Kinh tế

Truyền thông kỹ thuật nuôi sâu canxi và trùn quế cho hội viên nông dân Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội Nông dân tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với Hội Nông dân thị xã Ayun Pa hội thảo về kỹ thuật nuôi sâu canxi và trùn quế cho 70 hội viên nông dân phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa).

Quang ảnh hội thảo: Ảnh: Vũ Chi

Hội thảo nằm trong Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tại tỉnh Gia Lai, Dự án được triển khai tại 3 địa phương gồm: thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện và huyện Chư Păh.

Tại hội thảo, giảng viên nguồn TOT của dự án đã phổ biến đến các học viên phương pháp phân loại, xử lý rác thải hữu cơ; lợi ích của việc nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi; quy trình các bước nuôi. Các học viên cùng nhau trao đổi, giải đáp thắc mắc, những khó khăn thường gặp khi nuôi sâu canxi, trùn quế.

Thức ăn của sâu canxi là phụ phẩm rau, củ, quả, còn thức ăn của trùn quế là chất thải của động vật. Khi trưởng thành, sâu canxi, trùn quế là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho các loại vật nuôi như gà, vịt, heo, bò, tôm, cá, lươn, ếch…giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, có sức đề kháng và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, giảm được chi phí thức ăn đầu vào. Phân trùn quế, sâu canxi còn là nguồn phân hữu cơ thiên nhiên, tốt cho các loại cây trồng, tăng khả năng cải tạo đất. Vì vậy, mô hình nuôi sâu canxi, trùn quế góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường.

Hội viên nông dân trực tiếp chia sẻ về cách thức nuôi sâu canxi. Ảnh: Vũ Chi

Trong 3 ngày (8, 9 và 11-1), Hội Nông dân tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Nông dân thị xã Ayun Pa tổ chức 3 buổi hội thảo truyền thông tuyên truyền kỹ thuật nuôi sâu canxi và trùn quế cho 210 hội viên nông dân các phường Hòa Bình, Đoàn Kết và Sông Bờ.

Có thể bạn quan tâm