Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Trung ương bàn về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu thảo luận ở tổ về xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Chiều 8/10, Văn phòng Trung ương Đảng phát hành thông cáo ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng điều hành phiên họp buổi sáng. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cùng các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
 
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ảnh: Đoàn Bắc.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các đại biểu làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 sáng 7/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã điểm những nét đáng chú ý về tình hình kinh tế - xã hội.
Tổng bí thư nhấn mạnh Hội nghị Trung ương diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu thấp hơn so với năm 2018 và dự báo còn có thể tiếp tục suy giảm trong năm 2020; cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường; thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có nhiều biến động, gây tâm lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu...
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước đề nghị Trung ương xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2019. Chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.
Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức 6,6-6,8%; giữ vững môi trường hoà bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự xã hội…
Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020.
Hoài Vũ (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm