỉ cần vài tháng là có thể xuất bán với giá cao hơn thị trường, vì cá ăn cá, không ăn thức ăn công nghiệp, được thị trường ưa chuộng.
“Hồ của tui nuôi mấy nghìn con cá lóc, không tốn kém mấy. Ông ấy đi biển về, cá to đưa bán chợ, cá nhỏ băm cho cá lóc ăn. Một mình ông ấy, làm nghề ngoài biển cũng đủ nuôi hồ cá ni, nên không mấy khi phải mua thức ăn cho chúng” – chị Phương cho hay.
Sản vật từ biển sau một đêm đánh bắt của ngư dân Ngư Thủy Nam. |
Không chỉ phát triển nghề nuôi cá lóc, sau sự cố môi trường biển người dân Ngư Thủy Nam còn mạnh dạn phát triển thêm chăn nuôi bò, heo, dê, gà... Ông Lâm cho biết, Ngư Thủy Nam nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ huyện đến tỉnh. Một trang trại nuôi gà được hỗ trợ 300 triệu tiền con giống, hay bò, dê, heo... ai đăng ký nuôi đều được hỗ trợ con giống. Đặc biệt, phong trào xuất khẩu lao động được nhân dân hưởng ứng. Nhiều con em địa phương đang ăn nên làm ra ở nước ngoài. “Ra Tết Nguyên đán, sẽ có thêm 30 con em của Ngư Thủy Nam bay sang Nhật và Đài Loan lao động. Cả xã này có hai nhà 2 tầng đều do con em đi xuất khẩu lao động gửi tiền về xây dựng. Đây là một hướng đi mới đầy triển vọng của xã” – ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, chỉ sau hơn một năm sự cố môi trường biển, Ngư Thủy Nam về cơ bản đã xóa được thế độc canh nghề biển. Tuy nhiên, hướng phát triển kinh tế chính của xã vẫn là nghề biển. Để nghề biển bền vững, xã đang khuyến khích người dân mạnh dạn đóng tàu vươn khơi vươn xa nhưng vẫn đang gặp một số khó khăn. “Vừa rồi, toàn xã có 5 hộ ngư dân đăng ký đóng tàu đánh bắt xa bơ, tuy nhiên chưa thực hiện được. Do người dân không có đủ tiền làm vốn đối ứng. Để đóng một con tàu 10 tỷ đồng, ngư dân phải bỏ ra 2 tỷ vốn đối ứng. Với ngư dân Ngư Thủy Nam không đào đâu ra. Ở xã có nhiều ngư dân đi làm tài công cho các tàu xa bờ ở vùng khác. Họ có năng lực, có kinh nghiệm đó, nhưng tiền thì không có nên đành bó tay” – ông Lâm tiếc nuối.
Ông Lâm bày tỏ, nếu Nhà nước có chính sách đặc biệt cho ngư dân các xã bãi ngang đóng tàu đánh bắt xa bờ, may ra ngư dân các xã như Ngư Thủy Nam mới có cơ hội thoát nghèo, làm giàu bền vững.
H.N/tienphong