Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn: Tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 5-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Chư Pưh và Chư Sê trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Tham gia buổi tiếp xúc còn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chư Pưh, Chư Sê và đông đảo cử tri địa phương.
“Nóng” vấn đề đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng
Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe bà Siu Hương thông báo về dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, cử tri huyện Chư Pưh và Chư Sê đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh-cho biết: Theo Điều 94 Luật Đất đai 2013, khi Nhà nước xây dựng công trình công cộng, quốc phòng-an ninh có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công thương chưa có hướng dẫn quy định mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể đối với tài sản nằm trong hành lang an toàn cột tháp trụ điện gió đã gây áp lực rất lớn lên địa phương. Cụ thể, đến nay, huyện đã tiếp nhận trên 100 đơn thư kiến nghị bồi thường, hỗ trợ tài sản nằm trong hành lang an toàn cột tháp trụ điện gió. Đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với các bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để địa phương cùng nhà đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân cũng như hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Chư Pưh. Ảnh: Quang Tấn
Liên quan đến việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, ông Đặng Lê Minh-Bí thư Đảng ủy xã Chư Don (huyện Chư Pưh) cho rằng: Hiện nay, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các địa phương. Tuy nhiên, tỉnh chưa ban hành định mức hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng và chưa có hướng dẫn lập kế hoạch, phương án, dự toán dẫn đến địa phương gặp khó khăn trong thực hiện. Đề nghị các đại biểu Quốc hội kiến nghị với cấp có thẩm quyền sớm ban hành định mức và văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện vì thời gian còn lại của năm 2022 rất ngắn.
Trong khi đó, cử tri Trần Hoài Thanh (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) bức xúc khi diện tích đất canh tác của gia đình nhiều năm nay không có tranh chấp nhưng khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phát hiện đất của mình đã bị cấp chồng lên đất của người khác. “Tôi phải chạy đi chạy lại cả năm nay những vẫn chưa được giải quyết. Việc cấp sai do các cấp có thẩm quyền làm, giờ bắt tôi phải chạy đôn chạy đáo như vậy có đúng không? Tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội có ý kiến để các cấp giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi để vay vốn, phát triển kinh tế”-cử tri Trần Hoài Thanh kiến nghị.
Cử tri Đặng Lê Minh-Bí thư Đảng ủy xã Chư Don, huyện Chư Pưh nêu ý kiến về việc phân bổ nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Quang Tấn
Các vấn đề liên quan đến đất đai, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng được nhiều cử tri huyện Chư Sê gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Cử tri Đinh Thanh Xuân (tổ dân phố 9, thị trấn Chư Sê) bức xúc nói: “Năm 2017, huyện Chư Sê đã thu hồi của gia đình tôi 1.300 m2 đất để phục vụ các công trình phúc lợi. Chúng tôi đã chấp hành và bàn giao mặt bằng nhưng từ đó đến nay, gia đình tôi chưa được chi trả tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng huyện chưa giải quyết chi trả cho gia đình. Đề nghị đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, chỉ đạo huyện Chư Sê giải quyết cho gia đình chúng tôi”. Bên cạnh đó, cử tri huyện Chư Sê cũng kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết việc bồi thường, giải phóng mặt bằng không thỏa đáng cho người dân tại một số dự án trên địa bàn.  
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của người dân
Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo một số sở, ngành và UBND các huyện đã giải trình những nội dung thuộc thẩm quyền. Trả lời kiến nghị của cử tri, ông Trần Quốc Khánh-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao các sở, ngành phối hợp với huyện Chư Pưh giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ tài sản trong hành lang an toàn điện gió. Và để giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị có hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công thương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể mà chỉ trả lời chung chung nên rất khó giải quyết. Qua đây, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội có ý kiến với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để địa phương có cơ sở triển khai bồi thường, hỗ trợ kịp thời, tránh gấy bức xúc trong dư luận xã hội.
Trả lời kiến nghị của cử tri về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lên nhau, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Đây là thực trạng chung, không phải riêng địa bàn huyện Chư Pưh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong quá trình đo đạc, đơn vị đo đạc, tư vấn đã thực hiện sai dẫn đến tình trạng cấp chồng giấy chứng nhận. Sau khi nắm thông tin, Sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện với quan điểm cấp sai thì tiến hành thu hồi để cấp lại.
Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương cũng đồng cảm, chia sẻ với những ý kiến, kiến nghị của cử tri trong việc hỗ trợ, bồi thường đối với tài sản trong hành lang an toàn cột tháp trụ điện gió. Ông Lộc cho biết, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn rõ ràng, cụ thể đối với việc này. Đồng thời, Sở đã làm việc với các công ty điện gió và họ cũng đã ký cam kết sẽ tiến hành bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công thương chưa có hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở tiến hành bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Đề nghị đại biểu Quốc hội kiến nghị các bộ, ngành liên quan quan tâm giải quyết, sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Quang Tấn
Giải đáp kiến nghị của cử tri về việc đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án đường tránh Đông thị trấn Chư Sê, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Dương Mạnh Mẫn cho hay: Dự án này do Bộ Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư nên kinh phí đền bù do Bộ chi trả. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông-Vận tải đề nghị nghiên cứu, bố trí kinh phí chi trả cho người dân. Qua đây, huyện đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với các bộ, ngành liên quan xem xét bố trí kinh phí chi trả để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Còn đối với vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng công trình Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, dự án này đang được thanh tra, chưa có kết luận nên chưa thể giải quyết cho người dân.
Về các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của người dân khi thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai thành Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc cổ phần hóa được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và đúng quy trình, quy định của các cấp. Hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo giải quyết vụ việc. Sau khi có kết luận của Cơ quan Điều tra về sai phạm của các cá nhân có liên quan sẽ giải quyết dứt điểm cho người dân, tránh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài như thời gian qua…
Phát biểu kết thúc buổi tiếp xúc ở các địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến để đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết và sẽ giám sát quá trình giải quyết của chính quyền các cấp. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị UBND các huyện quan tâm giải quyết những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài của người dân. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tiếp thu, ghi nhận những kiến nghị của cử tri xoay quanh các vấn đề liên quan đến Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai. Đồng thời, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Các cấp của tỉnh đang tập trung chỉ đạo giải quyết và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ vấn đề này. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Đoàn sẽ tổng hợp ý kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và trả lời cử tri trong thời gian sớm nhất.
NGUYỄN QUANG
 

Có thể bạn quan tâm