Ẩn chứa trong lòng đất Tây Nguyên là những di chỉ lịch sử, văn hóa lâu đời của người tiền sử có mặt ở đây từ thời kỳ đá cũ và mới, đến thời sơ kỳ kim khí cách nay hàng nghìn năm.
Lật lên từ những di chỉ ấy, giới khảo cổ học trong nước cũng như quốc tế đã từng bước khẳng định sự xác thực về tính liên tục của dòng chảy lịch sử dân tộc gắn với mối liên kết, phát triển của nhiều vùng, miền trên cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á.
Hầu hết những di chỉ khảo cổ ở đây đều cho thấy đời sống người tiền sử ở Tây Nguyên gắn liền với dòng chảy của đá - từ sơ kỳ đá cũ đến hậu kỳ đá mới và cùng với lịch sử nhân loại bước sang thời kỳ kim khí, rồi tiếp tục phát triển cho đến tận ngày nay. Quá trình ấy dần được soi rọi qua từng di chỉ được khai quật tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông trong hơn ba thập niên qua, từng bước đem lại những hiểu biết kỳ thú về người tiền sử trên vùng đất này.
Kiểm tra, đánh giá hiện vật được khai quật từ di chỉ Thác Hai (Ea Súp - Đắk Lắk). |
Vào đầu tháng 9/1999, trong khi làm thủy điện Ya Ly đã phát hiện nhiều dấu vết hết sức quan trọng về nền văn hóa cổ đã tồn tại ở đây. Từ thông tin này, GS.TS. Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cùng đồng nghiệp tiến hành khai quật và phát hiện hàng nghìn hiện vật bằng đá như: bôn, rìu, hòn nghè, hòn kê và hòn lấy lửa… tại di chỉ Lung Leng (tỉnh Kon Tum). Đây là một trong những di chỉ được đánh giá là đầy đủ và tập trung nhất về đời sống của người tiền sử ở Tây Nguyên thời hậu kỳ đá mới, chuyển sang thời sơ kỳ kim khí cách nay trên dưới 3.500 năm.
Đến năm 2014 - 2016, di chỉ An Khê - Gia Lai cũng được Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp Viện Địa chất - Khoáng sản và Địa hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) tiến hành khai quật.
Sau 3 đợt khai quật tại 27 địa điểm trên diện tích hàng trăm héc ta, đã có hơn 1.000 hiện vật được phát hiện, qua đó cho thấy tầng tồn di văn hóa của cư dân thời sơ kỳ đá cũ bao gồm các chức năng khác nhau như: khu vực khai thác nguyên liệu, sơ chế công cụ đá tập trung và vùng cư trú tồn tại cách nay hơn 6.000 năm. Trong đó, khu vực sơ chế công cụ đá được các nhà khoa học xem như một dấu ấn quan trọng, xác định con người thuở sơ khai ở An Khê đã hình thành một kỹ nghệ chế tác công cụ lao động từ thô sơ đến tinh xảo. TS. Nguyễn Gia Đối (Viện Khảo cổ học Việt Nam) tạm thời gọi tên kỹ nghệ này là “Kỹ nghệ An Khê” được ghi nhận gồm phức hợp các yếu tố thuộc sơ kỳ đá cũ, với những hòn cuội được ghè đẽo thô sơ, tạo thành lưỡi đơn giản cho đến những mũi nhọn toàn diện.
Có thể nói, thông qua “dòng chảy của đá” - từ sơ kỳ đá cũ đến hậu kỳ đá mới được giới khảo cổ thám sát, khai quật trên địa bàn Tây Nguyên đã cho thấy tính liên tục của dòng chảy lịch sử ở vùng đất này. Xác thực ấy được thể hiện qua địa bàn, mô hình cư trú gắn kết công xưởng chế tác công cụ đá và cả cách thức mộ táng của người tiền sử được tìm thấy trong lòng đất Tây Nguyên” TS. La Thế Phúc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) |
Đặc biệt là những chiếc rìu tay và công cụ ghè hai mặt được tìm thấy tại di chỉ trên đạt trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao, mang đặc trưng tiêu biểu rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại. Những công cụ bằng đá ở An Khê đã góp phần bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới, TS. Nguyễn Gia Đối khẳng định.
Hiện vật từ di chỉ Thác Hai (Ea Súp) được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk. |
Từ năm 2016 - 2018, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam liên tục tổ chức những cuộc thám sát, nghiên cứu nhiều di chỉ tiền sử ở Hố Tre (thôn Hòa Tây, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) và trên các thềm sông cổ dọc thung lũng sông Ba (thuộc địa phận các huyện K’Bang, Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa - tỉnh Gia Lai và huyện Ea Ka - tỉnh Đắk Lắk ngày nay). TS. La Thế Phúc cho biết, tại những địa điểm này đã xuất lộ rất nhiều công cụ bằng đá tương tự như di chỉ Lung Leng - Kon Tum và An Khê - Gia Lai.
Đáng chú ý là tại những khu vực này, ngoài hàng trăm hiện vật đá (rìu tay, ghè một mặt và hai mặt, công cụ chặt thô rìa dọc và rìa ngang, mảnh tước, hạch đá… được chế tác từ thô sơ đến phức tạp nhằm tạo các rìa lưỡi sắc thẳng hoặc zích zắc, mũi nhọn và mũi tam diện) được tìm thấy, các nhà khoa học còn phát hiện một cụm đá xếp (rộng khoảng 0,3 m, dài khoảng 0,5 m) bao gồm: hòn ghè (dùng để đập, ghè vật cứng khác), hòn kê (dùng để kê khi ghè đập vật cứng) với nhiều lỗ lõm sâu và chung quanh là các loại rìu hình bầu dục, rìu ngắn, mảnh tước (mảnh đá bị tách ra khi chế tác công cụ lao động).
Theo TS. La Thế Phúc, cụm đá xếp này có khả năng là nơi chế tác công cụ đá tại chỗ của cư dân thời tiền sử. Những phát hiện tại những di chỉ trên cho thấy đây là loại hình di tích cư trú và di tích công xưởng có niên đại thuộc trung kỳ đá mới, rất có giá trị trong nghiên cứu thời tiền sử ở Tây Nguyên nói riêng và khu vực Đông - Nam Á nói chung.
Vào trung tuần tháng 3/2021, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành khai quật di chỉ Thác Hai (huyện Ea Súp - Đắk Lắk) và đã tìm thấy rất nhiều công cụ bằng đá như: rìu, bôn, chày đập, hòn nghè... cùng hàng nghìn tiêu bản mũi khoan và phác vật mũi khoan được chế tác khá tinh xảo. TS. Chu Mạnh Quyền (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) nhận định đây là một di chỉ xưởng kết hợp cư trú và mộ táng. Trong đó, tính chất xưởng của di chỉ nổi lên một cách rõ rệt thông qua hiện vật được phát hiện tại đây.
(Còn nữa)
Theo Đình Đối (baodaklak)
----------------
Kỳ 2: Liên tục dòng chảy lịch sử